Chiếc gạc thứ ba ở bên trái đầu khiến con hươu trở nên đặc biệt vì trường hợp nhiều gạc vô cùng hiếm gặp.
Hidden Content
Con hươu có ba gạc hiếm gặp. Ảnh: Facebook.
Steven Lindberg chụp ảnh con hươu ba gạc khi dắt chó đi dạo gần nhà riêng ở Michigan. Trong bức ảnh do Steven chia sẻ trên Facebook hôm 10/11, con hươu có hai gạc ở bên trái và một gạc ở bên phải đầu. Đây là phát hiện rất hiếm gặp bởi tỷ lệ hươu ba gạc trong tự nhiên là 1/1.000.000, theo giáo sư sinh vật học John Bruggink ở Đại học Bắc Michigan.
Các nhà nghiên cứu từng tìm thấy một con hươu có thêm chiếc gạc mọc ra từ má năm 1965. Đây có thể là kết quả từ tổn thương ở tế bào cuống trong giai đoạn đầu phát triển, nguồn cung cấp máu tới chiếc gạc đang mọc bị hạn chế hoặc thậm chí do chiếc gạc trước đó chưa rụng hẳn.
Các thành viên trong họ Hươu nai mọc gạc, bộ phận khác với sừng ở họ Trâu bò. Trong khi sừng mọc suốt đời, gạc có thể dài thêm 2,5 cm mỗi ngày, trở thành mô động vật phát triển nhanh nhất trên Trái Đất và rụng hàng năm.
Gạc phục vụ nhiều hoạt động như làm rụng quả trên cây. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học cho rằng bộ phận này chủ yếu được dùng vũ khí trong những cuộc chiến giành bạn tình của con đực, khẳng định quyền thống trị và tự vệ trước động vật săn mồi.
Gạc hươu thường nặng khoảng 1,4 - 4 kg, do đó con hươu ba gạc phải chịu thêm sức nặng trên đầu. Nhưng giáo sư Bruggink cho rằng chiếc gạc thứ ba nhiều khả năng không gây hại gì cho con vật.
An Khang (Theo IB Times)