Ai bảo Windows 7 đã chết nào?

Vào ngày 15/1 vừa qua, Microsoft đã chính thức khai tử hệ điều hành Windows 7 sau hơn 1 thập kỷ ra mắt. Cần phải nói rõ luôn, "khai tử" ở đây có nghĩa là họ sẽ không tung ra thêm bất cứ bản cập nhật nào dành cho phiên bản này nữa. Nếu bạn đang cài Windows 7, bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng như bình thường. Nhưng lỡ chẳng may có vấn đề gì xảy ra, như là virus hay lỗ hổng bảo mật chẳng hạn, Microsoft sẽ không thể giúp gì cho bạn nữa đâu.

Ngược dòng thời gian một chút, Windows 7 chính thức ra mắt người dùng vào ngày 22/7/2009. Ngay lập tức, phiên bản này nổi lên như một sự thay thế hoàn hảo cho "người anh" XP, với giao diện tinh tế hơn, thanh thoát hơn, tương thích và tối ưu hóa với nhiều phần mềm khác nhau. Chính vì thế, ngay cả khi Windows 8 và 10 ra mắt lần lượt 3 và 6 năm sau đó, Windows 7 vẫn là lựa chọn số 1 được nhiều người tin dùng. Thậm chí nhiều tổ chức, công ty hiện nay vẫn gắn bó với phiên bản này, bỏ ngoài tai thông báo "khai tử" từ phía Microsoft.

Hidden Content
Cho dù Microsoft đã chính thức ngừng update Windows 7, nhưng rất nhiều công ty vẫn còn tin dùng phiên bản hệ điều hành này.

Cụ thể hơn, theo khảo sát mới nhất của công ty Kollective với quy mô 100 công ty có trụ sở tại Mỹ hoặc Vương quốc Anh, có đến 53% số công ty này vẫn chưa hoàn tất/chưa bắt đầu quá trình cập nhật từ Windows 7 lên Windows 10. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở Vương quốc Anh, với 2/3 số công ty tại đây tham gia khảo sát trên vẫn sử dụng Windows 7 trên ít nhất là một vài thiết bị của họ. Con số này ở Mỹ thì thấp hơn một chút, khi chỉ có khoảng 40% công ty vẫn gắn bó với phiên bản hệ điều hành này. Một điểm đáng chú ý nữa là có khoảng 10 công ty không hề biết họ vẫn đang sử dụng Windows 7.

Không phải ngẫu nhiên mà các công ty này lại "đủng đỉnh" trong quá trình cập nhật như vậy. Những thương hiệu lớn thường có mối hợp tác lâu dài với Microsoft, kèm với đó là gói hỗ trợ kỹ thuật phần mềm mở rộng. Cụ thể, trong trường hợp Windows 7 xảy ra lỗi nghiêm trọng trong năm 2020, Microsoft sẽ tiếp tục cử nhân viên đến tận nơi để kiểm tra và khắc phục (vì họ không ra thêm bản update nào nữa). Chi phí rơi vào khoảng 25 USD/thiết bị chạy Windows 7 Home, và 50 USD/thiết bị chạy Windows 7 Pro. Sang đến năm 2021, chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi. Trước đây, Microsoft cũng đã từng áp dụng gói hỗ trợ tương tự cho hệ điều hành Windows XP.

Hidden Content
Microsoft vẫn thường có gói hỗ trợ kỹ thuật mở rộng dành cho những phiên bản hệ điều hành mà họ đã khai tử.

Có thể với nhiều người sử dụng máy tính phổ thông, họ đã quen với Windows 10 trong vài năm gần đây và thực sự chán ngán Windows 7 rồi. Thế nhưng, có không ít tổ chức lớn "ngần ngại" trong việc phải update phần mềm, vì họ cho rằng nó tương đối phức tạp và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống của họ. Ví dụ như trong năm 2015, Hải quân Hoa Kỳ đã trả Microsoft 9 triệu USD để hãng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Windows XP, Office 2003, Exchange 2003 và Server 2003. Kèm với đó là điều khoản kéo dài sự hỗ trợ kỹ thuật này cho đến năm 2017, chi phí lúc này đã lên đến gần 31 triệu USD. Vậy nên, có thể nói đây cũng là "mỏ vàng nho nhỏ" mà Microsoft đương nhiên không muốn bỏ qua.

Nghe thì có vẻ hấp dẫn thế thôi, chứ đến khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng nào đó là đội dev của Microsoft cũng phải xanh mặt, tức tốc tìm cách cập nhật những phiên bản hệ điều hành đã quá lỗi thời này. Ví dụ như trong năm 2017, họ đã phải tung ra bản vá khẩn cấp cho Windows XP, cũng như các phiên bản đã bị khai tử khác, chỉ vì cơn ác mộng malware WannaCry. Tại thời điểm đó, có rất nhiều bệnh viện và các cơ quan lớn vẫn đang tin dùng hệ điều hành XP này.

Theo Arstechnica