(NLĐO) - Google bị yêu cầu trả gần 1 tỉ euro (hơn 25.000 tỉ đồng) cho chính phủ Pháp vì tội trốn thuế. Quyết định được đưa ra khi các quan chức châu Âu đang tìm cách để hạn chế tình trạng trốn thuế trên các sản phẩm số.


Hôm 12-9, tòa án Paris thông qua mức phạt với Google gồm 500 triệu euro (gần 13.000 tỉ đồng) vì tội trốn thuế và thêm 465 triệu euro (gần 12.000 tỉ đồng) để thanh toán cho cơ quan thuế của Pháp. Nhân viên điều tra thuế kết luận Google đã không thực hiện việc nộp thuế bắt buộc bằng cách không khai báo động trên lãnh thổ Pháp với chính quyền.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nicole Belloubet và Bộ trưởng Ngân sách Gerald Darmanin ca ngợi việc giải quyết dứt điểm tất cả các vấn đề tranh cãi, cho biết kết quả này là một tin tốt cho tài chính công và công bằng ở Pháp.
Phía Google cho biết: "Chúng tôi vẫn tin rằng việc cải cách phối hợp hệ thống thuế quốc tế là cách thức tốt nhất để mang đến một khuôn khổ rõ ràng cho các công ty đang vận hành trên toàn thế giới".

Google bị chính phủ Pháp phạt gần 1 tỉ euro vì tội trốn thuế. Ảnh: Reuters


Do lỗ hổng thuế xung quanh thu nhập từ sản phẩm kỹ thuật số nên Google có thể công bố đa số thu nhập của mình đều ở Ireland, nơi có mức thuế doanh nghiệp là 12.5%. Đây là cách thức phổ biến ở rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, họ công bố lợi nhuận từ các hoạt động trên khắp châu Âu về một quốc gia. Chính phủ các nước đang bắt đầu hạn chế hành động này.

Trong đó, Pháp đang đi đầu trong việc kiểm tra thuế trên hoạt động kỹ thuật số. Hồi tháng 7, nước này tiên phong đánh thuế các gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Amazon cũng như Google với mức thuế 3%. Chính phủ Anh cho biết sẽ xém xét thực hiện theo.
Tại hội nghị G7 ở Pháp hồi tháng 8, các nhà lãnh đạo cho biết hướng đến phác thảo một hiệp định toàn cầu về thuế của các doanh nghiệp kỹ thuật số trước tháng 1-2020. Đồng thời, tạo ra một tòa trọng tài giải quyết tranh chấp thuế.

Ngày 13-9, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Liên minh châu Âu cần phải đưa ra một bộ luật chung để quản lý đồng tiền ảo mà hiện này hầu như chỉ được quy định ở cấp độ quốc gia.
28 quốc gia Liên minh châu Âu chưa có quy định cụ thể về đồng tiền ảo. Đến nay, các nhà ban hành luật vẫn cân nhắc đó là vấn đề bên lề vì chỉ có một phần nhỏ tiền ảo bitcoin hoặc đồng tiền kỹ thuật số được chuyển đổi từ đồng euro.
Tuy nhiên, kế hoạch triển khai đồng tiến ảo Libra của mạng xã hội Facebook được tiết lộ vào tháng 6 phải khiến EU suy nghĩ lại.
Theo ông Bruno Le Maire nói với phóng viên tại hội nghị của các bộ trưởng tài chính EU tại TP Helsinki, đồng tiền ảo Libra có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, sự ổn định tài chính và thậm chí là chủ quyền của các nước EU.

Pháp thúc giục EU ban hành luật về đồng tiền ảo, cảnh báo mối nguy hiểm của đồng Libra. Ảnh: Reuters





Minh Yến (Theo DW, Reuters)