Sứa vào mùa – món quà ngọt ngào từ biển



Sứa là nguồn nguyên liệu phổ biến để các bà, các mẹ ở miền Trung chế biến nên vô vàn những món ăn ngon. Trải qua rất nhiều công đoạn, từ những con sứa tươi được đánh bắt từ biển “hô biến” thành nguyên liệu của nhiều món ăn như: Sứa chấm, nộm sứa, gỏi sứa...




Cứ vào khoảng tháng 12 tới tháng 4 âm lịch, những người dân vùng biển miền Trung lại vào vụ đánh bắt sứa. Người đi biển khi thấy thảm sứa thì lấy dây buộc lại và kéo vào bờ. Sau đó, sứa sẽ cắt thành từng miếng nhỏ: sứa tai, sứa chân. Sứa tai trong suốt mọng nước, ngả màu xanh dương trong khi sứa chân trắng đục, giòn như sụn. Sứa chân ngon hơn sứa tai nên được bán với giá đắt hơn, khoảng 60-100 nghìn đồng/1kg.



Để làm được món sứa ép lá dung, người dân Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sử dụng phần thân và chân của con sứa thái nhỏ. Sau đó, chúng được ép với lá lấuấu trong vòng 2 ngày. Sau đó, tiếp tục được ép với bột lá dung một đêm. Khi con sứa ngả sang vàng, có mùi thơm, giòn dai là cũng là khi món sứa lá dung hoàn thành.



Món ăn này được chấm kèm bát nước chấm khá đặc biệt. Thành phần của loại nước chấm này bao gồm: mắm ruốc, gừng, tỏi, ớt, mật mía, lạc rang… Bên cạnh đó, người ta cũng ăn kèm món sứa lá dung với các loại rau thơm như: rau hao, rau kinh giới, rau răm, rau húng. Một miếng sứa, kèm bánh đa, rau thơm, chấm cùng nước sốt cay cay, mặn mặn, bùi bùi… chao ơi, sao mà ngon đến thế!



Món sứa lá dung nghe qua thật đơn giản, nhưng công đoạn để chế biến sứa quả thật rất mất thời gian. Thông thường, tất cả các công đoạn được làm bằng tay và 10 kg sứa tươi mới tạo ra được 0,5kg sứa lá dung thành phẩm. Chưa kể, các loại lá như lá dung, lá lấu là các loại cây trên rừng. Muốn hái được các loại lá này, người dân Kỳ Anh phải trèo đèo, lội suối, khi lên Kỳ Thượng, khi ra Cẩm Xuyên. Sau khi lấy lá về, lại tiếp tục trải qua các công đoạn: rửa, xay, phơi nắng, sương, xay nhuyễn…Chính sự tỉ mỉ và cẩn thận như vậy nên sứa ép lá dung khi ăn hoàn toàn không có mùi tanh nhớt.


Cũng vào những ngày này, nếu dạo quanh các khu chợ truyền thống ở Huế không khó để bắt gặp các O, các mệ với những thau sứa trắng trong, phơn phớt xanh kèm những quả ớt bắt mắt.

Với những người thích sự đơn giản, có lẽ món sứa chấm ruốc giản dị nhưng lại cực hao cơm. Sứa được rửa sạch, xát kỹ với lá ổi để khử mùi và làm miếng sứa co lại, trở nên dai giòn hơn. Tiếp đó, sứa được rửa lại bằng nước ấm. Nước chấm sứa phải là ruốc ngon nhất, loại ruốc chà của biển quê. Ruốc có thể hấp, hoặc để sống, thêm tỏi, ớt tươi…



Khi ăn, người dân thường kẹp một miếng sứa với các loại rau sống, chuối chát, dưa gang, vài lát quả vả… Sự mặn mòi của biển, vị chát ngọt của vả, của chuối ranh, vị thơm của các loại rau càng làm cho vị của con sứa trở nên hấp dẫn khó cưỡng. Một bát, hai bát cơm, cứ thế nồi cơm được “đánh bay” lúc nào không hay.



Và đặc sản nhất phải là món giấm sứa. Nguyên liệu để làm ra món ăn này gồm sứa được sơ chế kỹ, tôm rằn (ngon nhất là lựa chọn tôm phá Tam Giang), cua tươi, bánh tráng, rau sống… Tôm được om với các loại gia vị cho thấm, sau đó cho nước vào với liều lượng vừa dùng. Trong các loại gia vị làm nên nồi nước lèo thơm ngon, tuyệt nhiên không thể thiếu ruốc (gia vị nấu nướng đặc trưng của Huế), cà chua bi… đừng quên, cho vào đấy một ít gạch cua làm riêu để tăng hương vị.

Khi ăn, bún được sắp bên dưới, bên trên là các loại rau gồm bắp chuối bào mỏng, các loại rau thơm, sứa, thịt ba chỉ, đậu phộng, bánh tráng bóp vụn, chan thêm ít nước dùng, muỗng nước lèo (được nấu từ gan heo), tí tương ớt... Một tô bún giấm sứa như chứa đựng đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của sứa. Thế mới hiểu, tại sao người dân ở đây lại thích món ăn này đến thế!



Ngoài món sứa ăn tươi sống, những người sành ăn ở Huế còn chế biến món gỏi sứa. Sứa được cắt nhỏ ra như chiếc đũa, sau đó cắt chỉ chuối chát, dứa chín cùng đậu phộng rang chín, giã dập. Công đoạn cuối cùng là rưới nước ruốc hoặc nước lèo lên. Món gỏi sứa ăn lâu chán, có thể làm ăn chơi trong những ngày nóng bức…

Vào những ngày hè, còn gì tuyệt ngon hơn được thưởng thức những món ngon từ sứa thanh mát. Nếu có dịp tới miền Trung thời điểm này, đừng quên thưởng thức những món ăn làm từ sứa nhé!



Anh Thư
songmoivn