(NLĐO) – Một phụ nữ Indonesia 41 tuổi bị ngồi tù 6 tháng sau khi phát tán đoạn ghi âm chứa nội dung sếp quấy rối tình dục mình trên điện thoại.

Vụ việc xảy ra khi ông Muslim, hiệu trưởng trường học tại TP Lombok, đã tán tỉnh bà Baiq Nuril Maknun hồi năm 2013. Người phụ nữ 41 tuổi cảm thấy ngày càng tuyệt vọng khi ông ta không ngừng lôi kéo bà vào những cuộc trò chuyện gợi dục qua điện thoại và trong cuộc gặp mặt trực tiếp.
Bà đã ghi âm được một cuộc hội thoại trong số đó.
Hidden Content
Bà Baiq Nuril Maknu bị bắt giam sau khi khai báo mình bị quấy rồi tình dục. Ảnh: Reuters


Đoạn ghi âm nhanh chóng được phát tán dẫn đến việc ông Muslim sa thải và tố bà tội phỉ báng vào năm 2015.

Bà Nuril bị tòa án tối cao kết án 6 tháng tù giam và nộp phạt 500 triệu rupiah (hơn 830 triệu đồng) vì ghi âm các cuộc điện thoại gợi dục.
Trong thư thỉnh cầu ân xá gửi đến Tổng thống Joko Widodo, bà Nuril đã mô tả nỗi thất vọng của mình: "Tôi được gọi đến văn phòng ông ấy nhưng dĩ nhiên tôi không thể kể chi tiết cho ông những gì sếp nói hay thể hiện với tôi. Một ngày nọ, tôi không thể chịu được nữa nên đã ghi âm lại".
"Tôi không định phát tán đoạn ghi âm. Tôi chỉ là một người bình thường, tôi đang cố gắng duy trì công việc để phụ chồng chi trả các khoản chi phí cho con cái" – bà Nuril cho biết.
Hidden Content
Bà Nuril đã gửi thư thỉnh cầu đến Tổng thống Joko Widodo. Ảnh: Reuters


Bà Nuril đang chờ Quốc hội Indonesia thông qua quyết định ân xá của tổng thống Widodo.

Nếu được quốc hội phê chuẩn, người mẹ 3 con này sẽ trở thành người đầu tiên chống lại Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử (ITE) gây tranh cãi năm 2008.
Đạo luật mơ hồ cho phép cảnh sát toàn quyền quyết định loại nội dung lưu hành nào có thể bị xem là phỉ báng và khiếm nhã.
Luật ITE nhằm bảo vệ 171 triệu người dùng mạng trên khắp cả nước Indonesia nhưng các nhà hoạt động về quyền phụ nữ cho rằng đạo luật này có những điều khoản mơ hồ mà chính quyền sẽ dùng để kiện các nạn nhận của tình trạng bạo hành và quấy rồi tình dục như bà Nuril. Ở Indonesia, có khoảng 47,5% người dùng internet là phụ nữ.
"Các nhà thực thi pháp luật thiếu sự nhạy cảm và thấu hiểu khi gặp những vụ việc bạo hành và quấy rối tình dục" – bà Dhyta Caturani, nhà sáng lập hiệp hội các nhà hoạt động về quyền phụ nữ PurpleCode tại Jakarta, cho biết.
Liên quan đến vụ việc của bà Nuril đang gây thu hút dư luận, các nghị sĩ Indonesia cho biết họ sẽ cởi mở xem xét lại đạo luật nhưng chưa thông báo kế hoạch cụ thể.




Minh Yến (Theo SCMP)