Đại dịch Covid-19 đã khiến cả showbiz TQ bị đóng băng đúng vào dịp Xuân mới. Những người trong nghề đều tự dặn nhau chờ ngày bệnh dịch bị đẩy lùi, công việc sẽ trở lại như xưa.

Những ngày cuối tháng 12/2019, người TQ và thế giới bắt đầu biết về một chủng virus mới gây bệnh viêm phổi xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc. Thời điểm đó, chẳng ai biết nó là gì và mức độ nguy hiểm đến đâu. Thế nhưng, chỉ sau vài tuần ngắn ngủi, virus Corona chủng mới đã xâm chiếm, trở thành cơn đại dịch toàn cầu.

Tại đất nước tỷ dân này, tình cảnh còn thảm thương hơn khi mà dịch bệnh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân TQ. Trong đó, ngành công nghiệp giải trí gần như rơi cảnh "bị chết lâm sàng".

Giới chuyên môn đã kỳ vọng vào năm 2020 rực rỡ của showbiz Hoa ngữ, ngay cả khi họ vừa trải qua một năm 2019 vô cùng ảm đạm. Nhưng cho đến hiện tại, cả làng giải trí TQ vẫn còn đứng ở vạch xuất phát và mọi thứ gần như là con số 0.


Hoành Điếm, phim trường lớn nhất thế giới và nổi tiếng nhất TQ vẫn chìm trong bóng tối giữa những nỗi lo bao giờ bệnh dịch sẽ lan đến chân mình, bất chấp các nỗ lực nhằm nối lại hoạt động. Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nơi đây đã bị đóng cửa theo lệnh của chính phủ để ngăn chặn dịch virus Corona. Sau 20 ngày tắt đèn, Hoành Điếm khai máy trở lại.

Nhiều nghệ sĩ, diễn viên quần chúng chia sẻ họ vô cùng hoang mang khi nhận được tin nhắn thông báo làm việc của ê-kíp giữa lúc dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt. Dù cho tâm trạng nặng nề đến mấy, họ vẫn phải xách hành trang rời khỏi nhà.

Thế nhưng, vừa đặt chân vào Hoành Điếm, sự bất lực lại một lần nữa bao trùm bầu không khí, hàng ngàn người bị đưa đi cách ly 14 ngày trước khi được làm việc trở lại. Đèn vẫn chưa được thắp sáng ở phim trường lớn nhất thế giới.

"Có đến 6000 người ở Hoành Điếm, nhưng cả thành phố vẫn tựa như lãnh cung, tịch mịch và trống rỗng. Quang cảnh u ám ở Hollywood phương Đông là biểu tượng của cuộc khủng hoảng đang bao trùm lên ngành công nghiệp giải trí Hoa ngữ", Ifeng bình luận.

Màu sắc đen tối và ảm đạm đó trực tiếp xóa bỏ sự nhộn nhịp, ồn ào vốn có bấy lâu nay của Hoành Điếm.

Một nhân viên sản xuất giấu tên của đoàn Gia truyền chia sẻ, "hơn 100 người trong ê-kíp làm phim của anh bị cách ly ở một khách sạn tại Hoành Điếm suốt 20 ngày".

Hàng ngày, anh và đồng nghiệp được nhân viên y tế đến đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng để đảm bảo trường hợp nào có triệu chứng nhiễm virus corona phải được lập tức phát hiện sớm.

"Cuộc sống ở đây bức bí đến mức không thở nổi. Bất kể là ngày hay đêm, Hoành Điếm vắng vẻ đến mức chỉ chiếc lá rơi cũng đủ khiến người ta giật mình, ngọn gió heo hút thổi qua cũng đủ khiến người ta rợn gai ốc", anh chia sẻ.

Tại một căn phòng trọ ọp ẹp, tăm tối, Trương Tô Thành, một diễn viên quần chúng có thâm niên chục năm bắt ghế ngồi trước cửa trông về Hoành Điếm với đôi mắt đượm buồn.

Ông và những con người bé nhỏ, vô danh như lọt thỏm giữa không gian rộng lớn, tráng lệ của phim trường lớn nhất TQ. Nhiều tuần qua, họ bị thất nghiệp do các cảnh quay quy mô lớn bị ngưng. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại chồng chất khó khăn vì bệnh dịch.

"Tôi cũng chẳng biết Hoành Điếm đã làm việc lại hay chưa. Nhưng tình cảnh hiện tại nhìn rất não lòng. Khắp nơi đều vắng lặng. Nói thật, giờ tôi chỉ sợ mình chết vì đói chứ không phải chết vì bệnh dịch", Trương Tô Thành tâm sự.

Trong lúc đó, ánh mắt ông vẫn lặng lẽ hướng về Hoành Điếm như thể đang tìm kiếm dấu hiệu nhỏ nhoi cho thấy phim trường đã "sống lại".

"2 triệu USD của chúng tôi đã đội nón ra đi chỉ sau 15 ngày đóng máy. Hoành Điếm không hoạt động bây giờ, thì đến bao giờ mới hoạt động?", giám chế Trần Ích Thao của đoàn Thanh Lạc nghẹn ngào nói.

Phóng viên Ifeng còn nghe rõ tiếng của đạo diễn Đàm Phi ở phía cuối phim trường. Đạo diễn Đàm Phi gằn giọng thông báo với ê-kíp của mình: "Diễn viên của chúng ta đã bị kẹt ở một sân bay trên đường quay lại Hoành Điếm vì cô ấy là người Hồ Bắc. Tạm thời chưa thể ghi hình".

Tình cảnh đối lập của bốn nhân vật kể trên chỉ là một phần nhỏ khốn khổ trong thế giới của hàng ngàn người làm nghệ thuật ở TQ đang trải qua trong thời kỳ Covid-19 hoành hành. Điều họ có thể làm lúc này chỉ là chờ đợi.

Hiện tại có đến 30 đoàn làm phim có lịch quay ở Hoành Điếm, nhưng giới quan sát nhận định sẽ chỉ có khoảng 10 đoàn có thể hoạt động trở lại giữa mùa dịch.



Theo Ifeng, sự trở lại của Hoành Điếm chỉ là động thái cầm hơi, mang chút năng lượng tích cực ít ỏi ban phát cho những người làm nghệ thuật bởi phải đợi đến khi chính quyền tỉnh dỡ bỏ lệnh cảnh báo y tế cấp một thì phim trường lớn nhất TQ mới có thể hoạt động bình thường trở lại.

Sau Hoành Điếm, một số phim trường lớn khác TQ là Tượng Sơn, Thanh Đảo Đông Phương, Vô Tích... cũng rục rịch lên kế hoạch mở cửa trở lại. Điều này bị khán giả phản ứng.

"Phim có thể quay lại, mạng mất rồi biết tìm nơi đâu. Virus không tha bổng cho bất cứ ai dù cho người đó có là minh tinh rực sáng một vùng trời", một người hâm mộ để lại bình luận phía dưới bài đăng của Hoành Điếm.

Mặc dù, tính đến ngày 21/2, chưa có bất cứ trường hợp dương tính với Corona nào được ghi nhận ở Hoành Điếm. Thế nhưng, phim trường vốn là nơi quy tụ dân tứ xứ, họ rời đi rồi trở lại giữa mùa dịch, vì thế không ít người, trong đó có các nghệ sĩ ái ngại và nơm nớp lo sợ tình trạng lây nhiễm chéo sẽ xảy ra trong quá trình ghi hình. Và nếu điều đó tiếp tục xảy ra, Hoành Điếm vẫn còn là kinh đô điện ảnh trống rỗng.

Trong những ngày đầu của dịch Covid-19, truyền thông TQ đã liên tục thống kê những con số thiệt hại do virus Corona gây ra đối với giới giải trí.

Ngành công nghiệp phim ảnh là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh viêm phổi cấp. Chỉ trong ngày 23/1, 7 ê-kíp phim Hoa ngữ là Thám tử phố Tàu 3, Lạc lối ở Nga, Đội bóng chuyền nữ TQ, Khương Tử Nha, Gấu Boonie, Cấp tiên phong và Giải cứu có lịch khởi chiếu từ mùng 1 Tết (25/1) đều đồng loạt tuyên bố rút khỏi hệ thống rạp.

Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử showbiz Hoa ngữ, trực tiếp kéo sập cả mùa phim Tết 2020. Theo Sina, doanh thu phòng vé TQ đến thời điểm này chỉ dừng lại ở con số 260.000 USD và hoàn toàn là doanh thu từ 3 tác phẩm ra mắt cuối năm 2019 là Ngộ sát, Diệp Vấn 4, Sủng ái. Năm ngoái, doanh thu phòng vé phim của đất nước tỷ dân đạt kỷ lục 860 triệu USD.

Mức độ càn quét của virus còn khiến hơn 70.000 rạp chiếu phim trên khắp cả nước lâm cảnh đóng cửa dài hạn. Một số rạp thậm chí tính đến chuyện phá sản, sa thải nhân sự vì lo ngại không có đủ tiền duy trì "mạng sống" cho đến khi dịch đi qua. Con số thiệt hại ước tính của ngành điện ảnh đến nay đã lên đến 1,5 tỷ USD, theo Xinhua..



"Mấy tấn bỏng ngô trong kho được chia cho các nhân viên mang về cho gà ăn. Mấy con gà thì vui mừng khôn xiết, còn chúng tôi thì chỉ biết rầu rĩ, tìm rượu giải sầu", Giám đốc cụm rạp Yixiang Datang ở trung tâm dịch Hồ Bắc nói về tình cảnh của đơn vị.

Không chỉ riêng ngành phim ảnh, theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp biểu diễn TQ đến hết quý I đã có hơn 20.000 sự kiện âm nhạc, kịch trường bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn trên khắp Đại lục.

Và ít nhất phải đợi đến thời điểm cuối năm, ngành này mới có thể hoạt động bình thường trở lại do sau dịch người dân vẫn sẽ có tâm lý tránh tụ tập ở địa điểm đông người và tạm thời thắt chặt chi tiêu vì nền kinh tế TQ lao đao.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng còn có thể trở nên tồi tệ hơn nữa vì không biết đến khi nào dịch bệnh mới được dập tắt. Hậu đại dịch SARS 2003, 17 năm qua đối với giới đầu tư, đây có lẽ là thời kỳ không thể nào quên.

Những tuần dài tin tức về chỉ số chứng khoán lao dốc không phanh của hàng loạt các công ty giải trí lớn như Hoa Nghị Huynh Đệ, Đường Đức, Hoa Sách, Vạn Đạt... liên tục xuất hiện trên các mặt báo. Thiệt hại kinh tế chưa được thống kê cụ thể.

Trong không khí u tối của đại dịch, nhà đầu tư đau đầu lao vào cuộc chiến chống khủng hoảng. Nỗ lực cứu trợ từ phía chính phủ TQ với chính sách giảm thuế, khuyến khích chủ nhà miễn tiền cho thuê mặt bằng như muối bỏ bể, không mang lại hiệu quả với các doanh nghiệp.

"Mọi dòng tiền huyết mạch của công ty đều bị chặn đứng. Áp lực kinh tế tựa như hai ngọn núi lớn. Chúng tôi đang xem xét sa thải gần 200 nhân viên. Nếu không làm việc này công ty sẽ phá sản", Đổng sự trưởng của King of K Songs cho hay.

Theo dữ liệu khảo sát của China Europe Business, 85% doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có thể duy trì nguồn tiền trong 3 tháng và dưới 9,96% doanh nghiệp có thể duy trì hơn 6 tháng. Chính vì vậy, trong số hàng triệu nhà đầu tư chưa biết được hậu Covid-19, người nằm xuống sẽ là ai.

"Các đại gia và giới bình dân trong ngành công nghiệp phim ảnh và biểu diễn nếu không được chính phủ sớm truyền dinh dưỡng, bệnh dịch chưa tan, họ đã chết yểu. Viễn cảnh một cú sốc lớn đối với nền công nghiệp giải trí đang suy yếu có thể kết thúc bằng sự cố thiên nga đen đang dần hiện hữu trước mắt", TMTPost nhận định.



Showbiz vãn cuộc vui, nghệ sĩ giãi bài toán duy trì sức hút

Ở thời điểm hiện tại, có thể nói thị trường giải trí lớn nhất nhì châu Á đã hoàn toàn rơi vào trạng thái "xác không hồn". Với sức càn quét của mình, virus Corona đả viết lên một chương đen tối trong showbiz Hoa ngữ và khiến những minh tinh vốn đầy kiêu hãnh phải chùn bước.

Thậm chí, có những ngày, công chúng còn mất đi khái niệm "minh tinh", bởi tin tức về virus đã chiếm giữ hoàn toàn 10 vị trí đầu trên hot search mạng xã hội lớn nhất TQ Weibo và trang chủ của các tờ báo hàng đầu.

Điều này lại vô tình tạo ra áp lực với các ngôi sao, đặc biệt đối với những nghệ sĩ thuộc nhóm minh tinh tên tuổi, những người sống dựa vào chỉ số truyền thông để duy trì độ nổi tiếng. Và không quá khó để nhận ra, tên tuổi của Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Mịch, AngelaBaby, Dương Tử, Tiêu Chiến, Ngô Diệc Phàm... đều ít nhiều bị hạ nhiệt trong thời điểm không sự kiện, không show giải trí.

Trong lúc gặp khó vì bị "cấm vận" này, các công ty truyền thông, đài truyền hình TQ chuyển hướng sang áp dụng giải pháp livestream để ghi hình phát sóng. Hiện tại các chương trình giải trí tại Trung Quốc đều bị cấm ghi hình.



"Dịch tễ đột ngột ập đến khiến làng giải trí câm lặng và suy yếu. Chính vào lúc này công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo AI ở thời đại 4.0 đã cứu rỗi danh tiếng của các ngôi sao. Chưa bao giờ, những nghệ sĩ vốn váy áo lượt là, mặt hoa da phấn lại có thể xuất hiện với phong cách và câu chuyện bình dị đến lạ thường trước mặt công chúng như lúc này", TMTPost.

Các nghệ sĩ nổi tiếng trong show truyền hình ăn khách như Thiên thiên hướng thượng, Vương bài đối vương bài, Ngôi nhà của chúng ta, Vũ đài âm nhạc, Diễn viên hài vui vẻ, Ca sĩ... đều ở nhà, diện trang phục đời thường nhất và trò chuyện thông qua màn hình với nhau. Họ bỗng trở nên gần gũi trong mắt hàng triệu người.

Theo thống kê của Kuaishou, tính ngày 20 đến 31/1, số lượng các chương trình phát sóng trực tuyến ở TQ đã vượt quá con số 200 với tổng số hơn một tỷ lượt người xem. Cổ phiếu của Douyin, Xigua, Quick Hand, Volcano Small Video, Microvision, Youku... tăng chóng mặt trên thị trường chứng khoán.

Nhận thấy tiềm năng vô hạn của thị trường livestream, hai anh lớn Taobao và Alibaba cũng lập tức nhảy vào hợp tác với nhiều công ty âm nhạc, quản lý nghệ sĩ tổ chức các buổi trực tiếp với đa dạng các chủ đề để giúp người xem giết thời gian. Ước tính mỗi ngày đơn vị tổ chức kiếm được ít nhất 300.000 USD tiền mặt, quy đổi từ phần quà ảo được người hâm mộ gửi tặng.

Bên cạnh sóng livestream, không ít nghệ sĩ còn chủ động chuyển sang phát triển hình ảnh bằng cách thường xuyên chia sẻ video ngắn với nội dung hài hước hoặc ăn theo hot trend đình đám lên các nền tảng trực tuyến. Với tầm ảnh hưởng và độ nổi tiếng của mình, hầu hết video họ đăng tải đều nhận được sự chú ý rất lớn từ công chúng.

Sina nhận định đại dịch đã mở ra một cuộc sống trực tuyến trong thời kỳ số hóa toàn cầu tại TQ.

Đợi ngày showbiz TQ hồi sinh

Sẽ là khó trả lời cho câu hỏi liệu bao giờ Covid-19 sẽ chấm dứt. Nỗi đau mất mát sẽ vẫn còn đó, nhưng nó là quy luật sinh tử tất yếu muôn thuở khi một bệnh dịch xuất hiện. Nhưng vào lúc này, người ta đã thấy tia sáng le lói với nhiều hơn những mẩu tin tích cực ngay từ chính tâm dịch Vũ Hán và các khu vực khác. Số ca nhiễm mới giảm, số người được điều trị khỏi ngày một tăng.

17 năm trước, TQ cũng đã trải qua thảm họa dịch tễ do SARS gây ra. Làng giải trí khi đó cũng rơi vào cảnh kiệt quệ, nhưng cũng sớm được hồi sinh từ đống tro tàn.

Giai thoại được truyền miệng hơn một thập kỷ qua rằng 8 nhà sản xuất lớn của CCTV vì sợ bị lây bệnh trong lúc họp đã quyết định leo lên một đỉnh núi ở công viên quốc gia Tượng Sơn, ngồi cách nhau 1,5 m để bàn kế hoạch giữa cái rét buốt da thịt.

Nhưng sau khi dịch bệnh được khống chế, khoảng cách giữa người được thu hẹp và công việc dần trở về theo đúng quỹ đạo vốn có.

Ở Bắc Kinh, ngày 11/6, một vài rạp chiếu mở cửa đón khách trở lại sau 50 ngày chịu cảnh cửa đóng then cài. Chỉ có 50% số ghế được phép bán vé, khán giả cũng phải trải qua hành trình dài thủ tục kiểm dịch mới được vào rạp. Vui mừng thay, giữa nỗi ám ảnh về bệnh dịch, vẫn có không ít người đã đến ủng hộ các rạp chiếu.

Ở một địa điểm khác là Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, các viên chức lần đầu mở hội đồng xét duyệt phim sau hơn 5 tháng phải ngồi một mình ở nhà xem tác phẩm, tự phân tích và đánh giá toàn bộ dự án.

9 ngày sau, TQ Đại lục tuyên bố trận chiến khốc liệt với dịch SARS kết thúc thắng lợi.

Hậu SARS, để giúp hai nền giải trí đã gần như kiệt quệ vì bệnh dịch, Chính phủ Đại lục và Hong Kong ký thỏa thuận hợp tác sâu rộng quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa. Điều này tạo điều kiện cho các dự án phim ảnh, sự kiện giải trí được dễ dàng lưu hành và tổ chức giữa 2 nơi.

Nhiều gói ưu đãi, chính sách hỗ trợ cũng được các cơ quan cao cấp ban hành nhằm giúp ngành giải trí phục hồi sau dịch. "Chậm mà chắc, còn hơn là bát mì ăn liền nấu vội" là phương châm xây dựng được nhiều nhà đầu tư trong giới rỉ tai nhau.

Và điều tuyệt vời đã đến, showbiz Hoa ngữ có một năm 2004 phát triển bùng nổ. Tổng sản lượng phim trong nước tăng 51% so với năm 2003 với 140 dự án điện ảnh - truyền hình. Tổng doanh thu phòng vé của 3 bom tấn Tuyệt đỉnh Kung Fu, Thiên hạ vô tặc, Thập diện mai phục đều vượt mốc một triệu USD.

Trên đây chỉ là một vài con số ít ỏi thể hiện phần nào sức hồi sinh của làng giải trí Trung Quốc. Điều đáng nói là những nỗ lực tìm lại "vương miện" của showbiz đã được đền đáp.

"SARS hay Covid-19 chỉ là một mảnh ghép lịch sử trong số hàng triệu mảnh ghép sự kiện nhân loại đã trải qua. 17 năm trước, showbiz Hoa ngữ đã trỗi dậy từ đống tro tàn, 17 năm sau cũng sẽ như vậy. Hãy vững tin hậu Covid-19 làng giải trí sẽ hồi sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết", Sina bình luận.

Có thể nói, tại thời điểm này, những người làm nghệ thuật đang từng ngày mong ngóng bệnh dịch được dập tắt. Họ luôn động viên nhau: "Hãy chuẩn bị sẵn sàng. Đại dịch sắp qua rồi. Mùa hè rực rỡ, đầy nắng đang đợi chúng ta".

Theo zing.vn