Việc ban bố tình trạng khẩn cấp để xây tường biên giới cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ chính phủ mở cửa mà không bị mất mặt với những người ủng hộ

Quốc hội Mỹ hôm 14-2 thông qua dự luật chi tiêu, cung cấp 333 tỉ USD cho các cơ quan chính phủ đến cuối năm tài chính 2019 (tức vào ngày 30-9 tới).

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ ký dự luật này để ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa thêm một lần nữa dù nó có những nội dung không như ông kỳ vọng. Theo hãng tin AP, dự luật chỉ cung cấp 1,375 tỉ USD ngân sách xây 90 km rào chắn dọc biên giới Mỹ - Mexico, kém xa mức 5,7 tỉ USD mà ông chủ Nhà Trắng yêu cầu.
"Tổng thống Trump sẽ ký dự luật chi tiêu như đã tuyên bố trước đây" - thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo. Tuy nhiên, bà Sanders nhấn mạnh Tổng thống Trump sẽ thực hiện các biện pháp hành pháp, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp, để chấm dứt "khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia ở biên giới".

Tổng thống Trump bị chỉ trích nặng nề sau khi công bố kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp để xây tường dọc biên giới Mỹ - Mexico Ảnh: THE NEW YORK TIMES


Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng khẳng định với trang Bloomberg rằng ông Trump đã lên kế hoạch đơn phương lấy gần 7 tỉ USD ngân sách dành cho các chương trình khác của chính phủ liên bang để xây bức tường biên giới, qua đó thực hiện cam kết được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Ngay khi kế hoạch trên được tiết lộ, Tổng thống Trump đã bị các nhà lập pháp lưỡng đảng chỉ trích mạnh mẽ. Nghị sĩ Chris Stewart của Đảng Cộng hòa cảnh báo: "Dù tổng thống có thẩm quyền hay không, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và đưa nước Mỹ vào con đường mà chúng ta sẽ hối tiếc".
Cũng theo bà Pelosi và ông Schumer, đây là một nỗ lực liều lĩnh của ông Trump nhằm che đậy thất bại về việc thực hiện cam kết buộc Mexico trả tiền xây bức tường. "Quốc hội sẽ bảo vệ thẩm quyền hiến pháp của chúng tôi" - hai nghị sĩ hàng đầu Đảng Dân chủ nhấn mạnh. Tuy nhiên, họ từ chối bình luận về việc sẽ ngăn cản ông Trump bằng con đường pháp lý hay bỏ phiếu.
Trong khi đó, các công tố viên tại một số bang tuyên bố sẽ cân nhắc hành động pháp lý nếu Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp để xây tường. Thống đốc Puerto Rico, ông Ricardo Rossello, thông qua mạng xã hội Twitter nhắn nhủ "sẽ gặp nhau ở tòa" với ông chủ Nhà Trắng. Nghị sĩ Mike Levin, đảng viên Dân chủ đến từ bang California, tuyên bố sẽ ủng hộ mọi nỗ lực pháp lý nếu Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo tờ The New York Times, việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép Tổng thống Trump giữ chính phủ mở cửa mà không bị mất mặt với những người ủng hộ. Dù vậy, các chuyên gia pháp lý cảnh báo hành động này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền dân chủ Mỹ về lâu dài. Ông William C. Banks, chuyên gia của Trường ĐH Syracuse (Mỹ), nhận định các tổng thống trong tương lai có thể học theo ông Trump sử dụng tình trạng khẩn cấp nhằm đạt được các mục đích của họ.
Quyền ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép tổng thống thực hiện các động thái mà thông thường sẽ bị luật pháp cấm với hy vọng giúp nhánh hành pháp hoạt động nhanh chóng trong trường hợp cấp thiết. Mặc dù các tổng thống trong thời hiện đại từng nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết hàng loạt vấn đề, nhưng chưa có trường hợp nào gây tranh cãi nhiều như ý định của Tổng thống Trump.
CAO LỰC
Theo nguoilaodong