Giới phân tích cho rằng vụ bắt Mạnh Vãn Chu là hành động có tính toán của Mỹ nhằm tạo ưu thế cho đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei. Ảnh: Twitter.
Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, và cũng là giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch tập đoàn này bị nhà chức trách Canada bắt hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ, theo SCMP. Không có thông tin chi tiết về sự việc nhưng nguồn tin am hiểu vấn đề từ Canada cho biết bà Mạnh bị bắt do vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh bị bắt vào ngày diễn ra cuộc gặp được kỳ vọng cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Buenos Aires, Argentina. Sau cuộc gặp, hai bên thỏa thuận "đình chiến" thương mại trong 90 ngày để tiến hành đàm phán, giải quyết những lo ngại của Washington. Nếu không có thỏa thuận vào cuối giai đoạn đó, Mỹ sẽ áp thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ - Trung tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng vụ bắt Mạnh Vãn Chu là một hành động được Washington tính toán nhằm tạo đà cho đàm phán thương mại với Bắc Kinh. "Chúng ta sẽ chứng kiến thêm những trường hợp kiểu này trong ba tháng tới. Mỹ sẽ trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Trung Quốc để tăng động lực cho họ", Liu nói.
Vụ bắt người cũng xảy ra giữa lúc công nghệ của Huawei bị hạn chế ở các nước phương Tây với việc Mỹ, Australia và New Zealand đều ngăn chặn việc sử dụng mạng di động 5G. Mối quan hệ mật thiết của Huawei với chính phủ Trung Quốc cũng làm xuất hiện lo ngại tập đoàn này là "cánh tay nối dài" cho hoạt động tình báo của Trung Quốc. Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc.
Wang Heng, giáo sư luật kinh doanh Trung Quốc tại Đại học New South Wales, Australia, cũng cho rằng Mỹ có thể sử dụng trường hợp của Mạnh để gây áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại. Ông nói thêm rằng việc xử lý đúng cách sẽ giúp giải quyết những vấn đề gây tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington. "Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội và không giải quyết đúng những mối lo ngại trong 90 ngày, các vấn đề sẽ chỉ leo thang", Wang nhận định.
Dù đã thỏa thuận "đình chiến" thương mại, Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông, Đài Loan. Việc Trung Quốc cử đại sứ tại Mỹ Cui Tiankai tới dự tang lễ cố tổng thống Mỹ George H.W Bush cũng phản ánh căng thẳng hai nước. Theo thông lệ, Bắc Kinh thường cử đặc phái viên của chủ tịch nước sang viếng tang lễ các cựu tổng thống Mỹ.
Sun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ, đánh giá thời gian và chi tiết trong trường hợp của Mạnh Vãn Chu cho thấy đây là động thái chính trị. Tuy nhiên, Drew Thompson, cựu giám đốc các vấn đề Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng việc bắt giam Mạnh không nên bị đánh đồng với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo giám đốc điều hành của một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, sự việc có thể không phải là một phần trong chiến thuật của Trump. "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cọ xát và đối đầu sẽ là chủ đề chính giữa hai nước trong một thời gian dài", người này nói.
Eric Harwit, một giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii ở Manoa, nhận định vụ bắt Mạnh Vãn Chu cũng phản ánh mối lo ngại của Washington về việc các công ty công nghệ cao của Trung Quốc trở thành kình địch của các công ty Mỹ trong tương lai. "Đó chỉ là phần mở rộng trong nghi ngờ của Mỹ về tham vọng công nghệ của Trung Quốc trên thế giới. Huawei tất nhiên là một đối thủ lớn, đã xâm nhập ở các nước đang phát triển và thậm chí cả các nước phát triển", Harwit cho hay.
Huyền Lê
Theo vnexpress