.

Người sống nhờ đông trùng hạ thảo
Lê Phan





Đối với ông Mã, một người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi theo Hồi giáo sống ở vùng miền tây hẻo lánh của Hoa Lục, việc ngày ngày leo lên những sườn núi dốc ngược để đi tìm đông trùng hạ thảo là cách kiếm tiền sinh tử cho gia đình ông.

Cứ mỗi mùa xuân, ông Mã đi trên 600kmg tức là 370miles bằng đường bộ từ ngôi làng nghèo đói của mình ở tỉnh Cam Túc đến những đỉnh núi vô danh của tỉnh Thanh Hải láng giềng. Ở đó ông tham gia cùng một đội quân khoảng 80 người được một công ty địa phương thuê để tìm và lượm đông trùng hạ thảo mà tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis, một loài nấm vốn được nhiều người coi như là thần dược chữa đủ thứ từ giúp cường dương đến trị ung thư.

Trong những năm gần đây, các công ty đông trùng hạ thảo ở Thanh Hải đã trả ra nhiều triệu đồng nguyên cho quyền được bao quanh và cấm vào nguyên một ngọn núi mỗi mùa. Nhưng số đông trùng hạ thảo tìm được ở Thanh Đảo đã ít dần, mặc dầu đây là vùng sản xuất lớn nhất ở Trung Cộng. Trong hai năm vừa qua, lợi tức của ông Mã đã giảm hơn một nửa xuống còn từ 7,000 đến 8,000 nguyên (tức 1,018 đến 1,164 đô la) mỗi mùa khi loài nấm này càng ngày càng khó kiếm.

Một lý do chính là biến đổi khí hậu: nhiệt độ gia tăng, ít tuyết hơn và những băng hà đã rút lên phía bắc, để lại các ngọn núi ấm hơn, khiến chúng không thích hợp cho loài nấm này nữa. Chúng thích nhất sống trong đất lạnh nhưng không đông đá, khoảng cỡ 5 độ C tức 41 độ F. Ông Mã, năm nay 49 tuổi, than thở “Những băng hà biến mất rồi, và do đó côn trùng hạ thảo cũng biến theo.” Ông Mã đã đi hái đông trùng hạ thảo ở Thanh Hải trong suốt 14 năm qua.

Truyền thông Trung Cộng loan báo hồi năm ngoái là số các băng hà ở vùng cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng đã giảm 15% trong nửa thế kỷ qua khi nhiệt độ địa phương vượt trung bình toàn cầu đến ba lần. Một số các nhà khí tượng học đổ cho là vì tuyết ở đỉnh cao, vốn cần thiết để phản chiếu sức nắng của mặt trời ra trở lại không gian đã bị giảm dần. Các tảng đá đen bên dưới băng hà tuyết, nay lộ ra ánh sáng, hút nhiệt thay vì đẩy nhiệt.




Đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên

Đồng thời nhu cầu cho loài nấm mà đông y gọi là đông trùng hạ thảo tăng vọt lên trong những năm gần đây vì một giai cấp trung lưu mới xuất hiện ở Trung Cộng bắt đầu tìm loài nấm này để trị bách bệnh từ đau thận đến bất lực, bất chấp sự việc là không có bằng cớ khoa học. Một trào lưu cho loại thức ăn ‘superfood’ những thức ăn thần diệu, có gốc từ cây cỏ cũng lại càng thúc đẩy thêm sự chú ý.

Đông trùng hạ thảo sở dĩ có tên như vậy là vì thực ra nó là một nòi nấm tìm vào sống trong loài kiến hay côn trùng, lợi dụng con vật để nuôi sống con mình suốt mùa đông, đến mùa xuân nó trồi lên từ con vật như là một mầm cỏ. Cái tên đó có nghĩa là “mùa đông là côn trùng, mùa hạ trở thành cỏ.”

Thực sự đông trùng hạ thảo có khắp thế giới. Ở các rừng ở Anh, chúng chọn những con kiến bự chui vào ngủ đông. Ở Hoa lục, những con châu chấu đã đưa nấm đến khi chúng di dân, vào đầu mùa hè, sau đó nấm ngủ trong những con châu chấu này suốt mùa đông giá buốt. Khi mùa xuân đến, thời tiết ấm thức tỉnh những con nấm, chúng ăn những con dế này giết chúng. Rồi chúng tiến triển thành một cái mầm nhỏ màu nâu từ xác trùng, mọc chìa lên khỏi mặt đất và rồi nhả phấn ra cho các con trùng ăn vào bắt đầu tiến trình ký sinh tiếp tục.

Ở Trung Cộng, tìm thấy ở trên vùng đồng cỏ ở độ cao trên rặng Hy Mã Lạp Sơn, Tây Tạng và Thanh Hải, nấm côn trùng này, đã trở thành lợi tức chính cho một số cộng đồng địa phương, mang lại công ăn việc làm theo mùa cho những người nghèo và con đường đến giàu có cho những nhà gặt hái kỹ nghệ.

Vào năm 2010 khi thị trường lên đến tột đỉnh, giá thị trường của nòi nấm này là 100,000 đô la một kg, dẫn đến một cơn sốt và khuyến khích những người mục tử hay nông dân như ông Mã đổ lên núi. Một số chuyên gia bảo sự kích thích của thị trường này đã dẫn đến gặt hái quá mức cộng với điều kiện khí hậu không còn thích hợp nữa, mặc dầu các viên chức cả quyết là họ sản xuất bền vững. Một khoa học gia người Hoa giải thích với Reuters là nạn ấm nóng toàn cầu đã dẫn đến mức bốc hơi cao hơn, làm cho đất thiếu ẩm độ và làm cỏ khó mọc hơn. Ông Shen Yong Ping đã theo dõi chiều hướng khí hậu ở vùng bình nguyên Thanh Hải-Tây Tạng từ thập niên 1980 đến nay. Giáo sư Shen nói là bề mặt băng đá vĩnh viễn ngày càng giảm cũng làm giảm mực nước, tạo cho môi trường thêm khó khăn cho châu chấu và nấm. Và cộng vào đó có thêm khí hậu cực đoan có thể tạo nên những cơn lạnh bất ngờ, làm đông trùng hạ thảo bị tổn thương.

Nhà nước không cung cấp con số chính thức về sản lượng mỗi năm. Ở cấp tỉnh, các sở nông nghiệp từ chối cho biết thống kê từ năm 2010 đến 2013 và 2015, nói những thống kê đó ‘tế nhị’. Sản lượng giảm 41,200kg trong năm 2018 so với 43,500 kg năm trước, một sụt giảm 5.2%. Và nó chỉ là một phần nhỏ so với con số 150,000kg được truyền thông tỉnh loan báo cho năm 2010 và 2011.

Một doanh nhân người Quảng Đông nói là có năm sản xuất tốt có năm xấu và ông than năm nay nhu cầu không nhiều. Cũng như những phố chợ ở miền nam Thanh Hải, vùng này cũng đang xây dựng nền kinh tế trên đông trùng hạ thảo. Mỗi một miếng nấm được bán cho con buôn 20 nguyên ở thủ phủ tỉnh Thanh Hải. Khi về đến Quảng Đông, giá đã nhân lên bội phần. Mặc dầu kinh tế đi chậm lại và giá rẻ hơn, một số nấm tốt ở Thẩm Quyến vẫn bán được với giá 72 đô la một gram, tức là 2.016 đô la một ounce, cao hơn giá vàng, vốn chỉ có 1,340 đô la một once.

Đối với những ông vua đông trùng hạ thảo như ông Ma Jing Guang, nó mang lại giàu sang. Ông đã đưa hình ông rời Thanh Hải trên phản lực cơ của chính mình, thích hút cigar Cuba sau khi quay phim quảng cáo cho công ty. Ngay cả đến những tài xế trong nhà ông cũng có xe Audi thể thao. Nhưng cho những người khổ công đi hái nấm, như ông Bula năm nay 51 tuổi, mỗi con nấm là tối quan trọng. Ông kiếm được 20,000 nguyên tức 2,888 đô la mùa năm nay, vượt xa lợi tức chỉ có10,000 nguyên từ cái trại nhỏ của nhà mình. Ông tự hào nói “Tôi có một thằng con trai đang học năm thứ hai ở Viện đại học Nam Kinh. Đó chính là nhờ tiền kiếm được đi hái đông trùng hạ thảo.”

Nhưng với biến đổi khí hậu và sự tham lam của những người gặt hái và buôn bán, đông trùng hạ thảo cũng có thể tuyệt chủng. Một chuyên gia canh nông thế giới chỉ ra đây không phải tài nguyên thiên nhiên đầu tiên bị tuyệt chủng vì lòng tham của con người. Ông chỉ ra là nếu người ta hái một nửa thôi, để cho nấm sống, sinh sôi nảy nở thì tương lai có thể bảo đảm, nhưng “Người Hoa có cái tật có gì thì săn bắt cho đến hết thì thôi. Người ta còn tự hào được ăn con vật cuối cùng như là một chiến lợi phẩm.”

Cũng phải nói người Việt chúng ta cũng hay có khuynh hướng như vậy.

-https://widerimage.reuters.com/story/as-chinese-mountains-get-hotter-cure-all-fungus-dwindles

Lê Phan
Aug 2019