(NLĐO) - Philippines nên xem xét lại thỏa thuận quốc phòng với Mỹ để làm rõ chuyện Washington sẽ ra tay giúp đỡ Manila khi nào giữa lúc căng thẳng ở biển Đông được xem là thách thức an ninh lớn nhất của nước này.

Đó là nhận định được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra tại một sự kiện của Hiệp hội phóng viên nước ngoài ở thủ đô Manila hôm 17-1.
Bài phát biểu của ông tập trung đề cập những thách thức an ninh chính trong và ngoài nước, như chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các nhóm nổi dậy...
Tuy nhiên, ông dành phần lớn thời gian để nêu bật mối đe dọa từ vấn đề tranh chấp ở biển Đông. "Vấn đề càng thêm xấu đi bởi sự biến đổi nhanh chóng của môi trường khu vực, nơi Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường cạnh tranh về địa chính trị và nguy cơ xảy ra xung đột tại eo biển Đài Loan" - Bộ trưởng Lorenzana đánh giá.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: Tân Hoa Xã


Trong bối cảnh như thế, Manila đã kêu gọi xem xét lại Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) với Washington. Theo ông Lorenzana, đã đến lúc hai bên thảo luận về những điều khoản của hiệp ước, như làm rõ vai trò và trách nhiệm khi một bên cần bên kia giúp đỡ về an ninh.
Bộ trưởng này tiết lộ một trong những nội dung ông muốn làm rõ là chuyện gì xảy ra mới cần đến sự giúp đỡ qua lại giữa hai nước. Ví dụ như liệu Philippines có phải ra tay hỗ trợ trong trường hợp xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra ở biển Đông hay không.
Ông lưu ý thêm rằng theo điều khoản của MDT hiện nay, Mỹ sẽ chỉ giúp đỡ Philippines trong trường hợp vùng đô thị bị tấn công.
Hồi cuối tháng 12-2018, Bộ trưởng Lorenzana đã nêu khả năng hủy bỏ MDT nếu hiệp ước lâu đời này (ký năm 1951) không hữu ích đối với an ninh quốc gia hiện nay.

Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung ở tỉnh Zambales - Philippines. Ảnh: Reuters


Về mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh, ông Lorenzana mô tả hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte là toàn diện và mang tính xây dựng.

Hai nước này hồi năm 2012 có cuộc đối đầu nguy hiểm kéo dài vài tháng tại bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Hai bên đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này và rốt cuộc Manila mất quyền kiểm soát nơi này vào tay Bắc Kinh.
P.Võ (Theo South China Morning Post)