Hồ sơ nhập cư của 3 người TQ có liên hệ với Huawei cùng được một viên chức di trú Canada xử lý, dù các hồ sơ này được chuyển giao ngẫu nhiên, đặt ra câu hỏi liệu có sự can thiệp từ cấp cao hơn.

Mùa thu năm 2013, trong vòng 10 tháng, 3 người TQ nộp hồ sơ xin nhập cư vào Canada, độc lập với nhau. Họ xin sang Canada theo chương trình lao động trình độ cao và một chương trình khác dành cho các doanh nhân giàu có. Hai người định sinh sống ở Toronto, còn một người định cư ngũ ở Saint John, New Brunswick.

Ngoài việc cùng là người Trung Quốc, điểm chung duy nhất giữa họ là họ hoặc vợ/chồng họ đều làm cho tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của TQ.

Hồ sơ của họ nằm trong số hàng chục nghìn hồ sơ nhập cư Canada đang được xử lý, nhưng bằng cách nào đó, họ đều bị từ chối bởi cùng một viên chức di trú Canada ở Hong Kong chỉ trong 4 ngày vào năm 2016, với lý do họ hoặc vợ/chồng họ bị tình nghi là gián điệp.

Báo South China Morning Post đã điều tra về sự trùng hợp này, cho biết viên chức di trú trên có tên viết tắt là JW và mã số 00237.


Các tài liệu được báo South China Morning Post thu thập cho thấy viên chức di trú "JW00237" xử lý cả 3 hồ sơ. (Ảnh: South China Morning Post)

"Nhóm người không được phép nhập cư"
Jean-Francois Harvey, một luật sư ở Hong Kong chuyên về nhập cư Canada, sau đó đã đại diện cho cả 3 đương đơn trên, mới ban đầu nghĩ rằng cáo buộc gián điệp là do JW00237 do tự mình lạm dụng quyền hạn để đưa ra quyết định này.

Song, sau nhiều thông tin rõ rệt về chiến dịch của Mỹ chống lại Huawei, cao điểm là vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn này vào ngày 1/12/2018 theo lời yêu cầu của Mỹ, ông Harvey giờ đang nghĩ đến việc 3 đương đơn trên bị từ chối lúc đầu là một kế hoạch bí mật và có hệ thống nhắm vào các nhân viên Huawei bị nghi là gián điệp.

Các tài liệu cho thấy 3 hồ sơ trên được tạo ra bởi 3 mã nhân viên khác nhau, nhưng JW00273 đã cập nhật cả 3, trong đó 2 hồ sơ được cập nhật chỉ cách nhau khoảng nửa tiếng, dù thời điểm họ nộp đơn cách nhau tới 10 tháng.

Không rõ liệu có nhân viên Huawei nào khác lọt vào tầm ngắm của cơ quan di trú Canada hay không, và liệu quy trình này có đang tiếp tục thực hiện hay không.

"Việc 3 hồ sơ được chuyển tới để cùng một viên chức di trú xem xét trong vòng vài ngày là điều rất khó xảy ra", theo luật sư Harvey. "Họ có hàng nghìn hồ sơ đang xử lý", ông nói. "Như vậy mới trùng hợp làm sao?"

SCMP cho biết từ lúc hồ sơ nộp sớm nhất đến khi hồ sơ nộp muộn nhất trong 3 hồ sơ nói trên, đã có 87.379 hồ sơ được nộp, dựa vào việc mã số các hồ sơ được đánh số lần lượt.

Một cựu viên chức nhập cư Canada, từng quản lý văn phòng Hong Kong, nói với SCMP với điều kiện ẩn danh rằng các nhân viên không được phép chọn lựa sẽ xử lý hồ sơ nào. Như vậy, rất khó để các hồ sơ đó cùng đến tay một người, và khó có chuyện người này làm vậy mà không được cấp trên cho phép.

Năm 2017, Canada cuối cùng đã cho phép 3 người này nhập cư sau khi họ phủ nhận là gián điệp và được ông Harvey kháng cáo. Song ông Harvey nói việc coi họ là gián điệp là rất điều bất ngờ. Đã từng trợ giúp 12.000 hồ sơ nhập cư Canada, ông chưa một lần chứng kiến khách hàng bị từ chối vì lý do tình nghi hoạt động gián điệp.


Luật sư di trú Jean-Francois Harvey đại diện cho 3 đương đơn đều bị Canada coi là gián điệp, cáo buộc sau này đã được rút lại. (Ảnh: South China Morning Post)

SCMP đã xác nhận danh tính cả 3 người, trong đó một người vẫn đang làm việc cho Huawei, nhưng không công bố, để đổi lại việc ông Harvey trao đổi thêm với tờ báo này về vụ việc trên.

SCMP cũng không đưa thông tin nào về việc 3 người trên có thực sự hoạt động gián điệp hay không.
Tờ báo này đăng tải các bức thư gửi cho 3 đương đơn xin nhập cư trên, báo trước họ sẽ bị từ chối.

"Có đủ lý do để chúng tôi tin rằng bạn nằm trong nhóm những người không được phép nhập cư theo mục 34(1)(f) của Luật Di trú và Bảo vệ Người tị nạn Canada", bức thư đề ngày 18/3/2016 gửi cho một trong 3 số người nói trên.

Theo SCMP, mục 34(1)(f) nói đến những người thuộc các tổ chức gián điệp, chống phá chính phủ hay khủng bố.

2 bức thư gửi 2 người kia, cùng đề ngày 21/3/2016, có nội dung tương tự, chỉ khác ở chỗ vợ/chồng của họ thuộc nhóm 34(1)(f).

SCMP đã liên hệ với Cơ quan Di trú, Tỵ nạn và Nhập tịch Canada (IRCC). IRCC cho biết các hồ sơ được xử lý theo thứ tự hồ sơ nhận trước, và chỉ quản lý được giao hồ sơ nào cho các nhân viên ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối.

Giải thích vì sao 3 hồ sơ lại cùng về tay viên chức có mả số "JW00237", IRCC cho biết, "Để đạt hiệu quả cao nhất, thỉnh thoảng các hồ sơ được giao cho cùng một viên chức trong việc đánh giá", nhưng từ chối bình luận về các hồ sơ cụ thể.


Một trong 3 bức thư gửi cho 3 đương đơn xin nhập cư nói trên, báo trước họ sẽ bị từ chối hồ sơ vì tình nghi làm gián điệp. (Ảnh: South China Morning Post)

Huawei là đích ngắm từ lâu
Theo SCMP, thông tin về các cáo trạng mà Mỹ đưa ra đối với Huawei đã được công bố vào tháng 1. Nhờ vậy, các diễn biến trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Huawei từ trước đến nay, cho đến tận việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tháng 12/2018, mới được hé lộ.

Cụ thể, tháng 7/2007, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thẩm vấn tỷ phú sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, cha của bà Mạnh Vãn Châu, ở New York về việc kinh doanh của công ty ở Iran.

"Trong cuộc phỏng vấn, cá nhân 1 nói sai sự thật… rằng Huawei không có hoạt động nào vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ", cáo trạng nếu, trong đó "cá nhân 1" chính là ông Nhậm Chính Phi, theo SCMP.

Đầu năm 2014, bà Mạnh bị chặn lại ở sân bay John F. Kennedy ở New York. Trước khi bà được cho phép đi tiếp, các nhân viên mật vụ Mỹ đã kiểm tra các thiết bị điện tử và tìm thấy các tập tin liên quan đến việc công ty kinh doanh với Iran.

Khi đó, Huawei đã chịu nhiều sự soi xét. Tháng 10/2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kết luận rằng công ty này là mối đe dọa an ninh quốc gia và nên bị cấm mua bán hay sáp nhập ở Mỹ.

Tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ ở Vancouver, Canada. Bà được tại ngoại với khoản bảo lãnh 7,5 triệu USD trong khi đang đợi buổi điều trần về việc dẫn độ.

Tháng trước, một giám đốc bán hàng người Trung Quốc của Huawei và một cựu đặc vụ tình báo người Ba Lan bị bắt giữ ở Ba Lan cũng do bị tình nghi gián điệp.

Trong một thông cáo, Huawei cho biết công ty "có hoạt động kinh doanh và nghiên cứu vững chắc ở Canada từ năm 2008".

"Chúng tôi có nhân viên đi lại giữa Canada và Trung Quốc thường xuyên với visa du lịch và giấy phép đi làm do chính phủ Canada cấp", công ty nói. "Số lượng đáng kể các hồ sơ thành công trong nhiều năm… là một ví dụ cho thấy những những vấn đề này không liên quan đến Huawei".

Cách thức mà vụ việc 3 người trên được giải quyết cũng được cho là kỳ lạ. Luật sư Harvey đã nộp lên các bản xác nhận từ thân chủ của mình rằng họ không phải gián điệp. Chính phủ Canada sau đó đã rút lại các cáo buộc và chấp thuận hồ sơ.

Nếu đưa ra tòa, và chính phủ Canada muốn chống lại cáo buộc phân biệt đối xử, danh tính của "JW00237" có lẽ sẽ phải được công bố, theo ông Harvey.

Tuy vậy, sự việc trên chưa bao giờ được xét xử tại tòa án.

"Điều ngạc nhiên trong 3 vụ việc trên là không có văn bản nào từ IRCC sau khi các bản xác nhận được đưa ra. Rồi đột ngột, 3 người kia được trao visa", ông Harvey nói.

Dù ngạc nhiên, ông Harvey không theo đuổi câu trả lời nào khác, vì thân chủ của ông đã giải quyết xong chuyện. Đối với ông, danh tính và động cơ của "JW00237" không quan trọng. Những điều đó vẫn là bí ẩn.

Theo zing.vn