Ba hãng hàng không Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines yêu cầu Boeing bồi thường do "đã gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và thiệt hại về kinh tế đang không ngừng gia tăng."




Máy bay của hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines tại sân bay quốc tế Daxing ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, gồm Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines, đang yêu cầu hãng sản xuất máy bay Boeing Co. của Mỹ bồi thường thiệt hại liên quan đến lệnh cấm bay tạm thời đối với dòng máy báy 737 MAX mà các hãng này đang sở hữu.
Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc đưa ra yêu cầu bồi thường vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung, với việc hai bên áp đặt một loạt loại thuế nhập khẩu hàng hóa theo dạng “ăn miếng trả miếng” và đỉnh điểm là việc Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại gần như tất cả các vấn đề được đưa ra trước đó trong các cuộc bàn thảo về đề xuất một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.
Ngày 22/5, hãng hàng không Air China và China Southern Airlines được cho là thêm tiếng nói chung của họ vào yêu cầu Boeing bồi thường sau khi hãng China Eastern Airlines đưa ra yêu cầu trên một ngày trước đó.
Tuy nhiên, China Eastern Airlines không cho biết cụ thể số tiền đòi bồi thường và cũng như các thông tin liên quan đến vụ việc.
Theo THX, China East Airlines yêu cầu bồi thường vì lệnh cấm bay đối với thế hệ máy bay 737 MAX 8 "đã gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và thiệt hại về kinh tế đang không ngừng gia tăng."

Ngày 11/3, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm bay đối với máy bay 737 MAX của Boeing do lo ngại an toàn sau 2 vụ tạn nạn liên quan đến dòng máy bay này tại Indonesia tháng 10/2018 và Ethiopia tháng 3/2019 khiến gần 350 người thiệt mạng.
Do lệnh cấm, China Eastern Airlines buộc phải ngừng khai thác bay đối với 14 máy bay 737 MAX mà hãng đang sở hữu trong khi chờ đợi Boeing giải quyết các rủi ro liên quan đến vấn đề an toàn.
Ngày 18/5, Boeing lần đầu tiên thừa nhận phải sửa lỗi phần mềm giả lập dùng để đào tạo phi công điều khiển máy bay 737 MAX.
Boeing cho biết hãng đã chỉnh sửa phần mềm này và cung cấp thêm thông tin cho các hãng vận hành thiết bị để bảo đảm rằng các quá trình giả lập sẽ phù hợp với các tình huống bay khác nhau.

Lỗi Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) của Boeing 737 MAX được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa của hàng hàng không Ethiopian Airlines vừa qua.

Sau hai vụ tai nạn máy bay tại Indonesia và Ethiopia, nhiều hãng hàng không và chính phủ các nước đã quyết định đình chỉ bay đối với loại máy bay.

Điều này đã khiến lợi nhuận của Boeing trong quý 1/2019 giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu của Boeing cũng giảm 2%, chủ yếu do các hợp đồng chuyển giao dòng máy bay thương mại 737 MAX-dòng bán chạy nhất của hãng-bị tạm dừng./.
Q.Chung (TTXVN/Vietnam+)