Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ thúc giục NATO đóng góp nhiều hơn cho chi phí quốc phòng tại Arab Saudi và Vùng Vịnh.

"Một trong những mục tiêu mà tôi sẽ đưa ra tại Brussels vào cuối tuần này là vận động đóng góp thông qua các cuộc thảo luận", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper nói hôm 22/10, nhắc tới việc đề nghị đồng minh NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng tại Arab Saudi và Vùng Vịnh để chống lại mối đe dọa từ Iran.
Kế hoạch này là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của Mỹ, nhằm yêu cầu các đồng minh NATO chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh ở Vùng Vịnh, trong đó bao gồm việc đề nghị các nước gửi tàu, máy bay và hệ thống phòng không tới khu vực này.
Mỹ đã đồng ý triển khai ba hệ thống phòng không Patriot, hàng chục chiến đấu cơ, nhiều máy bay khác và khoảng 3.000 binh sĩ tới Arab Saudi nhằm đề phòng mối đe đọa từ Iran. Esper cho biết Arab Saudi sẽ giúp hỗ trợ một phần chi phí cho các hoạt động quân sự bổ sung này của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 11/10. Ảnh: Reuters.
Washington trước đó cũng điều thêm khoảng 14.000 binh lính tới khu vực này kể từ tháng 5, bất chấp Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia vào "các cuộc chiến không hồi kết".
Chuyến thăm của Esper đến căn cứ không quân Arab Saudi hôm 22/10 đánh dấu lần đầu ông được chứng kiến quân đội Mỹ và các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai ở khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết việc Arab Saudi trả một phần chi phí cho hoạt động này hoàn toàn không có gì bất thường, nhưng ông không rõ số tiền nước này định đóng góp là bao nhiêu.
Khi được hỏi liệu việc triển khai quân đội khi được trả chi phí có khiến Mỹ trở thành "lực lượng đánh thuê" hay không, Esper phủ nhận, khẳng định Washington làm điều này không vì tiền mà để ngăn chặn Tehran.
Ngoài việc triển khai quân đội tới Arab Saudi, Mỹ hồi tháng 7 cũng đưa ra sáng kiến thành lập Liên minh An ninh Hàng hải, kêu gọi các đồng minh đưa tàu chiến tới Trung Đông để cùng tuần tra tại eo biển Hormuz nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran.
Mỹ hy vọng sẽ tập hợp được lực lượng hải quân hùng hậu đến từ nhiều quốc gia đồng minh ở châu Âu và châu Á tham gia sứ mệnh này. Tuy nhiên phần lớn các nước châu Âu đều không mặn mà với sáng kiến vì không muốn làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ngọc Ánh (Theo AP)