Thượng viện Mỹ bác nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm yêu cầu chính quyền Trump cung cấp tài liệu cho phiên xử xem xét bãi nhiệm Tổng thống.

Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát chiều 21/1 mở phiên tòa xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump với hai cáo buộc lạm quyền và cản trở quốc hội theo đệ trình của Hạ viện.

Ngay sau khi Chánh án Tòa án tối cao Mỹ John Robert công bố các thủ tục tố tụng để bắt đầu phiên tòa xem xét bãi nhiệm, đại diện đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ bắt đầu tranh cãi quyết liệt về các quy tắc cho phiên xử.

Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone, người dẫn đầu đội ngũ bảo vệ Trump, công kích cơ sở của hai cáo buộc chống lại Tổng thống và nói rằng đảng Dân chủ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Hiến pháp Mỹ về xem xét bãi nhiệm.
"Kết luận duy nhất sẽ là Tổng thống hoàn toàn không làm gì sai", Cipollone nói khi ông lập luận ủng hộ đề xuất của lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell để quyết định xem có nên đưa thêm nhân chứng hoặc thu thập thêm tài liệu trong phiên tòa hay không. "Hoàn toàn không có vụ án nào".
Đại diện đảng Dân chủ Adam Schiff, người dẫn đầu cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump tại Hạ viện, tóm tắt các cáo buộc chống lại Trump và nói rằng Tổng thống đã có hành vi sai trái đến mức phải xem xét bãi nhiệm theo quy định của Hiến pháp.
Schiff nói rằng dù các bằng chứng chống lại Trump đã quá nhiều, phiên tòa vẫn nên triệu tập thêm nhân chứng để cho thấy mức độ hành vi sai trái của Tổng thống và những người xung quanh ông. Đảng Dân chủ muốn một số cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của chính quyền Trump, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ra làm chứng.
"Chúng tôi không nhận thấy các luật sư của Tổng thống có lập luận nào xác đáng về việc tại sao không nên có thêm tài liệu và nhân chứng mà chúng tôi yêu cầu trong phiên tòa này", lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói.
Đảng Dân chủ yêu cầu Thượng viện ra trát yêu cầu Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Văn phòng Quản lý và Ngân sách liên bang cung cấp tài liệu liên quan đến các thỏa thuận của Trump với Ukraine. Tuy nhiên, tất cả ba nỗ lực này đều bị Thượng viện bác bỏ trong các cuộc bỏ phiếu sau đó, với 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống.
Chánh án Tòa án tối cao Mỹ John Robert điều khiển phiên tòa xem xét bãi nhiệm Trump tại Thượng viện hôm 21/1. Ảnh: Reuters.
Theo kế hoạch ban đầu, công tố viên đảng Dân chủ và các luật sư của Trump sẽ có mỗi bên ba ngày để đưa ra lập luận. Tuy nhiên, McConnell hôm 20/1 cho biết mỗi bên chỉ còn 48 giờ để trình bày lập luận, động thái được cho là mở đường cho một phiên tòa nhanh chóng và không có thêm lời khai, bằng chứng mới.
Đảng Dân chủ cáo buộc McConnell tìm cách dàn xếp phiên tòa để ngăn các nhà điều tra thu thập bằng chứng và triệu tập nhân chứng. McConnell đã nhiều lần nói rằng các quy tắc lần này sẽ giống những quy tắc được sử dụng trong phiên tòa xem xét bãi nhiệm cựu tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton năm 1999.
Đảng Dân chủ đã kêu gọi Thượng viện bãi nhiệm Trump vì gây áp lực để Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, một đối thủ chính trị của Trump, và sau đó cản trở cuộc điều tra về vấn đề này. Tổng thống Mỹ phủ nhận bất cứ hành vi sai phạm nào và mô tả việc xem xét bãi nhiệm ông như một trò lừa bịp nhằm phá hoại chiến dịch tái tranh cử của ông.
Huyền Lê (Theo Reuters)