Tỷ phú James Dyson, nhà sáng chế, thiết kế công nghiệp sáng lập Dyson.

James Dyson, nhà sáng chế, thiết kế công nghiệp đã trở thành tỷ phú sau khi sáng lập Dyson cho biết, công ty của ông có một đội ngũ hơn 5.800 kỹ sư và họ đầu tư đến 10 triệu USD mỗi tuần cho hoạt động R&D. Để thể hiện quyết tâm của mình trong sứ mạng mới, James Dyson đã gửi một email nội bộ cho toàn thể thể nhân viên, nói về nhiệm vụ cao cả mà họ có thể cùng Dyson thực hiện.

Trong khi cả thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu máy trợ thở nhân taọ trong đại dịch Covid-19, Dyson, một công ty tại Vương quốc Anh tuyên bố rằng họ sẽ tham gia vào sứ mạng sản xuất máy thở y tế nhân tạo.

Dyson vốn là một công ty sản xuất máy hút bụi, máy lọc không khí và máy sấy tóc nổi tiếng thế giới. Họ sở hữu những công nghệ mô-tơ hoạt động rất hiệu quả, với hơn 5.800 kỹ sư và chi rất mạnh tay cho các hoạt động R&D (Nghiên Cứu và Phát Triển).

Tiềm lực của Dyson không chỉ dừng lại ở đó, họ cho biết mình đã hợp tác được với một công ty khác là The Technology Partnership (TTP), cũng chuyên về nghiên cứu và sản xuất công nghệ.

Cả hai đã thành lập một liên doanh lấy tên là CoVent. Và họ chỉ mất 10 ngày để cho ra đời thiết kế mẫu máy trợ thở nhân tạo di động gắn trực tiếp vào giường bệnh.

Các máy trợ thở này có thể chạy bằng pin, được thiết kế riêng cho dịch Covid-19 và nó rất linh hoạt để trang bị được ngay trong các bệnh viện dã chiến.


Mẫu máy trợ thở nhân tạo di động gắn trực tiếp vào giường bệnh của CoVent

Chính phủ Anh cho biết họ đã tài trợ trực tiếp cho sứ mạng của CoVent. Hoạt động của liên doanh này được đặt dưới sự giám sát của Cơ quan Y tế Anh Quốc và Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Y tế (MHRA).

Dyson cho biết liên doanh còn có thể sản xuất 10,000 máy trợ thở trong thời gian tới để bán cho chính phủ với mức giá ưu đãi. Và thêm 5.000 cỗ máy khác sẽ được quyên góp, 1.000 máy ở Anh và 4.000 máy được chuyển ra nước ngoài giúp các quốc gia khác chống dịch.

Trong khi đó tại Mỹ, các công ty sản xuất ô tô bao gồm GM, FordTesla trong tuần này cũng tuyên bố rằng họ sẵn sàng chuyển dây chuyền của mình sang chế tạo máy trợ thở nhân tạo. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng quá trình chuyển đổi này có thể phải mất vài tháng. Và một khó khăn nữa cần vượt qua là làm thế nào để thuyết phục các công ty thiết bị y tế đang nắm giữ bằng sáng chế độc quyền với máy trợ thở cùng nhau tham gia.

Ngược lại, Dyson nói rằng họ đã đảm nhận toàn bộ quy trình thiết kế và chế tạo máy trợ thở riêng của mình. Vì vậy, họ có thể bắt tay vào công đoạn sản xuất ngay lập tức, mặc dù Dyson không nói rõ cụ thể khi nào họ có thể cho xuất xưởng lô máy đầu tiên.

Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội của Vương quốc Anh cảnh cáo rằng các bệnh viện trên khắp nước Anh và Bắc Ireland hiện chỉ có 8.175 máy trợ thở. Con số này là không đủ để phục vụ quy mô dân số lên tới 60 triệu người của nước này.

Nếu so sánh, Hoa Kỳ có khoảng 160.000 máy trợ thở trên quy mô dân số 320 triệu người, và họ vẫn còn hơn 12.700 máy trong kho dự trữ chiến lược quốc gia. Hiệp hội các Bệnh viện Hoa Kỳ ước tính sẽ có khoảng 960.000 người Mỹ cần sử dụng máy trợ thở trong đại dịch Covid-19.


Các máy trợ thở nhân tạo này có thể chạy bằng pin, được thiết kế riêng cho dịch Covid-19 và nó rất linh hoạt để trang bị được ngay trong các bệnh viện dã chiến.

Nói về tiềm lực, Dyson vốn là một công ty sản xuất máy hút bụi và máy sấy không khí hàng đầu ở Anh. Công ty đã có kinh nghiệm sản xuất hơn 60 loại sản phẩm máy móc tiêu dùng, mang về doanh thu 5,8 tỷ USD trong năm 2018.

Dươi đây là nội dung e-mail mà ông James Dyson gởi cho toàn thể nhân viên trong công ty mình:

"Các bệnh viện là tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại Covid-19, nơi các bác sĩ, y tá và điều dưỡng viên anh hùng đang chiến đấu để cứu lấy những mạng người và giúp họ phục hồi khỏi chủng loại virus khủng khiếp này.

Giống với bất cứ trận chiến nào, chúng ta có rất nhiều thách thức cần phải vượt qua, nhất là sự sẵn có của các thiết bị thiết yếu, mà trong trường hợp này là máy trợ thở nhân tạo. Máy này sẽ hỗ trợ một bệnh nhân không còn khả năng tự duy trì hô hấp, nhưng đáng buồn là hiện tại sự thiếu hụt đáng kể đang xảy ra cả ở Anh và các quốc gia khác trên thế giới.

Mười ngày trước, khi tôi nhận được một cuộc gọi từ Boris Johnson [thủ tướng Anh], chúng tôi đã tập trung các nguồn lực tại Dyson và làm việc với TTP, The Technology Partnership, để thiết kế và xây dựng một máy trợ thở hoàn toàn mới, The CoVent.

Thiết bị mới này có thể được sản xuất hàng loạt, nhanh chóng và hiệu quả. Nó được thiết kế để giải quyết các nhu cầu lâm sàng cụ thể dành cho bệnh nhân Covid-19, và nó phù hợp với nhiều môi trường lâm sàng khác nhau.

Thách thức cốt lõi là làm thế nào để thiết kế và cung cấp một sản phẩm y tế mới, tinh vi với số lượng lớn trong một khoảng thời gian thật ngắn. Cuộc đua bây giờ là đưa nó vào sản xuất càng nhanh càng tốt.

Động cơ kỹ thuật số Dyson sẽ trở thành trái tim của thiết bị mới. Thiết kế mô-tơ được tối ưu hóa để đạt tới mức độ an toàn nội tại rất cao, khiến nó đặc biệt phù hợp để được sản xuất công nghiệp, số lượng lớn.

Thiết bị này được thiết kế để đạt được nguồn cung cấp không khí chất lượng cao, đảm bảo an toàn và hiệu quả, dựa trên chuyên môn về máy lọc không khí của chúng ta, mang lại khả năng lọc chất lượng cao trong các sản phẩm dung tích lớn.

Máy trợ thở nhân tạo là một sản phẩm được quy định chặt chẻ, vì vậy Dyson và TTP sẽ hợp tác với MHRA và Chính phủ để đảm bảo rằng sản phẩm và quy trình sản xuất an toàn được phê duyệt. Chúng ta đã nhận được một đơn đặt hàng ban đầu 10.000 máy từ chính phủ Vương quốc Anh, đơn hàng này chúng ta sẽ cung cấp trên cơ sở hợp đồng mở. Chúng ta cũng đang xem xét các phương án xuất khẩu máy trợ thở ra thị trường quốc tế.

Tôi tự hào về những gì các kỹ sư của Dyson và các đối tác của chúng tôi tại TTP đã đạt được. Tôi mong muốn được nhìn thấy thiết bị mới này khi nó đi vào sản xuất và vận hành trong các bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đây rõ ràng là một thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu, do đó tôi sẽ quyên góp 5.000 cỗ máy cho nỗ lực quốc tế, 1.000 cỗ máy trong số này sẽ được cung cấp cho Vương quốc Anh.

Chúng tôi sẽ cập nhật tiến độ làm việc của mình với bạn,

Chúc bạn những điều tốt đẹp nhất,

James Dyson"


Tham khảo Fastcompany, Forbes