Sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước từ 21/3/2024 cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo về việc thực hiện quyền Chủ tịch nước ngay sau khi bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa 15. Việc này căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội và quy định có liên quan.
Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ 2021-2026 bà Xuân được phân công giữ quyền Chủ tịch nước. Tháng 1/2023, bà giữ quyền Chủ tịch nước trong hơn một tháng từ lúc Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho đến khi bầu ông Võ Văn Thưởng đảm nhiệm cương vị.

Bà Võ Thị Ánh Xuân bên hành lang Quốc hội, tháng 3/2021. Ảnh: Giang Huy
Bà Võ Thị Ánh Xuân, 54 tuổi, cử nhân Sư phạm Hóa học, thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công, quê huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Bà là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 12, 13 (khóa 11 dự khuyết); đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.
Bà Xuân xuất thân là giáo viên cấp hai ở thị xã Long Xuyên, sau đó kinh qua nhiều chức vụ như Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Tân Châu, Phó chủ tịch tỉnh, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy An Giang.
Tháng 4/2021, bà được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch nước ở tuổi 51 và là Phó chủ tịch nước trẻ nhất lịch sử. Nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khi đó đánh giá bà Võ Thị Ánh Xuân đã thể hiện được năng lực qua nhiều vị trí công tác và hội tụ đủ 5 chữ T gồm "trí tuệ, tự tin, trẻ đẹp, tiến bộ và thành công".
Trong gần 3 năm giữ cương vị Phó chủ tịch nước, bà Xuân có nhiều chuyến công du đến các nước như Bulgaria, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Kazakhstan, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2021, 2023 tại Bồ Đào Nha và UAE. Trên cương vị quyền Chủ tịch nước, tháng 2/2023, bà đã trao quyết định bổ nhiệm 13 Đại sứ mới của Việt Nam tại nước ngoài.

Theo VNexpress