Về miền Tây ăn bông phượng và nhiều món ngon từ hoa



Từ những món hoa quả đồng nội, người miền Tây đều có thể chế biến thành những món ăn hấp dẫn, mang hương vị riêng.


Với những người từng gắn bó với miệt sông nước, những bông hoa dân dã không chỉ khoe vẻ đẹp mộc mạc mà còn tạo nên những nét đặc trưng trong ẩm thực với những món ăn bổ dưỡng. Có thể kể đến vô số những món ăn được chế biến từ những loài hoa đặc trưng như: hoa điên điển, hoa so đũa, thiên lý, hoa bí, hoa súng, hoa kèo nèo, hoa chuối, hoa sen…




Thế nhưng, sự phong phú của ẩm thực nơi đây có lẽ luôn được biến hóa khôn lường dựa trên triết lý “mùa nào ẩm thực ấy”. Nếu đến với miền Tây trong dịp này, du khách sẽ được thưởng thức vô số món ăn ngon lạ từ hoa với câu cửa miệng: “Ủa, nó ăn được hả?”.


Trong một dịp ghé nhà người bạn thời đại học ở Đồng Tháp, tôi không khỏi kinh ngạc trước món gỏi gà phượng vĩ. Thấy tôi tò mò, thằng bạn bảo đợi chút rồi thoăn thoắt leo tít trên cành cây cao, bẻ một chùm phượng vĩ. Với chất giọng miền Tây ngọt như míaa lùi, nó bảo: “Giờ mày đợi teo tí heng, tao đi bắt con gà tơ. Tối nay, tha hồ cho chúng ta lai rai”. Chưa kịp gật đầu nó đã chạy đi, biến mất trong vườn ổi rộng mênh mông bát ngát.



Theo lời chia sẻ của Tuấn (chủ nhà), để làm được món ăn này rất đơn giản. Chuẩn bị khoảng 10-20 bông phượng, ½ con gà ta. Gà nhiều thì bông nhiều theo tỉ lệ tương ứng. Ngoài ra, cần thêm nhiều loại rau thơm khác như: hoa chuối, rau càng cua, ngò gai, rau thơm… Gà luộc chín tới thì xé nhỏ. Trộn chung với các loại rau hoa kể trên. Nếu ai thích vị chua thanh vì có thể thêm dưa leo, xoài. Hòa hỗn hợp gia vị gồm: 2 thìa đường, 2 thìa nước chanh, 2 thìa nước mắm, tỏi ớt băm. Trộn hỗn hợp trên và tưới đều lên thau gà rau. Trộn thật đều để gia vị thấm. Đừng quên lạc rang, hành phi để món ăn thêm mùi vị. Vậy là gỏi hoa phượng ra đời theo cách không thể đơn giản hơn.



Gỏi gà hoa phượng vĩ khi ăn còn vị thơm của các loài rau, hành phi, ngọt của thịt gà. Khi nghe tôi khen gỏi gà phượng vĩ lạ miệng và ngon, Tuấn cho tôi biết cái lạ trong cách ăn của người miền Tây và người xứ khác tới. Theo lời Tuấn, người ta thường nêm nếm thức ăn vừa miệng để không phải chấm gì thêm, còn đối với người miền Tây, ăn gì cũng thường có thêm chén nước chấm xắt thêm quả ớt. “Ăn vậy quen rồi, chắc khẩu vị mình mặn”,Tuấn cho biết. Ừ, thì chuyện mặn nhạt tính sau, nhưng với tôi, món gỏi gà phượng vĩ quả thật ăn một lần là nhớ mãi bởi nó quá ngon và lạ.



Ngoài phượng vĩ, thêm một loài hoa ăn được mà nhiều người (và trong đó có cả tôi) không khỏi ngỡ ngàng đó chính là hoa huệ. Trong ký ức của tôi, hoa huệ thường chỉ được cúng kiếng, trang trí chứ ít ai biết rằng có thể chế biến thành món ăn. Vậy nhưng, hôm nay, tôi lại được chiêu đãi món hoa huệ xào mướp hương rất thơm ngon và lạ miệng.



Người miền Tây có tính hào sảng và rất hiếu khách. Khi được Tuấn dẫn đi quanh một vòng ấp của mình, ghé vào nhà cô Sáu Lan, cô nhiệt tình dẫn chúng tôi ra vườn mướp và bảo: “Tui mới cắt cho lái hơn 20 cân sáng nay, mấy cháu ưa hái chừng nào thì hái. Cái bông mướt xào ngon lắm đấy”. Nghe thế thôi, chứ tôi và Tuấn xin vừa mướp cho món bông huệ xào. Thấy hái ít quá, cô Sáu Lan lại chới với: “Hái nhiều vào, tui trồng được, hoa còn nhiều, hết nó lại lên”.



Cách gia đình Tuấn chế biến món ăn này cũng khá đơn giản. Nguyên liệu chế biến cho món ăn này gồm có: đọt bông huệ, mướp hương, tỏi và các gia vị. Mướp sau khi được rửa sạch, để ráo và bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt khúc khoảng 6-7cm. Điều cần chú ý là chỉ lấy phần thịt bên ngoài, bỏ phần ruột bên trong. Hoa huệ ngắt lấy đọt và bỏ thân.


Sau đó, cả hai nguyên liệu trên trụng qua nước sôi và xả lại với nước lạnh. Phi thơm tỏi với dầu ăn, cho vỏ mướp và bông huệ vào xào. Nêm thêm đường và hạt nêm cho vừa ăn, đảo đều. Tắt bếp, cho ra đĩa, rắc hành tỏi phi lên trên cho thơm.



Khi thưởng thức món ăn này, thơm thơm mùi mướp hương, vị béo béo bùi bùi của hoa huệ hòa quyện cùng các gia vị rất thơm ngon. Tuấn chia sẻ, món hoa huệ xào thịt bò, gỏi bông huệ tôm thịt cũng rất ngon.



Không chỉ vậy, từ cây hoa lục bình lững lờ trôi khắp bờ rạch, người dân miền Tây cũng có thể chế biến nhiều món ngon. Với người dân ở đây, nó chính xác như một loại rau thì đúng hơn. Cách ăn dễ nhất đó chính là tước ngó non và bông, rửa thật sạch, xào với tóp mỡ hoặc để tươi chấm với mắm, nước cá kho cũng đã đủ ăn “thủng nồi cơm”.



Nếu có đi chợ mua được dăm ba mớ tép trấu, tép bạc về xào lục bình thì ăn hao cơm phải biết. Bởi thế, người dân ở đây thường có câu: “Lục bình trôi dọc triền sông/ Hái về xào tép ngọt lòng dân quê”. Với đám trẻ con, món bông lục bình chiên giòn hay món canh lươn nấu với lục bình rất khoái khẩu và đầy chất bổ dưỡng.



Về miền Tây mà chưa ăn các món ngon từ bông sầu đâu lại là một niềm hối tiếc của nhiều người. Theo người dân ở đây, cách chế biến món ăn này cũng khá đơn giản. Bông và lá non, rửa sạch, chần sơ qua nước nóng, trộn đều với khô cá sặc, hoặc cá lóc nướng, xé nhỏ. Cho vào chút dưa leo/xoài thái mỏng hoặc xắt sợi, dứa (thơm) cắt nhỏ vừa ăn. Thêm chút rau thơm, hành tây. Khi chuẩn bị xong, thêm một ít nước mắm chua ngọt rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau. Nước chấm là nước mắm me được chế biến đơn giản với nước me dầm đã lọc xác và đun sôi đến sệt, nêm nếm vừa ăn.



Khi thưởng thức món ăn này, bạn sẽ cảm thấy một chút đắng đắng đầu lưỡi từ lá và hoa sầu đâu, ít chua từ xoài, cộng vị chua của nước chấm mắm me cùng vị đậm đà của khô sặc… hòa quyện vào nhau tạo nên sự hài hòa tinh tế cho món ăn. Món gỏi dùng chung với cơm nóng rất đậm đà và thơm ngon đến lạ lùng.


Với một người phương xa đến miền Tây như tôi, vùng đất này quá hiếu khách và hào sảng. Tuấn cứ nằng nặc bảo tôi ở thêm dăm ba bữa để “ăn cho hết món ngon từ hoa”. Nhưng có lẽ với sự trù phú của vùng đất này, kết hợp với cách chế biến nhiều món ăn độc lạ ở đây, có vẻ như việc ăn hết món ngon từ hoa của tôi sẽ không đi đến hồi kết bởi người dân sáng tạo không ngừng.

Chào miền Tây ngọt ngào, hẹn gặp một ngày không xa!



Anh Thư
songmoivn