Làm đẹp dung nhan



By BS Nguyễn Ý Đức


Đi mỹ viện để tìm cách tăng vẻ đẹp dung nhan là việc làm khá phổ biến hiện nay không những ở phái nữ mà cả ở nam giới. Dân chúng Hoa Kỳ hàng năm chi tiêu cả hơn 10 tỷ Mỹ kim cho dịch vụ này. Chẳng thế mà trong các thành phố chúng ta ở có cả dăm bảy chục nơi cung cấp dịch vụ làm đẹp. Truyền thanh, truyền hình cũng như tạp san báo chí đều rầm rộ thảo luận, quảng cáo kỹ thuật làm đẹp. Và mỗi khi gặp nhau là nhiều bạn gái cũng nhỏ to tâm sự về mổ xẻ, căng da, nâng ngực vừa mới thực hiện.



Các loại giải phẫu làm đẹp

Trong lãnh vực làm đẹp, nên lưu ý là có hai loại giải phẫu để thỏa mãn ý muốn con người:


Giải phẫu Tạo Hình (Plastic Surgery) liên quan tới việc tái tạo, tu sửa các bộ phận bị biến dạng, tổn thương hoặc thay thế các bộ phận đã mất. Chẳng hạn phẫu thuật điều chỉnh khuyết tật bàn tay, may vá vết thương, tu sửa sẹo lồi, loại bỏ u bướu…

-Giải phẫu Thẩm Mỹ (Cosmetic Surgery), ngược lại, nhắm vào việc làm đẹp hơn các cấu tạo cơ thể bình thường đang có để làm tăng niềm tự tin của con người về bề ngoài hấp dẫn của mình chứ không vì lý do sinh tử, chữa trị. Chẳng hạn hút mỡ, cấy tóc, lột da mặt facelift, cắt mi mắt…

Lấy một thí du cụ thể như là về nhũ hoa.

Khi bị ung thư, phẫu thuật Tạo Hình được áp dụng để điều chỉnh các biến chứng của bệnh ung thư như thực hiện nhũ hoa nhân tạo sau khi cắt bỏ nhũ hoa bị bệnh, ngực lép.

Trong khi đó “nâng cấp” nhũ hoa làm sao cho căng tròn bừ bự hơn cặp nhũ hoa “bánh bèo” trước đây là phải viếng thăm nhà chuyên môn giải phẫu Thẩm mỹ.



Giải phẫu thông thường

Phẫu thuật được nhắc nhở, thực hiện thông thường nhất như:

-Phẫu thuật nhũ hoa làm lớn làm nhỏ. Làm lớn thực hiện qua việc đặt túi chứa chất nhựa silicone, một thời rất phổ biến, nhưng hiện nay đang bị cấm ở Hoa Kỳ. Nguyên do là cách đây vài chục năm có than phiền báo cáo là chất silicon dường như gây ra vài rối loạn cho cơ thể. Trong khi các quốc gia khác vẫn tiếp tục dùng silicon thì cơ quan FDA Hoa Kỳ hiện nay đang cứu xét lại liệu có cho tái sử dụng hay không. Túi chứa dung dịch nước mặn hiện nay đang được thay thế cho silicon.

-Hút mỡ đặc biệt là vùng bụng được nhiều người ưa thích, thỏa mãn vì đã giúp lấy lại vẻ “thắt đáy lưng ong” thuở xưa.

-Chích độc tố Botox để giảm vết nhăn trên mặt, trên bàn tay. Gọi là độc tố, vì đây là một chất cực độc do vi khuẩn Botulinum gây ngộ độc thực phẩm có thể chết người vì độc tố làm tê liệt hệ thần kinh. Botox chích đã được chế biến, bớt độc tính đồng thời cũng chỉ được dùng với liều lượng rất ít. Tuy nhiên Botox có thể gây ra nhức đầu, có dấu hiệu như cảm cúm, suy nhược cơ bắp, sụp mi mắt…

Nói chung quý bà quý cô chiếu cố nhiều tới tăng kích thước nhũ hoa, hút mỡ các vùng, sửa mũi, sửa mí mắt, căng da mặt, kể cả thu hẹp cánh cửa phía dưới của mình. Quý ông thì sửa mũi, cắt mi mắt, cấy tóc, đôi khi cả sửa vành tai, kéo dài làm to của quý…



An toàn giải phẫu thẩm mỹ

Trở lại với phẫu thuật làm đẹp, xin nên nhớ rằng các phương thức này chỉ có khả năng thay đổi một phần nào hình dáng của mấy bộ phận vẫn còn đang hoạt động bình thường. Dù đã có nhiều tiến bộ vượt bực, cả về kỹ thuật, dụng cụ y khoa cũng như tay nghề của bác sĩ, rủi ro sau phẫu thuật cũng thường xảy ra, mà mọi người cần lưu ý. Vì phẫu thuật không 100% an toàn và không phải là phép tiên để có thể thỏa mãn tất cả các ước mong của mọi người. Vì theo bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ tạo hình Todd M. Wider, New York, “Mỗi phẫu thuật làm đẹp đều có những rủi ro riêng của nó. Ðiều cần thiết là mọi người cần hiểu rõ các rủi ro này để quyết định trước khi làm đẹp”



Các rủi ro thường thấy

-Mất cảm giác đau hoặc với nhiệt độ nóng lạnh tại chỗ mổ, đặc biệt là trong phẫu thuật thu nhỏ cỡ đồ sộ của “ bãi đậu máy bay” nhũ hoa. May mắn là tình trạng tê này chỉ tạm thời, ngắn hạn.

-Sự ứ đọng dịch lỏng của cơ thể nơi mổ, nhiều khi khá nhiều cần phải hút ra. Ðây là chất lỏng từ các mô bào bị tổn thương tiết ra trong khi mổ.

-Hủy hoại tế bào xung quanh vết mổ, vì giải phẫu cũng gây tổn thương cho một số vi huyết quản, tế bào thiếu máu nuôi dưỡng, tế bào chết.

-Chảy máu nơi mổ, đôi khi kéo dài, từ vết mổ. Chảy máu có thể gây ra cục máu dưới da.

-Nhiễm trùng tại vết mổ, đôi khi vi khuẩn xâm nhập dòng máu lan ra khắp cơ thể.

-Tổn thương dây thần kinh đưa tới tê liệt.

-Sẹo lồi khó coi. Hậu quả này cũng thường xảy ra nhưng bác sĩ với tay nghề cao có thể tránh vùng mô bào dễ gây sẹo.

-Sụp bộ phận như sụp mi mắt sau giải phẫu hoặc chích Botox, nhũ hoa chắc đẹp thành mềm xệ, bên cao bên thấp, không cân đối.

-Chậm lành vết mổ đưa tới nhiễm trùng, chảy máu.

-Tử vong, rất hiếm nhưng cũng có thể xảy ra vì ảnh hưởng thuốc mê quá nặng tay, xuất huyết không kịp kiểm soát, nhiễm trùng mạch máu..



Dè dặt khi làm đẹp

Ngoài ra không nên đặt kỳ vọng quá cao vào kết quả của phẫu thuật.

Ðang là cô gái “lọ lem” mà muốn trở nên đẹp như siêu sao màn bạc là điều không tưởng. Vả lại, mỗi người có cấu tạo cơ thể khác nhau, thích hợp riêng với một loại giải phẫu tái tạo hình nào đó. Cứ mong rằng phẫu thuật giúp mình dễ coi hơn một chút, khiến mình cảm thấy thoải mái, đủ tự tin xuất hiện nhiều hơn trước công chúng, là mãn nguyện rồi. Cần thực tế, vì phẫu thuật chỉ có khả năng gọt sửa hình dáng bề ngoài chứ không thay bàn tay tạo hóa mà làm công việc của chiếc đũa thần vạn năng, thay đổi toàn bộ.



Bác sĩ giải phẫu

Tìm một bác sĩ giải phẫu có chuyên môn cao, kinh nghiệm tốt và đã được chứng nhận bởi American Board of Plastic Surgery là điều cần để ý. Thẳng thắn hỏi trình độ “tay nghề” của bác sĩ, về bằng cấp, giấy phép hành nghề. Cũng coi xem bác sĩ có quyền ưu tiên nhận bệnh nhân vào bệnh viện, phòng hờ khi phẫu thuật gặp khó khăn, cần điều trị với các phương tiện “hiện đại” của bệnh viện.

Tránh những cơ sở khuyến mãi ồn ào, quá lố vì chuyên gia tay nghề cao thường rất khiêm nhường khi giới thiệu về mình.

Trước khi quyết định phẫu thuật, nên cặn kẽ hỏi bác sĩ xem phương pháp sẽ áp dụng có thích hợp với ước muốn của mình, kết quả tốt xấu là bao nhiêu phần trăm, hậu giải phẫu có những rủi ro gì…



Làm gì trước khi làm đẹp

Với bất cứ phẫu thuật nào, cần:

-Khám sức khỏe tổng quát để coi có bệnh mãn tính trầm trọng hoặc cấp tính nào không.

-Giữ tinh thần ổn định, không quá căng thẳng lo âu.

-Ngủ nghỉ thoải mái.

-Không hút thuốc ít nhất hai tuần lễ trước ngày phẫu thuật.

-Không uống rượu trước ngày giải phẫu, để tránh tương tác với thuốc mê.

-Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

-Ðừng thực hiện nhiều phẫu thuật một lúc. Riêng rẽ từng phần, chờ lành coi kết quả ra sao rồi làm tiếp.

-Không uống thuốc tự mua, đặc biệt là aspirin 3 tuần lễ trước phẫu thuật để tránh xuất huyết.

Không nên coi phẫu thuật là mục tiêu để giảm vài chục cân của tấm thân bồ tượng, nhung nhúc những mỡ. Hút đi mấy chục gram tế bào béo có thể làm vòng mông vòng bụng xẹp vào đôi chút, nhưng sự tiết chế ăn uống, vận động cơ thể mới là trị liệu chính.



Rủi ro làm đẹp

Như trên đã nói, phẫu thuật không phải hoàn toàn vô hại mà cũng gây ra vài biến chứng sau giải phẫu. Cần áp dụng các hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc hậu giải phẫu, khi về nhà.

Trong phẫu thuật làm lớn nhũ hoa, nhiều nơi quảng cáo hút mỡ ở vùng không cần, rồi bơm vào nhũ hoa. Theo một số nhà chuyên môn, phương thức này có thể gây khó khăn chẩn đoán u bướu nhũ hoa, vì tế bào béo có thể hóa vôi, khó phân biệt với u bệnh. Ða số các phẫu thuật gia đều cho rằng, đặt túi silicon hoặc nước muối sinh lý là thuận tiện, tự nhiên hơn.

Phẫu thuật tăng độ dầy của môi, của mi mắt bằng cách chích chất tạo keo thiên nhiên hoặc chất hyaluronic acid thường có tác dụng một thời gian rồi tan biến đi.

Có nhiều người lại thích tác dụng lâu dài của chất silicon, nhưng một trở ngại là silicon lâu ngày có thể bám vào mô bào xung quanh, khiến cho bộ phận bị co kéo, biến dạng. Cần thảo luận kỹ càng trước khi thực hiện phương thức “lấp đầy” này.

Nhiều phụ nữ có cặp mông quá khổ với tế bào mỡ đều muốn bàn tọa của mình chắc tròn hơn. Phẫu thuật gia có thể thỏa mãn nhu cầu này với lá silicon đặc cứng ghép dưới lớp cơ mông. Phương thức này cũng có rủi ro nhiễm trùng, vì vết mổ được giấu gần khe hậu môn, nơi thường xuyên chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.

NYĐ

Arlington, TX
baotreonline