Phương pháp Kiểm Soát Cân Nặng Khi Mang Thai đơn giản - Nếu tăng cân quá nhiều trong thai kỳ cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến bé. Vì thế, mẹ cần biết cách kiểm soát cân nặng khi mang thai để bảo đảm cho quá trình 9 tháng 10 ngày an toàn.

Nếu mẹ bầu tăng cân quá nhiều khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc các chứng cao huyết áp, béo phì, tiểu đường thai kỳ hay thậm chí là tiền sản giật, sinh non, sảy thai, thai lưu. Bên cạnh đó, việc tăng cân quá nhiều khi mang thai sẽ khiến bé phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến chứng béo phì khi trưởng thành.



Bí quyết kiểm soát cân nặng trong thai kỳ

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng


Không phải cứ kiểm soát cân nặng là mẹ không dám ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Thay vào đó, việc bổ sung đầy đủ chất là một yếu tố quan trọng giúp sức khỏe mẹ và thai khỏe mạnh. Mẹ cần bổ sung đầy đủ các vitmin, axit folic, sắt, DHA, canxi, protein,… trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, rau xanh, trái cây,…

Ăn ít, chia nhỏ bữa ăn

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do cơ thể mệt mỏi, lại thường bị nghén, nên nhiều bà mẹ không ăn được nhiều và sợ cơm, vì thế, muốn đủ năng lượng, các chị em nên ăn thành nhiều bữa (khoảng 5 – 6 bữa/ ngày), ăn các thức ăn ưa thích vào bất cứ lúc nào thấy thèm ăn. Như vậy, cơ thể vẫn được cung cấp một lượng calo đầy đủ và dinh dưỡng cần thiết và kiểm soát được năng lượng, đường trong máu và giúp giảm ốm nghén.


Ăn chậm, nhai kỹ

Việc ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp tiêu hoá thức ăn được nhanh chóng hơn và bộ máy tiêu hoá cũng hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, còn giúp mẹ bầu no lâu hơn, từ đó hạn chế việc nạp thức ăn “vô tội vạ” cho cơ thể.

Không bỏ bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn vô cùng quan trọng. Nó cung cấp nguồn năng lượng cho một ngày sau cả đêm dài nghỉ ngơi. Do đó, mẹ bầu tuyệt đối không bỏ bữa ăn này dù là ăn đơn giản để giúp cho cơ thể luôn khoẻ mạnh và tinh thần phấn chấn. Bỏ bữa ăn sáng không giúp làm giảm cân nặng, hạn chế tăng cân nhiều mà chỉ gây rối loạn và mất kiểm soát ăn uống cho mẹ bầu mà thôi.

Cắt giảm đồ ăn vặt

Mẹ có biết rằng, các món ăn vặt như bánh ngọt, nước uống có ga có chứa nhiều đường . Nếu mẹ sử dụng quá nhiều sẽ dễ làm tăng cân, tiểu đường, đau lưng, khó thở,… Do đó, mẹ chỉ nên ăn ít đồ ăn vặt để giải tỏa cơn thèm ăn và cung cấp một lượng đường và chất béo cần thiết cho cơ thể thôi nhé!

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục khi mang thai là phương pháp hiệu quả nhất vừa giúp mẹ tăng năng lượng, cải thiện sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng vừa tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ. Việc tập thể dục còn giúp mẹ bầu thuận lợi hơn cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Vì thế, mẹ nên tận dụng thời gian để tập những động tác nhẹ nhàng, đơn giản trong các bộ môn như yoga, bơi lội hoặc đi bộ cho một thai kỳ thật sự khoẻ mạnh.

Đừng ăn cho 2 người

Thực chất, thai nhi hấp thu chất dinh dưỡng nhiều hay ít là tuỳ vào thể trạng của người mẹ, nên việc ăn cho 2 người đôi khi chỉ làm cho mẹ béo phì và mắc nhiều rắc rối thai kỳ trong khi thai nhi vẫn nhẹ cân, ốm yếu. Do đó, mẹ không cần ép bản thân ăn quá nhiều mới là tốt cho bé, mẹ chỉ cần duy trì một lượng thức ăn vừa phải, có chất lượng, phù hợp với mình và tăng cân hợp lý vẫn giúp thai nhi đủ cân và phát triển khỏe mạnh.

Đừng quên uống nước

Nước không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, cung cấp năng lượng mà còn giúp giảm cảm giác đói và thèm ăn. Vì thế, ngay khi cảm thấy đói liên tục, mẹ hãy uống thêm nước và thư giãn. Theo các khuyến cáo của các chuyên gia thì lượng nước cần thiết cho mẹ bầu một gày là từ 2 – 2,5 lít.