kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Luật hiến tặng của cải lúc còn sống

  1. #1
    Activation needed
    Tham gia ngày
    Jun 28th 2012
    Bài gởi
    13,343
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    0

    Default Luật hiến tặng của cải lúc còn sống

    Tại Hoa Kỳ một trong những kế hoạch dự trù thuế gia tài hữu hiệu nhất liên quan đến việc đem của cải cho đi lúc còn sống dưới hình thức tặng phẩm. Hiến tặng phẩm không những thoát được vấn đề thuế má theo giới hạn luật định mà còn đỡ được phần thuế trên giá trị gia tăng của tặng phẩm tính theo thời giá như cổ phiếu chẳng hạn.

    Số tiền thay vì phải đóng thuế dĩ nhiên để cho thân nhân hưởng. Việc tặng của cải lúc còn sống đem lại cơ hội cho những người thụ hưởng bày tỏ lòng biết ơn đối với lòng quảng đại của người cho đồng thời người này cũng mãn nguyện khi nhìn thấy đồng tiền mình tặng đưa đến kết quả đẹp như câu chuyện điển hình dưới đây.

    Ông bà chủ nhà hàng Thành Tín ở quận Cam làm ăn rất khá giả nên ấp ủ ý định muốn tương lai cho con cái theo học trường đại học đắt tiền và nổi tiếng. Ông bà có hai đứa con, cậu anh trai muốn học luật, còn cô em gái tuy còn đang ở lớp mười hai nhưng đã tỏ ra có năng khiếu về y khoa. Ông bà tính xa nên để dành một số tiền lớn đóng học phí trước (prepaid tuition) cho các con sau này theo học tại Stanford University. Hơn thế nữa ông bà còn lập một kế hoạch tiết kiệm miễn thuế (tax-free saving plan) dành cho các con đài thọ các chi phí khác trong suốt thời gian tòng học. Ngoài ra mỗi năm ông bà Thành Tín còn giúp cho bà chị vợ đang bị bệnh ung thư có tiền thuốc thang điều trị, đồng thời ông bà cũng trích một số tiền khác cho hội Ung thư Hoa Kỳ nghiên cứu một loại thuốc mới. Nhiều năm sau khi ông bà qua đời thì cậu con trai đã thành một luật sư nổi tiếng cùng cô em là một bác sĩ chuyên khoa ung thư. Tất cả thân nhân khác trong gia đình không nhiều thì ít cũng đều được hưởng một phần tiền bảo hiểm nhân thọ của ông bà để lại, tính ra chỉ có một phần gia tài rất nhỏ không đáng kể lọt được vào tay Sở thuế IRS.

    Nếu thi hành thích đáng thì việc cho đi của cải lúc sinh thời sẽ giảm được thuế theo luật lệ hiện tại. Trong bài trước chúng tôi đã đề cập đến vài loại tín mục ủy thác dùng cho mục đích để lại gia tài miễn thuế. Đối với những người khá giả hơn nữa, sau khi dùng tín mục tới mức miễn trừ tối đa mà tài sản vẫn còn quá trội khiến phải đóng thuế nặng thì nên lưu tâm đến phương cách sử dụng luật hiến tặng làm sao cho gia tài rút xuống giới hạn miễn trừ thuế.

    Luật Hoa Kỳ hiện hành ấn định bất cứ ai hàng năm đều có quyền cho đi một số của cải trị giá $15,000 cho mỗi đầu người thụ hưởng. Số tiền này hoàn toàn được miễn thuế và không hạn chế bao nhiêu người nhận lãnh.
    Đối với cặp vợ chồng thành hôn chính thức thì có thể tặng $30,000 cho mỗi người. Luật này được cơ quan Thuế vụ IRS gọi là tiền "miễn trừ đồng niên" (annual exclusion).
    Ngoài ra đối với các thương gia buôn bán hay hùn hạp còn có nhiều cách khác để cho đi dưới hình thức tặng phẩm với giới hạn nhiều hơn $15,000 gọi là "tặng phẩm hạ giá" (discounted gifts) hoặc cho đi tặng phẩm có giá trị nhiều lần hơn gọi là "tặng phẩm lũy tiến" (leveraged gifts).
    Dĩ nhiên giữa vợ chồng cho nhau bất kể bao nhiêu cũng không bao giờ phải chịu thuế tặng phẩm với điều kiện cả hai người hôn phối đều phải là công dân Mỹ.
    Hiến tặng cho các cơ sở từ thiện như chùa chiền, nhà thờ hay các hội ái hữu hợp pháp và bất vụ lợi đều hoàn toàn được miễn thuế dù với trị giá nào. Đồng thời tiền trả trực tiếp cho học phí hay chi phí điều trị y khoa cũng khỏi đóng thuế. Những khoản miễn thuế này hoàn toàn không tính vào tiền cho trực tiếp "miễn trừ đồng niên" $15,000 kể trên.

    Bàn về "tặng phẩm hạ giá" trên phương diện thuế thì đây là một phương pháp làm giảm bớt giá trị của một món tài sản cho đi để tính thuế ít hơn. Có rất nhiều cách tính hạ giá mà thông dụng nhất là dùng tính chất "thiểu số" (minority) và tính chất "thương mại" (marketability).
    Lấy thí dụ chia phần bất động sản, một người muốn cho ba đứa con một căn nhà nghỉ mát đáng giá $390,000 tức là mỗi đứa được hưởng một phần ba trị giá $130,000. Trị giá này dùng để tính thuế tuy nhiên có thể khai hạ giá hơn, có khi quan tòa cho bớt hẳn tới 40%, vì lý do không thể bán đi một phần ba căn nhà nên giá thị trường hẳn phải kém đi. Mua bán dựa theo tiêu chuẩn "thuận mua vừa bán" cho nên trị giá tính theo số tiền có thể bán được một phần ba căn nhà trên thị trường bất cứ là bao nhiêu chứ không bắt buộc phải theo trị giá thật của nó. Liệu có ai chịu bỏ ra $130,000 để chỉ mua được một phần ba căn nhà trong khi có người lạ chiếm ngụ hết hai phần ba còn lại? Do đó một phần ba căn nhà được tính "hạ giá" trên phương diện thuế để giảm cả thuế tặng phẩm lẫn thuế gia tài.
    Dĩ nhiên IRS không hài lòng cho lắm với kiểu "hạ giá" nên thường phản đối, do đó trước khi áp dụng phương pháp này cần có luật sư giúp lập một "bản ước lượng" (appraisal) trên giấy trắng mực đen phòng hờ lỡ "đụng độ" với IRS.

    Cũng tương tự như "miễn giảm hôn nhân" (marital deduction) theo luật gia tài, điều luật "Miễn giảm thuế tặng phẩm cho hôn nhân" (gift tax marital deduction) cho phép hai vợ chồng công dân Hoa Kỳ được sang chuyển cho nhau tiền bạc không giới hạn trong mọi tình huống mà không dính dáng gì đến bất cứ loại thuế nào.
    Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh ở đây một điều kiện quan trọng là cả hai vợ chồng ấy đều phải có quốc tịch Mỹ, nếu một trong hai người không có quốc tịch thì dù có thẻ xanh (thường trú nhân) cũng không được đặc miễn.
    Chúng ta có thể hiểu tại sao nữ tài tử lừng danh Jane Seymour từng sinh sống lâu mấy chục năm trên đất Mỹ nhưng mới đây cô mới xin được nhập tịch để hưởng quyền lợi này. Luật sư chuyên môn thường áp dụng luật chuyển chủ quyền miễn thuế trên toàn bộ tài sản giữa vợ chồng chính thức giúp họ tùy tiện hưởng dụng tối đa quyền lợi do điều khoản "đặc miễn hôn nhân" đem lại.

    Một thí dụ khác, ông Kim là một đại thương gia rất giàu có nhưng bảo thủ cho nên tất cả tài sản trong gia đình đều đặt dưới tên của ông. Vị thương gia này có thể lập tín mục (trusts) như đã trình bày trong bài trước trong mục đích tránh thuế gia tài tới mức giới hạn pháp định khi ông qua đời. Nhưng nếu bà vợ lại chết trước thì sao? Vì bà ta không đứng tên nên kể như không có gia tài nào do đó chẳng hưởng miễn trừ gì hết. Ngược lại nếu cả hai ông bà cùng lập tín mục ủy thác cho nhau và đều có tài sản ít nhất là tới mức miễn thuế tức là cả hai đều sử dụng tối đa cấp khoản miễn trừ dù sau này ai chết trước cũng không thành vấn đề. Nếu ông Kim vừa lập tín mục và vừa cho bà vợ dưới hình thức tặng phẩm thì tất cả gia tài đều được miễn thuế hợp pháp.

    Của cải của một người, trong lúc còn sống cũng như khi chết đi, hiến cho cơ sở từ thiện hoạt động hợp pháp đều được miễn thuế tặng phẩm của liên bang cùng hầu hết mọi tiểu bang.
    Có rất nhiều cách tạo lý do chính đáng để được miễn thuế thí dụ như tặng cho hội một ái hữu đồng hương một số cổ phiếu đã lên giá, như vậy sẽ không phải đóng thuế trên phần giá trị cổ phiếu đã tăng. Khi người chủ gia tài qua đời giá trị của mọi tặng phẩm cho cơ sở từ thiện sẽ được trừ ra khỏi trị giá toàn bộ tài sản trước khi tính thuế liên bang. Điều này có nghĩa là sử dụng hình thức tặng phẩm cho từ thiện có thể giảm bớt được thuế gia tài mà thừa kế không thiệt thòi gì hết vì gia tài chỉ đã giảm đi bằng trị giá phần hiến tặng, thực ra tiền cho từ thiện chính là tiền đáng lẽ phải đóng thuế.

    Hiến tặng cho từ thiện có thể dưới nhiều hình thức, ngoài tiền mặt còn kể cả nhà đất, xe cộ, cổ phiếu hay trái phiếu và bảo hiểm nhân thọ. Có nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ nhưng để tên cơ sở từ thiện thụ hưởng. Họ chỉ cần trả tiền bảo hiễm phí rồi khai giảm hàng năm trong thuế lợi tức vì trong hợp đồng có ghi tên cơ sở từ thiện sở hữu, đến lúc chết tiền đền sẽ trả cho từ thiện nên không kể vào gia tài để lại.
    Cũng có nhiều người chia đôi bảo hiểm, một nửa cho từ thiện còn giữ nửa phần kia cho thừa kế. Cần lưu ý rằng làm như vậy vẫn phải chịu một phần thuế gia tài nhưng ngược lại cũng có lợi điểm trước là được giảm thuế lợi tức đồng thời sau này giảm luôn cả thuế gia tài khi chết đi.
    Thí dụ về các loại tặng phẩm này gồm có "tín mục từ thiện còn lại" (charitable remainder trusts), "tín mục từ thiện hướng dẫn" (charitable lead trusts), "tiền góp cho tặng phẩm từ thiện" (charitable gift annuities).

    Kỳ tới chúng tôi sẽ đề cập đến lợi điểm của tặng phẩm giáo dục. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
    (Luật Sư LyLy Nguyễn)

    Theo nguoi-viet.com

  2. #2
    CCCĐ
    Tham gia ngày
    Nov 10th 2009
    Nơi Cư Ngụ
    America's Historic Triangle
    Bài gởi
    2,045
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    0

    Default

    Trả học phí cho đứa con gần $30 ngàn đô mỗi năm mà có khai thuế được xu nào đâu.

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 05-23-2018, 17:09
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 07-21-2017, 13:56
  3. Luật hiến tặng của cải lúc còn sống
    By saigonman in forum Tìm Hiểu Về Luật Pháp - Di Trú
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 07-31-2015, 15:11
  4. Lúc còn bé...
    By Antique_Man in forum Tình Yêu và Gia Đình
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 03-25-2013, 16:14

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •