Vì nhận thấy bây giờ có nhiều người về Việt Nam lập gia đình hay bảo lãnh hôn thê hôn phu qua Mỹ để kết hôn bên Mỹ, tôi xin viết bài về những đám cưới giàn xếp hay khả nghi để những người trong cuộc biết những yếu tố nào gây nghi ngờ nơi Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ.

Ai cũng biết cách nhanh nhất và dễ nhất để có thẻ xanh là qua đám cưới chân thật với một công dân Mỹ.

Tuy nhiên, một trong những chuyện tệ nhất là khi một người kết hôn giả nhằm mục đích được nhập cư ở Mỹ. Thật vậy, nếu người đó bị bắt thì sẽ bị cấm vào Mỹ suốt đời dù cho có người khác hay có một công ty nào khác đứng ra bảo lãnh.



Sau đây là một vài điều về di trú liên quan đến kết hôn:

1. Vấn đề chính là hai người «có ý định sống chung ở thời điểm hai người kết hôn hay không». Một trong những bằng chứng về ý định sống chung là giấy tờ bảo hiểm, giấy tờ sở hữu nhà đất, giấy tờ thuê mướn nhà, giấy tờ thuế, giấy tờ nhà băng của người bảo lãnh có tên của người được bảo lãnh trên đó. Nói một cách khác, họ có những giấy tờ đứng tên hai người để chứng minh quan hệ chân thật của họ.

2. Mục đích của cuộc phỏng vấn là để nhân viên về di trú chắc chắn rằng cuộc hôn nhân đó chân thật (bona fide) hay không chứ không phải để xem cuộc hôn nhân đó có tồn tại (viable) hay không. (Tồn tại là xác suất hai bên có thể kết hôn lâu dài). Trong một tài liệu của USCIS có đoạn ghi như sau :


USCIS is not in the business of determining (or even speculating about) viability. Although the petitioner and the beneficiary may not appear to have a "viable" marriage, the petition may be approved if the marriage is valid and was not entered into solely for immigration purposes." Therefore, even if a marriage is "on the rocks", it is still possible (but very uphill), for the case to be approved.

Đoạn đó tạm dịch như sau:
Vai trò của USCIS không phải để quyết định về sự tồn tại. Mặc dù người bảo lãnh và người được bảo lãnh không có vẻ sẽ có một cuộc hôn nhân đứng vững, đơn bảo lãnh vẫn có thể được chấp thuận nếu cuộc hôn nhân hợp lệ và không nhằm mục đích di trú.

Do đó, dù cho một cuộc hôn nhân đang lâm vào một cảnh khó khăn, hồ sơ vẫn có thể được chấp thuận.


3. Có một số điểm khiến cho nhân viên về di trú nghi ngờ, điều tra vấn đề, đến thăm viếng nhà sáng sớm và phỏng vấn những người mướn nhà cùng những người hàng xóm để chắc chắn rằng cuộc hôn nhân đó là cuộc hôn nhân thật.

- Tuổi tác cách biệt nhiều.
- Hai vợ chồng không nói cùng ngôn ngữ.
- Nền tảng văn hóa và dân tộc có nhiều khác biệt.
- Gia đình và bạn bè không biết gì về cuộc hôn nhân của hai người.
- Người nước ngoài kết hôn liền sau khi có lệnh trục xuất.
- Hai vợ chồng mâu thuẫn khi trả lời những câu hỏi mà cả hai đáng lẽ phải trả lời giống nhau như hai người gặp nhau lần đầu tiên ở đâu, hai người ăn tối ở đâu hôm qua, có bao nhiêu máy điện thoại trong nhà, máy điện thoại để ở đau trong nhà, v.v…

Cũng có nhiều trường hợp hai người thật sự yêu nhau, nhưng vì một lý do này hay lý do nọ, nhân viên di trú nghi ngờ về quan hệ giữa hai người và cho rằng đó là hôn nhân giả. Do đó, đơn bị từ chối mặc dù hai người yêu nhau sâu đậm.

Vì một lý do này hay lý do nọ, một trong hai người hay cả hai cùng sợ, bối rối và không hiểu hoàn toàn câu hỏi đặt ra bởi nhân viên di trú lúc phỏng vấn. Kết quả là nếu cả hai bị phỏng vấn riêng, họ sẽ trả lời những câu hỏi không trùng với nhau khiến nhân viên di trú nghi ngờ là hôn nhân dàn xếp.

Nói tóm lại, bạn phải bình tỉnh trước khi đi phỏng vấn và ôn lại những gì người bảo lãnh đã khai trước đó hoặc bàn với nhau về những câu hỏi mà nhân viên di trú có thể hỏi.