Yếu tố địa lý và tiềm lực Iran sẽ khiến Mỹ trả giá rất đắt nếu dùng vũ lực như chiến dịch tấn công Iraq năm 2003.
Vụ hai tàu dầu bị tấn công bằng chất nổ trên Vịnh Oman ngày 13/6 đã làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự ở Trung Đông, đặc biệt là khi Mỹ nhanh chóng đổ lỗi cho Iran và trưng ra một đoạn video làm "bằng chứng" cho việc Tehran đứng sau vụ tấn công này.
Giới chuyên gia nhận định dù chưa rõ ai là thủ phạm thực hiện vụ tấn công, sự cố bất ngờ này có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa Washington và Tehran, thậm chí leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, nếu Mỹ lấy đây làm cái cớ để quyết định tấn công Iran, đó sẽ là một cuộc phiêu lưu quân sự tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, khác xa chiến thắng chóng vánh trước Iraq năm 2003.
"Quân đội Iran yếu hơn nhiều so với Mỹ, nhưng Tehran đủ sức buộc Washington trả giá đắt từ trước khi cuộc tấn công diễn ra. Lợi thế lớn nhất của Iran là yếu tố địa lý", chuyên gia quân sự Zachary Keck nhận xét.
Công ty tình báo tư nhân Stratfor của Mỹ đánh giá lãnh thổ Iran là một pháo đài với ba mặt là các dãy núi, trong khi hướng còn lại là đại dương. "Đây là mục tiêu rất khó bị chinh phạt", Stratfor cho biết trong một báo cáo.
Trong kỷ nguyên vũ khí dẫn đường chính xác như hiện nay, chiến dịch đổ bộ bằng đường biển sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Mỹ có thể nghiêng về phương án tập kích Iran bằng đường bộ thông qua các nước láng giềng, tương tự chiến dịch tấn công Iraq năm 2003.
Phía tây Afghanistan dường như là hướng tấn công khả thi nhất, do Mỹ đang duy trì quân đồn trú tại nước này. Tuy nhiên, việc tập kết lực lượng tiến công lớn ở tây Afghanistan sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt hậu cần.
Yếu tố địa lý ở khu vực biên giới Iran - Afghanistan cũng là một trở ngại. Để tiến quân từ tây Afghanistan sang Iran, quân đội Mỹ phải vượt qua một số ngọn núi dọc biên giới, sau đó băng qua hai sa mạc rộng lớn là Dasht-e Lut và Dasht-e Kavir.
Sa mạc Dasht-e Kavir đặc biệt nguy hiểm vì dễ xảy ra hiện tượng cát lún, do địa hình nơi đây có một lớp muối phủ bên trên bùn dày. Điều này sẽ gây khó khăn đáng kể đến khả năng cơ động của bộ binh cơ giới và thiết giáp.
Vị trí của Iran với các nước láng giềng Trung Đông. Đồ họa: Graphic Maps.
Biên giới tây bắc Iran lại tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đồng minh đang có nhiều rạn nứt trong quan hệ với Mỹ. Trong cuộc tấn công Iraq năm 2003, Ankara đã từ chối cho phép Washington sử dụng lãnh thổ để phát động tấn công. Những sóng gió liên quan đến thương vụ mua tên lửa S-400 và siêu tiêm kích F-35 cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ ít có khả năng cho Mỹ triển khai lực lượng từ biên giới nước này.
Ngay cả khi được sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng rất khó phát động mũi tấn công quy mô lớn qua biên giới, bởi nơi đây có rào cản tự nhiên là núi Zagros trải dọc biên giới giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Bên giới phía tây Iran là nơi sông Tigris và Eupharates giao nhau tạo thành tuyến đường thủy Shatt al-Arab. Đây là nơi tổng thống Iraq Saddam Hussein dùng để tập kết lực lượng tấn công Iran trong chiến tranh Iran - Iraq giai đoạn 1980-1988. Tuy nhiên, địa hình nơi đây có nhiều đầm lầy, giúp Iran dễ tổ chức phòng ngự. Tehran cũng có thể dễ dàng phong tỏa căn cứ của Washington trên lãnh thổ Iraq nếu nổ ra xung đột.
Do đó, Mỹ sẽ phải tấn công Iran từ phía nam với đường bờ biển dài 1.287, tiếp giáp Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Tehran đã chuẩn bị cho kịch bản bị tập kích từ hướng này suốt 25 năm qua bằng việc phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) với các vũ khí dẫn đường chính xác, pháo phản lực, xuồng cao tốc và máy bay không người lái, cũng như tàu ngầm và thủy lôi.
Chiến lược A2/AD của Iran có thể phát huy hiệu quả khi kết hợp với yếu tố địa lý. Những khu vực như eo biển Hormuz, cửa biển, vùng lòng chảo và các đảo nhỏ xung quanh là nơi Iran dễ dàng bố trí xuồng cao tốc mang thuốc nổ, cũng như bí mật triển khai các tổ hợp tên lửa diệt hạm.
Tên lửa diệt hạm Iran bắn thử năm 2017. Ảnh: Fars News.
Mỹ sẽ khó tránh được thiệt hại và thương vong lớn nếu tìm cách đổ bộ lên bờ biển nam Iran. Kể cả khi chiếm được bờ biển, quân đội Mỹ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức do Iran là nước có lãnh thổ rộng thứ 17 thế giới với diện tích 1.684.000 km vuông, cũng như chiến thuật du kích từng được sử dụng thành công trong nhiều cuộc chiến của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.
"Việc tấn công Iran sẽ gặp nhiều thách thức và tiềm ẩn hàng loạt rủi ro lớn. Ngay cả khi can thiệp quân sự là cách tốt nhất để ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng khó lòng thực hiện điều này trong ngắn hạn", chuyên gia Keck nhận định.
Duy Sơn (Theo National Interest)