"Mìn limpet" được gắn vào thân tàu thủy bằng nam châm cùng một ngòi nổ hẹn giờ. Nó chứa lượng thuốc nổ nhỏ nhưng có thể gây thiệt hại lớn cho tàu khi nổ dưới đường nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman và đe dọa trả đũa về quân sự. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đã công bố video cho thấy một số thủy thủ nghi của Iran đang gỡ một vũ khí giống mìn limpet từ thân tàu.

Mặc dù người điều khiển tàu chở dầu nói rằng con tàu bị tấn công bởi vật thể bay và bày tỏ nghi ngờ về việc quả mìn được gắn vào thân tàu, nhưng Lầu Năm Góc vẫn khẳng định điều này. Vậy mìn limpet là gì?

Được đặt tên theo động vật biển
Theo New York Times, mìn limpet là loại mìn của Hải quân thường được các đặc nhiệm người nhái, người lặn đặt thủ công dưới thân tàu. Cái tên "limpet" chỉ loài ốc biển thường bám chặt vào đá hoặc bề mặt cứng. Vũ khí này cũng được gắn chặt vào mục tiêu của chúng bằng nam châm nên được đặt tên theo loài sinh vật biển nói trên.

Trong khi các loại thủy lôi kích thước lớn thường được neo vào đáy biển bằng sợi xích để đánh chìm bất cứ tàu nào đi qua, mìn limpet với sức công phá nhỏ được thiết kế để gây hư hại cho một số khu vực nhất định trên tàu, nhằm loại bỏ chúng khỏi nhiệm vụ.


Mìn limpet được gắn chặt vào mục tiêu của nó bằng nam châm, tương tự như ốc limpet bám chặt vào đá hay bề mặt cứng. (Ảnh: Gettty)
Mìn limpet được sử dụng từ thời Thế chiến thứ II. Đa số các lực lượng Hải quân trên thế giới đều có loại vũ khí này. Chúng thường được trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm để sử dụng trong các nhiệm vụ tấn công phá hoại. Nó hầu như rất ít được nâng cấp kể từ những năm 1970.

Nguy hiểm như thế nào?
Mìn limpet chứa lượng thuốc nổ nhỏ và thường sử dụng ngòi nổ hẹn giờ. Một số phiên bản hiện đại có trang bị thêm bộ phận chống tháo gở. Nó sẽ phát nổ ngay lập tức khi ai đó cố gắng tháo gở nó ra khỏi thân tàu.

Mìn limpet được thiết kế để lợi dụng sức ép của nước biển nhằm gây thiệt hại cho thân tàu, đặc biệt là những khu vực dưới đường nước. Áp lực của nước biển kết hợp với sức ép của trọng lượng lên vỏ tàu khiến ngay cả một quả mìn limpet nhỏ cũng có thể tạo ra một lỗ thủng lớn.


Tàu chở dầu của Na Uy bị thủng một lỗ ở đuôi tàu sau vụ tấn công nghi do mìn limpet tại khu vực gần cảng Fujairah của UAE hôm 12/5. (Ảnh: AFP)

Song nếu nó phát nổ trên đường nước, vụ nổ chỉ gây ra một lỗ thủng nhỏ và ít ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tàu. Do đó, mìn limpet thường được gắn vào những khu vực dưới đường nước để phát huy tối đa sức mạnh.

Gắn vào tàu chở dầu bằng cách nào?
Ở vịnh Ba Tư, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, các tàu chở dầu cho phép các tàu thuyền nhỏ di chuyển gần nó ở tốc độ chậm. Do đó, nhiều khả năng một chiếc thuyền nhỏ đã tiếp cận tàu chở dầu và gắn mìn limpet vào thân tàu mà không thu hút quá nhiều sự chú ý, đặc biệt là nếu nó diễn ra vào ban đêm.

Ngoài ra, khi tàu chở dầu neo đậu ở cảng để bốc dở hàng hóa cũng là thời điểm dễ bị gắn mìn limpet. Trong tháng 5, có 4 tàu chở dầu, gồm 2 tàu của Saudi Arabia, một tàu của Na Uy và một của UAE đã bị tấn công, với vũ khí tình nghi là do mìn limpet.

Đoạn video do Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ công bố cho thấy một thủy thủ đang lấy vật gì đó ra khỏi thân tàu chở dầu. Điều đó dẫn đến khả năng một chiếc thuyền đã được sử dụng để tiếp cận tàu chở dầu đang di chuyển. Tuy vậy, việc sử dụng xuồng để gắn mìn limpet lên tàu đang di chuyển khó khăn hơn nhiều. Điều đó có thể giải thích tại sao mìn limpet được tìm thấy ở trên đường nước.

Hải quân Mỹ đối phó ra sao?
Các chiến hạm của Mỹ đều có hệ thống giám sát chống người nhái. Họ sử dụng các camera gắn chung quanh tàu để phát hiện và giám sát mọi sự di chuyển gần tàu. Họ tìm kiếm bong bóng khí được tạo ra bởi thợ lặn, hoặc bất cứ thứ gì không giống sinh vật biển.


Ảnh chụp màn hình đoạn video do Mỹ công bố cho thấy thủy thủ đang lấy một cái gì đó ra khỏi thân tàu.

Nếu phát hiện điều đáng ngờ, họ có thể ném lựu đạn xuống nước. Âm thanh di chuyển trong nước nhanh gấp 4 lần trong không khí. Áp lực từ vụ nổ có thể đập vào xoang, phổi gây thương vong và có thể giết chết thợ lặn.

Hải quân Mỹ có một đội chuyên xử lý các vật liệu nổ khả nghi, thường được gọi là EOD. Một trong các toán EOD đang đóng quân tại căn cứ ở Bahrain. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln cũng có một toán EOD.

Khi có báo cáo về vụ tấn công bằng mìn limpet, toán EOD ở Bahrain có thể phản ứng nhanh bằng cách sử dụng trực thăng để nhanh chóng tiếp cận tàu chở dầu. Họ sẽ cử 2 đặc nhiệm bơi chung quanh để tìm kiếm vật thể khả nghi ở thân tàu trên đường nước.

Nếu không có phát hiện gì, 2 thợ lặn sẽ được triển khai để tìm kiếm ở dưới đáy tàu, những khu vực dễ bị gắn mìn limpet như chân vịt, bánh lái, trục chuyển động.

Việc tháo mìn limpet là điều mà các thủy thủ dân sự không được phép làm, vì nó có thể phát nổ khi ai đó tiếp cận và loại bỏ chúng, nhưng đó là nhiệm vụ cốt lõi của các lính đặc nhiệm EOD. Dù họ được huấn luyện chuyên sâu để vô hiệu hóa chúng, đó vẫn là một nhiệm vụ có rủi ro cao.

Theo zing.vn