Hệ thống phòng thủ do Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ được bổ sung lưới cảnh báo trên vũ trụ và tăng cường vũ khí đánh chặn mặt đất.
Tổ hợp phòng không Patriot Mỹ được trưng bày tại Hàn Quốc. Ảnh: Lầu Năm Góc.
"Nước Mỹ sẽ điều chỉnh học thuyết để chống đòn tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm. Chúng tôi sẽ phá hủy mọi tên lửa khai hỏa từ những nước đối địch, thậm chí là cả các vụ phóng nhầm từ một số cường quốc", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tại Lầu Năm Góc hôm 17/1.
Phát biểu được đưa ra sau khi Trump công bố Đánh giá Phòng thủ Tên lửa (MDR), tài liệu được mong đợi từ lâu về mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ. Những động thái này cho thấy Washington đang muốn xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa không thể xuyên thủng với nòng cốt là "bức tường thép" trong không gian, theo Drive.
MDR được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại trước sự phát triển của tên lửa Nga và Trung Quốc. Thiếu tướng Howard Thompson, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Bắc Mỹ, từng thừa nhận mọi lá chắn của Washington không có khả năng đối phó tên lửa siêu vượt âm do hạn chế trong hệ thống phòng thủ tên lửa và tư duy tác chiến hiện nay.
"Nga và Trung Quốc đã thực hiện hàng chục thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm mà Mỹ chưa từng tiến hành. Đây là điều đáng lo", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách quản lý và kỹ thuật Michael Griffin khẳng định.
Vũ khí siêu vượt âm thường được phóng lên không gian bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và lao xuống khí quyển theo quỹ đạo rất khó lường, khác với tên lửa đạn đạo thông thường. Lầu Năm Góc cho rằng cảm biến trên không gian là thiết bị duy nhất có thể nhận diện vũ khí siêu vượt âm từ sớm để đánh chặn.
Tổ hợp THAAD khai hỏa trong thử nghiệm năm 2015. Ảnh: Reuters.
MDR đề xuất triển khai nhiều vệ tinh cảnh giới để phát hiện sớm mối đe dọa với nước Mỹ, cũng như nghiên cứu vũ khí không gian để hạ tên lửa ngay sau khi chúng rời bệ phóng. Đây là ý tưởng từng được đề xuất trong sáng kiến "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) của cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi thập niên 1980.
Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019, quốc hội Mỹ yêu cầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) nghiên cứu các phương thức tăng cường mạng lưới cảm biến không gian để giám sát tên lửa đạn đạo. Nhiều khả năng nó sẽ gồm nhiều thiết bị nhỏ, thay vì các hệ thống mạnh và đắt đỏ thường thấy. Các vệ tinh nằm gần lãnh thổ Mỹ cũng đóng vai trò giám sát, đánh giá thiệt hại của đòn đánh chặn.
Vũ khí chống tên lửa trong không gian có thể tiêu diệt mục tiêu bằng động năng hoặc năng lượng định hướng như tia laser cực mạnh. Một vệ tinh trang bị 10 đầu đạn khi được phóng ra trong vũ trụ có thể diệt được một tên lửa đối phương.
Để gia cố lá chắn phòng thủ, Mỹ sẽ xem xét một loạt giải pháp, đầu tiên là biến tên lửa đánh chặn SM-3 và tiêm kích tàng hình F-35 thành sát thủ diệt tên lửa đạn đạo.
Biến thể tên lửa SM-3 Block II chủ yếu được dùng để đối phó với các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 1.000-5.500 km. MDA vẫn nuôi tham vọng bổ sung khả năng đánh chặn mục tiêu bay nhanh ở tầm cao hơn trong giai đoạn giữa hành trình, cho phép nó đối phó với ICBM có tầm bắn xuyên lục địa.
Tiêm kích F-35 cũng có thể trở thành một phần hệ thống phòng thủ tên lửa nhờ khả năng phát hiện, cung cấp tham số mục tiêu cho các tổ hợp đánh chặn. Trong tương lai, Mỹ sẽ nghiên cứu phương án dùng F-35 để phát hiện ICBM trong giai đoạn tên lửa tăng tốc lấy độ cao. Trong giai đoạn này, tên lửa đối phương chưa đạt được vận tốc cao nhất, di chuyển theo quỹ đạo dễ dự đoán và dễ bị tiêu diệt nhất.
Washington muốn tăng cường hệ thống phòng thủ quốc gia bằng việc bổ sung 20 tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI) và radar hỗ trợ, nâng tổng số đạn đánh chặn GBI lên 64 quả. Mỹ cũng lắp đặt hệ thống radar phân biệt mục tiêu tầm xa (LRDR), dự kiến vận hành năm 2021 ở bang Alaska để hỗ trợ Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), đồng thời xây thêm các trận địa đánh chặn mới trên Thái Bình Dương vào năm 2023.
Quả đạn GBI được đưa vào hầm phóng tại bang Alaska. Ảnh: MDA.
Để đối phó tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, Mỹ dự kiến triển khai thêm các tổ hợp tên lửa Patriot, Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tàu chiến trang bị lá chắn phòng thủ Aegis và biến thể trên bộ Aegis Ashore trên toàn thế giới. Washington cũng tìm cách cải thiện khả năng tương tác giữa những hệ thống này với mạng lưới phòng thủ tên lửa của đồng minh và đối tác.
"Phòng thủ tên lửa là yếu tố then chốt trong chiến lược của Mỹ, khi sự phổ biến của tên lửa hành trình, đạn đạo và vũ khí siêu vượt âm đe dọa cán cân sức mạnh. Đây sẽ là trụ cột trong nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công phủ đầu của các quốc gia thù địch", quyền Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan khẳng định.
Duy Sơn
Theo vnexpress