Global Times cho rằng Tổng thống Pháp Macron đưa ra bình luận "hợp lý" khi ông kêu gọi châu Âu không làm "chư hầu" trong vấn đề Đài Loan.

Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 10/4 đăng bài xã luận nói rằng bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "rõ ràng là kết quả của sự quan sát, suy ngẫm lâu dài" và thể hiện đường lối "tương đối khách quan, hợp lý, phù hợp với lợi ích của chính châu Âu".

"Trong khi đó, một số người muốn tạo dư luận giả về châu Âu, che đậy tiếng nói và lợi ích thực sự của người dân châu lục", bài báo có đoạn.
Trong bài phỏng vấn sau chuyến thăm Trung Quốc tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng châu Âu cần phải là thế lực thứ ba, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, trong trật tự thế giới. Ông cũng hối thúc châu lục này không nên là "chư hầu" trong vấn đề Đài Loan, nhằm tránh bị vướng vào "khủng hoảng không phải của mình".
Chen Weihua, trưởng văn phòng đại diện của tờ China Daily tại Brussels, Bỉ, đăng Twitter rằng "những lời từ ông Macron về quyền tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), chống lại Chiến tranh Lạnh mới và sự chia rẽ, sẽ được chứng minh là quyết định sáng suốt".
Người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc cũng đồng tình với phát biểu của Tổng thống Pháp. "Ông ấy dám thảo luận cởi mở về quyền tự chủ. Châu Âu tiến bộ rồi", một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.

Tổng thống Macron phát biểu trước cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh ngày 5/4. Ảnh: Reuters
Trong khi người Trung Quốc gần đây có cái nhìn tiêu cực về hầu hết lãnh đạo phương Tây, dư luận nước này lại có cảm tình tích cực với ông Macron. Hàng trăm sinh viên, thanh niên Trung Quốc đã chào đón Tổng thống Pháp như ngôi sao trong chuyến thăm Quảng Châu. Nhiều người thậm chí hét lớn "Tôi yêu mến ông Macron".
"Ý tưởng của ông Macron rất hay. Sự kiêu ngạo và thụ động của châu Âu suốt nhiều năm qua đã khiến họ bị cuốn theo Mỹ", một người khác bình luận trên Weibo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cũng ca ngợi bình luận của ông Macron, nói rằng họ "không ngạc nhiên" trước phản ứng tiêu cực từ một số người ở phương Tây với quan điểm của Tổng thống Pháp.
"Một số quốc gia không muốn thấy nước khác trở nên độc lập và tự chủ, thay vào đó luôn muốn ép buộc các quốc gia khác tuân theo ý họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh. "Quyền tự chủ chiến lược sẽ giúp họ được tôn trọng và có được nhiều bạn bè hơn, trong khi ép buộc và áp lực chỉ mang lại phản kháng và chống đối".
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng thực tế địa chính trị đòi hỏi Pháp và phần lớn châu Âu phải liên kết với Mỹ. Hồ Tích Tiến, nhà bình luận chính trị nổi tiếng và cũng là cựu tổng biên tập Global Times, đăng trên Weibo rằng bất chấp những bình luận lạc quan của ông Macron, việc Trung Quốc cho rằng Pháp sẽ đứng về phía họ trong cuộc đối đầu tương lai với Mỹ là "không thực tế".
"Châu Âu và Mỹ có chung các giá trị và bị ràng buộc bởi NATO", ông Hồ Tích Tiến cho hay. "Nhưng chúng tôi có thể tin chắc rằng ngay cả khi Trung Quốc đối xử hợp lý và công bằng với các nước châu Âu, xung đột lợi ích chiến lược sẽ xuất hiện khi Mỹ buộc họ chống lại Bắc Kinh".
Bình luận về Đài Loan khiến Tổng thống Pháp hứng chỉ trích từ cả hai bờ Đại Tây Dương. Các nghị sĩ Mỹ kêu gọi để châu Âu tự giải quyết xung đột ở Ukraine hoặc đánh giá lại quan hệ Mỹ - Pháp. Số khác cho rằng ông Macron "tiêu chuẩn kép" khi Pháp ủng hộ các nỗ lực của Mỹ trong bảo vệ Ukraine, nhưng lại làm ngơ trong vấn đề Đài Loan.
Nghị sĩ Norbert Roettgen, thành viên ủy ban đối ngoại quốc hội Đức, bình luận rằng Tổng thống Pháp "đang ngày càng tự cô lập ở châu Âu". Nghị sĩ Litva Dovile Sakaliene cáo buộc ông Macron "mù tịt về địa chính trị" và "hành động trái với lợi ích của EU và NATO".

Huyền Lê (Theo AFP)