7 nguyên nhân gây trầm cảm bạn nên cảnh giác



Trầm cảm là một căn bệnh âm thầm đáng sợ, ngày càng có nhiều người tự kết thúc cuộc sống của mình vì căn bệnh này khiến chúng ta nhận thức được mức độ nguy hiểm mà trầm cảm mang đến.




(Ảnh: Unsplash)


Có rất nhiều bài báo cũng như các nghiên cứu về căn bệnh trầm cảm, cách nhận biết các dấu hiệu trầm cảm hoặc cách đối mặt với căn bệnh này.

Vậy trầm cảm là gì? Có thể bạn đã nghe nói đến nguyên nhân gây trầm cảm là do mất cân bằng hóa học trong não. Nhưng khái niệm này quá đơn giản và không thể diễn tả hết những nguyên nhân gây rối loạn tâm trạng dẫn đến cảm giác buồn bã dai dẳng.

Các chất hóa học trong não có liên quan đến quá trình này, nhưng không chỉ đơn giản là một chất này quá thấp hoặc một chất khác quá cao. Hơn nữa có rất nhiều loại hóa chất liên quan đang hoạt động cả trong và ngoài các tế bào thần kinh của chúng ta. Có hàng triệu, thậm chí hàng tỷ phản ứng hóa học tạo nên một hệ thống năng lượng chi phối đến tâm trạng, nhận thức và cách bạn trải nghiệm cuộc sống.

Đây là một công thức phức tạp, tuy nhiên gây ra trầm cảm còn có nhiều nguyên nhân khác, có thể là vật lý và môi trường, sinh học và tâm lý.



Nguyên nhân gây trầm cảm



(Ảnh: Unsplash)

Từ các yếu tố vật lý cho đến cảm xúc, có nhiều yếu tố được cho là đóng một vai trò nhất định trong việc gây trầm cảm.

Di truyền –
Nếu trong gia đình bạn có người bị trầm cảm, điều đó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên khác. Con cái, anh chị em ruột và cha mẹ của những người bị trầm cảm nghiêm trọng có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn người bình thường nói chung. Giống như hầu hết các rối loạn tâm thần, di truyền của trầm cảm cũng không hề đơn giản. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng để cô lập các gen có thể góp phần làm tăng trầm cảm.

Chất hóa học trong não – Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt lớn trong bộ não của những người bị trầm cảm so với những người không mắc bệnh. Vùng hippocampus, một phần nhỏ của bộ não là chìa khóa cho ký ức, ở một số người bị trầm cảm vùng này dường như có kích thước nhỏ hơn so với những người chưa từng mắc chứng trầm cảm này. Kết nối tế bào thần kinh, tăng trưởng tế bào thần kinh, mạch thần kinh và dẫn truyền thần kinh trong não đều được cho là có vai trò nhất định trong việc gây ra trầm cảm, theo Mayo Clinic.



(Ảnh: Unsplash)

Tác dụng phụ của thuốc –
Các triệu chứng trầm cảm có thể là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, chẳng hạn như thuốc steroid và thuốc trị huyết áp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số người trưởng thành ở Hoa Kỳ đang sử dụng thuốc theo toa có thể gây trầm cảm hoặc tăng nguy cơ tự tử. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 200 loại thuốc – bao gồm thuốc tránh thai, thuốc tim, thuốc kháng acid và thuốc giảm đau – liệt kê trầm cảm hoặc tự sát có thể là tác dụng phụ khi dùng thuốc.



Những sự kiện căng thẳng – Cho dù là nguyên nhân tốt hay xấu, chẳng hạn bạn căng thẳng khi vừa kiếm được việc làm mới hoặc bạn căng thẳng do vừa mới mất đi người thân, thì sự căng thẳng đó cũng có thể kích thích trầm cảm. Chẳng hạn như chuyển nhà, bị bệnh nặng, kết thúc một mối quan hệ, bị lạm dụng, vấn đề tài chính… hầu hết mọi người đều phải đối diện với những vấn đề có thể gây căng thẳng trong cuộc sống và stress chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến trầm cảm.



(Ảnh: Unsplash)

Cô đơn và cô lập xã hội –
Những người chán nản phần lớn đều tránh tiếp xúc với bạn bè, gia đình và những người xung quanh. Khi bị cô lập và khi cảm thấy cô đơn cũng có thể dễ dàng kích thích cơn trầm cảm.

Lạm dụng chất gây nghiện – Những người lạm dụng rượu hoặc ma túy phần lớn đều có thể bị trầm cảm. Mối quan hệ giữa hai loại rối loạn này có hai chiều, nghĩa là những người lạm dụng chất gây nghiện sẽ dễ mắc trầm cảm hơn và ngược lại những người mắc chứng trầm cảm sẽ tìm đến các chất gây nghiện để nâng cao tâm trạng hoặc làm giảm cảm giác tuyệt vọng. Thực chất các chất gây nghiện chỉ có thể làm tăng thêm cảm giác buồn bã và mệt mõi.



(Ảnh: Pixabay)

Rối loạn tâm thần hoặc thể chất –
Đôi khi trầm cảm đi đôi với một căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, những cơn đau mãn tính hoặc bệnh tim. Tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc rối loạn ăn uống cũng có thể gây ra trầm cảm.



Theo Mother Nature Network
Minh Nguyệt
trithucvn