(NLĐO) - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria đang tái lập thế cân bằng quyền lực ở miền Đông Bắc nước này và khiến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang chạy đua để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

Trong khi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ từ biên giới phía Bắc đang thọc sâu vào, người Kurd đã mời gọi quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn từ phía Nam và phía Tây kéo đến. Các lực lượng của ông Assad đang tận dụng sự rút lui của Mỹ để giành lại lãnh thổ giàu tài nguyên mà họ đã bỏ rơi nhiều năm trước.

Các phần tử nổi dậy Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở thị trấn biên giới Tel Abyad, phía Bắc Syria, hôm 14-10. Ảnh: REUTERS


Khu vực này bao gồm hầu hết các vùng đất của Syria đã hình thành nên vương quốc của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức thánh chiến đã bị đánh bại nhưng thề sẽ quay trở lại.

Hơn 10.000 tù nhân IS - bao gồm nhiều chiến binh thánh chiến nước ngoài dày dạn trận mạc mà các chính phủ phương Tây từ chối cho họ hồi hương, đang bị giam giữ trong các nhà tù ở miền Đông Bắc Syria, và hàng chục ngàn thành viên gia đình của họ đang ở trong các trại tị nạn.
Vậy thì sự kiện Mỹ rút quân khỉ Syria có ý nghĩa như thế nào đối với những người đang đổ xô vào và những người bị bỏ lại phía sau.
Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông muốn chuyển 2 triệu người tị nạn Syria, đa phần là người Ả Rập theo dòng Sunni, vào khu vực Ankara đang thực hiện chiến dịch quân sự, lãnh thổ hiện do lực lượng người Kurd kiểm soát.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập kết ở biên giới với Syria hôm 15-10. Ảnh: REUTERS


Mặc dù bị chỉ trích trên toàn cầu, ông Erdogan tuyên bố sẽ không có gì ngăn cản các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các chiến binh người Kurd, vốn bị coi là những kẻ khủng bố bởi vì mối liên kết của họ với quân du kích đang tiến hành cuộc nổi dậy ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Erdogan đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm giữ một dải biên giới trải dài hàng trăm km từ Kobani ở phía Tây đến Hasaka ở phía Đông, 30 - 35 km sâu bên trong Syria.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng chiến dịch này đang diễn ra "nhanh chóng và thành công". Giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn tất trước ngày 13-11, khi ông Erdogan chuẩn bị gặp ông Trump trong chuyến thăm Washington. Tuy nhiên, ông này không xác định lúc đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến bao xa.
Mục tiêu của ông Assad
Sự kiện Mỹ rút hoàn toàn lực lượng và quân đội Syria triển khai ở miền Đông Bắc là một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột ở Syria, khôi phục lại chỗ đứng cho chính phủ của ông Assad trên vùng đất rộng lớn trước đây nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Quân chính phủ Syria ở thị trấn Ain Issa - Syria hôm 14-10. Ảnh: REUTERS


Đáng nói là, khu vực này bao gồm dầu mỏ, đất nông nghiệp, tài nguyên nước và đập thủy điện tại Tabqa - tài sản quan trọng sẽ giúp chính phủ có vị thế tốt hơn để đối phó với tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, quân đội của ông Assad đã bị suy yếu do cuộc xung đột kéo dài và hiện phụ thuộc rất nhiều vào Nga, Iran, các đồng minh dân quân Shiite của Iran, kể cả phong trào Hezbollah ở Lebanon.
Giấc mơ tự trị của người Kurd
Các nhóm người Kurd ở Syria đã lợi dụng việc rút các lực lượng chính phủ ra khỏi miền Đông Bắc khi bắt đầu cuộc xung đột Syria để thiết lập các tổ chức tự trị và dạy ngôn ngữ của người Kurd tại các trường học địa phương.
Đối đầu với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút, họ đã mời quân đội Syria trở lại - một quyết định nêu bật điểm yếu của họ và báo hiệu chấm dứt nhiều ước mơ của họ.
Lúc này đây, họ hy vọng sẽ giữ được nhiều quyền tự chủ nhất có thể trong các cuộc đàm phán chính trị với nhà nước Syria - mục tiêu được tuyên bố từ lâu của họ. Thế nhưng họ lại chẳng còn có một đồng minh mạnh mẽ để hậu thuẫn họ.
Tuy nhiên, Damascus và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng chung mục tiêu đẩy lùi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi miền Bắc Syria, hoặc ít nhất là chặn đứng bước tiến của họ.
"Damascus cần người Kurd. Người Kurd và Damascus có hai điểm chung: thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và không muốn thấy phiến quân Sunni cai trị miền Đông Bắc Syria. Thế nhưng, họ không nhất trí về bất cứ điều gì khi nói về việc cai quản vùng Đông Bắc Syria " - ông Joshua Landis, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ) nhận định.
IS hồi sinh
SDF do người Kurd lãnh đạo từng là lực lượng chính trên mặt đất trong cuộc tấn công do Mỹ hậu thuẫn, đã chiếm lại vùng đất IS thiết lập vương quốc ở Syria, bao gồm cả thủ phủ Raqqa của tổ chức này.
Trước khi rút quân, Washington đã chuẩn bị huấn luyện và trang bị cho lực lượng SDF để ổn định khu vực, ngăn chặn sự trở lại của phiến quân, những kẻ đã thực hiện các vụ thảm sát lớn người Kurd ở các thị trấn mà họ kiểm soát.
SDF nói rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp IS hồi sinh, chỉ một năm sau khi vương quốc của chúng bị phá tan. Thực vậy, IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, trong đó có vụ đánh bom xe chết người bên ngoài một nhà hàng ở Qamishli, thành phố lớn nhất của người Kurd, chỉ một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria.
Chiến thắng tiềm tàng của Iran
Đồng minh Iran của ông Assad cũng sẽ thu lợi. Các nhóm bán quân sự Iraq được Iran hậu thuẫn ở biên giới Iraq - Syria có thể sẽ giúp ông Assad bảo đảm được quyền kiểm soát, củng cố các tuyến tiếp tế của họ dọc theo hành lang lãnh thổ từ Tehran đến Beirut.
Mong muốn của Nga
Vai trò không thể thiếu của Nga ở Syria phản ánh sự thay đổi lớn hơn ở Trung Đông từ Damascus đến Riyadh, như đã được thể hiện trong chuyến công du vùng Vịnh trong tuần này của Tổng thống Vladimir Putin, bao gồm chuyến thăm Ả Rập Saudi đầu tiên của ông trong vòng hơn một thập kỷ.

Cờ Nga và cờ Syria tung bay trên nóc xe quân sự ở thị trấn Manbij - Syria hôm 15-10. Ảnh: REUTERS


Chính sự can thiệp của Nga bằng không quân năm 2015 đã giúp xoay chuyển cuộc nội chiến ở Syria theo hướng có lợi cho ông Assad. Ngoài ra, quyết định của ông Trump rút khỏi vùng Đông Bắc đã củng cố vai trò trung tâm của Moscow trong việc định hình tương lai của đất nước Syria.

"Có những cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga... để thiết lập nhịp độ cho miền Bắc Syria, đặc biệt là phía Đông dòng sông Euphrates. Đó là những tác nhân đưa ra tất cả các kế hoạch này" - một nguồn tin thân Damascus tiết lộ.
Quan chức này cho biết Ankara đang "hợp tác rất chặt chẽ với Nga" và ông Erdogan đã chỉ ra tầm quan trọng của Nga 14-10 khi nói rằng Tổng thống Putin đã thể hiện "cách tiếp cận tích cực" đối với tình hình.
Theo các nhà phân tích, 2 nước này có thể ký thỏa thuận phân chia biên giới phía Bắc thành các khu vực kiểm soát mới và ngăn chặn các đồng minh tại địa phương của họ - chính phủ Syria và phe nổi dậy - giao chiến với nhau.

Hoài Vy (Theo Reuters)