Tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng phổ biến ở Trung Quốc khiến thị trường mua bán trứng trái phép phát triển.
Hidden Content
Các y tá chăm sóc trẻ em tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Dù luật pháp Trung Quốc cấm hành vi mua bán, trao đổi trứng phụ nữ, nhu cầu vẫn giữ ở mức cao bởi ngày càng có nhiều cặp vợ chồng không thể sinh con. Học vấn, chiều cao và vẻ bề ngoài của người cho là ba tiêu chí quan trọng nhất để định giá trứng. Chính vì thế, những nữ sinh viên tại các trường đại học hàng đầu Trung Quốc thường được mời gọi bán trứng với giá lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.600 USD), theo một cuộc điều tra của báo Beijing Youth Daily.
Với những người cho trứng "bình thường", giá thấp hơn nhiều, khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.460 USD), nhưng không ít người vẫn chấp nhận thỏa thuận để có thể chi trả cho cuộc sống hàng ngày hay phục vụ sở thích cá nhân như mua điện thoại di động mới.
Hoạt động mua bán trứng phi pháp đa phần được thực hiện qua người môi giới trung gian. Đôi khi, các cặp vợ chồng mua trứng muốn gặp người cho và họ thường chọn gặp mặt tại các quán cà phê để tránh gây chú ý.
Vô sinh bắt nguồn từ tình trạng thể chất của người vợ là lý do chính khiến các cặp đôi quyết định mua trứng dù biết việc làm này là vi phạm pháp luật. Một số đôi vợ chồng muốn có con thứ hai sau khi chính sách một con của Trung Quốc được gỡ bỏ, tuy nhiên, người vợ vì quá lớn tuổi nên không thể sinh tự nhiên.
Báo cáo cho hay nhiều bệnh viện tư nhân Trung Quốc thậm chí còn móc ngoặc với bên môi giới trung gian để tìm người cho trứng. Khi tìm được, bệnh viện sẽ tiêm một lượng lớn hormone vào người hiến trong khoảng 10 ngày nhằm đẩy nhanh quá trình tạo trứng.
Tờ báo của Trung Quốc cảnh báo về những rủi ro có thể gặp phải nếu thực hiện thủ thuật, bao gồm tình trạng khó thở hay đông máu. Đến nay, chưa có bất kỳ ai bị bắt vì mua bán trứng. Theo luật Trung Quốc, hành vi mua bán trứng bị nghiêm cấm và người ta chỉ có thể hiến trứng như một hành động từ thiện.
Vũ Hoàng (Theo South China Morning Post)