Thường xuyên phải suy nghĩ hay chịu áp lực trong công việc là nguyên nhân chính gây ra trầm cảm, trong đó "Trầm cảm cười" là hội chứng trầm cảm có những biểu hiện khá dễ dàng để nhận biết và thường gặp phải ở nhiều người trẻ.

Theo báo cáo từ Blue Cross Blue Shield, từ năm 2013-2016, số lượng người mắc chứng trầm cảm gia tăng mạnh ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Nhóm tuổi từ 12-17 được chẩn đoán trầm cảm tăng 63% và nhóm tuổi từ 18-35 tăng đến 47%. Trong đó "Trầm cảm cười" chính là hội chứng trầm cảm có những biểu hiện khá dễ dàng để nhận biết và thường gặp phải ở nhiều người trẻ mà rất nhiều người không hề biết.

Vậy "Trầm cảm cười" thực sự là chứng bệnh như thế nào?

(Ảnh minh họa)

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Heidi McKenzie, hội chứng "Trầm cảm cười" là một tên gọi khác của chứng trầm cảm chức năng cao hay rối loạn trầm cảm kéo dài (PDD). Hội chứng này thể hiện ở mức độ buồn chán kéo dài, làm người bệnh thay đổi thói quen ngủ, thèm ăn, thường xuyên mệt mỏi, hoảng loạn và mất hứng thú làm việc.

Tuy nhiên những người mắc chứng trầm cảm này lại thường che giấu các triệu chứng mà họ đang gặp phải. Cũng giống như tên gọi của hội chứng này, người mắc bệnh vẫn sẽ thể hiện những cảm xúc, cười nói bình thường cho dù tâm trạng bên trong đang rất tồi tệ.


(Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây ra hội chứng "Trầm cảm cười" là do người mắc bệnh phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống cũng như công việc, tình cảm, học hành... Thường xuyên phải đối đầu với các cảm xúc tiêu cực cũng gây ra chứng "Trầm cảm cười" này. Tuy nghe có vẻ dễ chịu nhưng nếu mắc phải kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.


(Ảnh minh họa)

Những biểu hiện thường thấy khi mắc hội chứng "Trầm cảm cười"

- Thường xuyên cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày mà không rõ lý do hay luôn phải cố gắng để thức dậy vào buổi sáng và miễn cưỡng thực hiện các hoạt động.

- Luôn cảm thấy tâm trạng mình trống rỗng, mất tập trung khi tham gia vào các cuộc nói chuyện, vui chơi hoặc luôn cảm thấy thiếu năng lượng.

- Thường xuyên có cảm xúc tiêu cực, hối lỗi, xấu hổ, hụt hẫng và không có động lực trong mọi việc hay không hứng thú với các sở thích như trước đây.

- Không quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, thậm chí không muốn làm bất cứ điều gì..

Theo các chuyên gia về sức khoẻ, trầm cảm là một chứng bệnh phức tạp đòi hỏi việc điều trị lâu dài.Trong cuộc sống, chúng ta phải đối diện với rất nhiều tình huống gây áp lực như thi cử, học hành, công việc, tình yêu hoặc sinh con... và rất dễ gây ra căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên nhiều người trong chúng ta đang quá coi thường bệnh này mà không biết đến những mối nguy hại tiềm tàng mànó có thể gây ra. Nếu bạn đang nghi ngờ mình mắc phải những dấu hiệu trên đây thì hãy đi gặp bác sĩ ngay nhé.

Cuộc sống là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có được. Thời gian mỗi người sống trên đời này luôn có giới hạn và mỗi chúng ta chỉ được sống một lần. Ai cũng muốn sống một cuộc đời ý nghĩa, làm được những điều tuyệt vời. Vậy nên mỗi khi cảm thấy bị bế tắc, mệt mỏi, giải pháp tốt nhất cho bạn chính là hãy tìm một người để bạn có thể tâm sự, chia sẻ. Cuộc sống của bạn thực sự rất đáng giá và những khoảnh khắc đau đớn, buồn bã rồi cũng sẽ trôi qua.

Theo bestie.vn