Ăn kiêng thường được quảng cáo, "giúp làm giảm cân tức thì" nhưng đôi khi do sự mất cân bằng về dưỡng chất khiến cho lợi biến thành hại, giống như một số trào lưu ăn kiêng chạy theo mốt dưới đây.

Ăn kiêng hay ăn uống tiết thực (diet) là dùng thực phẩm theo cách được quy định và giám sát để giảm cân, duy trì hoặc tăng khối lượng cơ thể hay để ngăn ngừa và điều trị các bệnh như tiểu đường. Một chế độ ăn kiêng hạn chế thường được sử dụng bởi những người đang thừa cân hoặc béo phì, đôi khi kết hợp với tập thể dục để giảm khối lượng cơ thể.

Chế độ ăn kiêng giải độc

Ăn kiêng giải độc hay "Cách thanh lọc Martha’s Vineyard Detox (MVD)" là chế độ ăn uống được những người giàu có ở New England (Mỹ) áp dụng. MVD khi áp dụng trong 21 ngày, sẽ giảm được 9,5kg nhưng hầu hết các bác sĩ nói rằng đây là chế độ ăn uống giảm cân không an toàn. MVD khá đơn giản, không dùng những thứ phải nhai mà uống thuốc bổ (có tác dụng nhuận tràng) và không cần tập thể dục.

Điều này có nghĩa là, cứ sau 2 giờ lại đưa vào cơ thể "dưỡng chất không nhai dạng lỏng", chủ yếu là nước ép các loại rau xanh hữu cơ, sau đó dùng thuốc bổ giảm cân. Ngoài ra, mỗi tuần còn uống thuốc xổ một lần, sau đó dùng nước thường xuyên và không cần phải luyện tập gì cả.

Theo nghiên cứu, chế độ ăn kiêng MVD có thể gây nguy hiểm bởi chế độ ăn lỏng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, thực sự đốt cháy ít calorie hơn so với chế độ ăn uống bình thường. Chắc chắn là nếu dùng thực đơn MVD này cũng ít nhiều sẽ giảm cân, nhưng chủ yếu là giảm lượng nước và giảm cơ bắp, khiến cho cơ thể yếu hơn, mệt hơn bởi sự chuyển hóa sẽ chậm hơn so với trước đây.


Chế độ ăn kiêng chỉ uống nước ép rau quả có màu xanh có thể gây nguy hiểm.

Chế độ ăn kiêng "cắn 5 miếng"

Chế độ ăn "Chỉ cắn 5 miếng" (Five bite diet hay FBD) là chế độ ăn kiêng dễ thực hiện, chỉ cắn 5 miếng cho mỗi bữa với bất cứ thứ gì mà bạn muốn cho bữa trưa hoặc bữa tối. Chẳng hạn như bánh pizza tôm hùm, bánh hamburger kẹp trứng rán và gan ngỗng và phải vứt bỏ sau 5 lần cắn.

Không khó để áp dụng chế độ ăn kiêng này với 10 miếng "cắn" mỗi ngày, kể cả khi thực phẩm được chọn lọc kỹ càng, cơ thể vẫn bị thiếu các dưỡng chất cần thiết. Một bữa trưa chỉ có 5 miếng thì làm sao đủ "hạn ngạch" natri và các chất dinh dưỡng khác.

Chế độ ăn uống kiểu này ước tính chỉ nạp vào cơ thể khoảng 800 calorie ngày và do quá ít calorie nên chỉ được khuyến cáo áp dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ nếu không sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Chế độ ăn kiêng "Tongue Patch"

Tongue Patch (Tongue Patch Diet), còn gọi ngắn TPD, có thể hiểu là "dùng miếng vá gắn vào lưỡi". Theo đó, bác sĩ sẽ khâu một miếng nhựa vào lưỡi khiến người trong cuộc cảm thấy khó chịu nên phải giảm ăn uống, chỉ dùng thức ăn mềm hay ở dạng lỏng mà thôi.

Nếu đeo miếng vá thì chỉ ăn được chất lỏng chứa khoảng 800 calorie mỗi ngày. Nói ngắn gọn hơn, miếng vá ngăn không cho người trong cuộc phá vỡ chế độ ăn uống khắc nghiệt này. Theo đánh giá của giới y khoa, chế độ ăn uống TPD không chỉ gây đau, khó chịu mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, một khi bỏ miếng vá ra, người ta dễ quay về chế độ ăn uống cũ nên không bền vững.

Chế độ ăn kiêng bằng thực phẩm nguyên chất

Chế độ ăn kiêng bằng thực phẩm nguyên chất hay thực phẩm tươi chưa qua chế biến (RFD) được quảng cáo là giúp giảm cân nhanh, cải thiện làn da, hệ tiêu hóa, giảm đường huyết cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường. Nghe qua thì RFD có vẻ cực đoan, chắc chắn không nguy hiểm nhưng nó lại khiến cơ thể bị đói và mệt mỏi, đồng thời gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khác cho sức khỏe.

RFD đặt trọng tâm đến các loại thực phẩm chưa qua chế biến, dựa trên niềm tin cho rằng, việc nấu chín thức ăn sẽ phá vỡ các enzyme và làm mất các chất dinh dưỡng tự nhiên có trong thực phẩm. Trên thực tế, khoa học đã chứng minh, cả thực phẩm nấu chín lẫn tươi sống đều có những lợi ích cụ thể cho sức khỏe. Ngoài ra, nhiệt độ cao có thể giúp loại bỏ các chất có thể gây hại trong thực phẩm.

Theo chế độ ăn kiêng RFD, có đến 75% các thực phẩm tiêu thụ là chưa qua chế biến, ưu tiên với rau củ quả và các loại hạt. Sự bất lợi của chế độ ăn kiêng này là gây thiếu hụt các loại vitamin, dưỡng chất như vitamin D và B12, selen, kẽm, sắt và axit béo omega-3...

Theo soha.vn