Trung Quốc có thể mua lại nhà máy đóng tàu tại vịnh Subic và thu thập tin tức tình báo về chiến hạm Mỹ thường ra vào khu vực này.
Nhà máy đóng tàu Hanjin tại vịnh Subic, Philippines. Ảnh: PhilStar.
Hai công ty Trung Quốc, trong đó có một tập đoàn nhà nước, đang liên hệ với chính phủ Philippines để thảo luận vấn đề tiếp quản nhà máy đóng tàu Hanjin lớn nhất nước này tại vịnh Subic, nơi từng đặt căn cứ hải quân lớn của Mỹ, Navy Times ngày 16/1 đưa tin.
Nhà máy này từng do Hanjin Philippines, chi nhánh của tập đoàn Hanjin Hàn Quốc, vận hành với diện tích khoảng 303 hecta, chuyên đóng tàu biển cỡ lớn như tàu chở dầu và tàu container. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp đóng tàu khiến Hanjin Philippines tuyên bố phá sản với khoản nợ 412 triệu USD, số lao động bị cắt giảm từ 30.000 người xuống còn 3.800 người.
Việc chính phủ Philippines kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp quản nhà máy này để đảm bảo công việc cho các công nhân đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc hiện diện thường trực tại khu vực Mỹ từng đặt căn cứ quân sự lớn nhất Thái Bình Dương khiến một số chuyên gia lo ngại.
"Hãy lưu ý rằng nhà máy đóng tàu Hanjin không phải vấn đề kinh doanh, tài chính hay kinh tế thuần túy, đây là vấn đề an ninh quốc gia", cựu phó đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama cảnh báo. "Bên nào sở hữu nhà máy đóng tàu Hanjin trong vịnh Subic sẽ được tiếp cận không giới hạn tài sản địa lý chiến lược quan trọng nhất về hàng hải và hải quân".
Pama cho rằng dù Hanjin là nhà máy đóng tàu thương mại, không gì có thể ngăn chủ sở hữu biến nó thành căn cứ hải quân và cơ sở hàng hải cho các mục đích an ninh khác.
Theo Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định công ty nước nào sẽ tiếp quản nhà máy đóng tàu của Hanjin tại Subic, bởi các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore cũng quan tâm đến cơ sở này.
"Nhà máy đóng tàu không phải căn cứ hải quân, nhưng Mỹ và Philippines quan ngại việc Trung Quốc có thể dùng nơi này để thu thập thông tin tình báo quanh cảng vịnh Subic, nơi chiến hạm Mỹ thường xuyên ghé qua", Poling nói.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không cho rằng việc Trung Quốc sở hữu nhà máy đóng tàu tại cảng Subic là mối đe dọa an ninh. "Những báo cáo này chỉ mang tính suy đoán. Không có vấn đề gì nếu chủ sở hữu mới là một công ty Trung Quốc từng có thỏa thuận với chính phủ Philippines. Nếu đó là một công ty khác, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng", theo phát ngôn viên của Tổng thống Philippines.
Vị trí của vịnh Subic. Ảnh: Globalbalita.
Vịnh Subic nằm ở phía tây tỉnh Zambales của Philippines là một vịnh nước sâu có khả năng tiếp nhận chiến hạm trọng tải lớn. Sau Thế chiến II, quân đội Mỹ từng xây dựng căn cứ hải quân tại vịnh Subic và duy trì hiện diện quân sự tại đây đến năm 1992, cho tới khi kết thúc hợp đồng với Philippines. Sau khi Mỹ đóng cửa căn cứ hải quân ở đây, Philippines phát triển vịnh Subic thành tổ hợp cảng dân sự quy mô lớn.
Nguyễn Tiến
Theo vnexpress