Con người ta thường có xu hướng lựa chọn hành động, cảm xúc, thái độ…của mình ở một trong hai cấp độ chính, thể hiện rõ ràng mức độ mạnh và nhẹ cho bất cứ cái gì đó của cuộc sống, kiểu như "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn le lói suốt trăm năm" như trong "Giục Giã" của nhà thơ Hoàng Diệu.

Hình như có như thế, họ mới tỏa rõ được bản sắc, được cái sự tự thỏa mãn, được "cái tôi" của họ?! Vì thế các cặp từ đối lập như: mạnh – nhẹ, dữ dội – dịu êm, huy hoàng – le lói… trở thành một trong hai thứ được lựa chọn của nhiều người. Còn lại cái cấp độ "vừa vừa" kia có vẻ như bị lẻ loi ít ai để ý đến. Phải chăng, nó làm cho mọi thứ tàng tàng, bình thường, mờ nhạt, không còn được nổi bật, ấn tượng gì và thiếu cảm xúc với cuộc sống?


(Ảnh minh họa)

Trong cái sự uống cà phê, cặp từ "loãng""đậm" chính là nằm trong hai cấp độ mạnh và nhẹ kia. Nó hay được giới ghiền cà phê nhắc đến nhiều nhất. Sở dĩ không phải là "loãng""đặc" mà là "loãng""đậm" vì với cà phê, người ta hay dùng "đậm" thay cho "đặc" nhiều hơn. Đậm, ý muốn nói thêm là đậm đà, nhiều dư vị. Có lẽ, từ đậm tạo nên liên tưởng hấp dẫn, đẹp đẽ hơn với từ đặc vậy.

Cũng lạ, người ghiền cà phê hay có thiên hướng tỏa rõ cái chất mạnh của mình trong cách uống cà phê bằng việc lựa chọn cà phê đậm. Kiểu như "đô mạnh" trong giới uống bia, uống rượu ấy. Đậm thì cà phê mới mạnh, và đậm thì thường đen, uống vào phải đắng gắt, pha vào đá lạnh cà phê vẫn giữ được màu đen đậm như thường! Mùi vị phải ngào ngạt, phải làm nức mũi người uống.


(Ảnh minh họa)

Anh có biết uống cà phê không? Nếu đã biết anh phải chọn cái gì đó cho nó ra là cà phê, nó phải có đô mạnh ấy! Thế nó mới thể hiện được cái chất, cái phí phách của anh, thế nó mới "máu"!

Vì thế, cà phê đậm trở thành giá trị, là lựa chọn của đa số người biết uống cà phê, vì nó được cho một sự thách thức, một sự chinh phục, đã ghiền cà phê thì gu phải mạnh là thế.

Với lý đó, các chuyên gia quảng cáo, marketing một số thương hiệu cà phê như bắt được "bí kíp" nên cho ra đời những headline, slogan cho sản phẩm của mình và gãi đúng "chỗ ngứa" của dân ghiền cà phê, nào là: "cà phê cho phái mạnh", "bạn đã đủ mạnh để thử", "mạnh chưa đủ phải đúng gu", v...v… Thế là sản phẩm tha hồ hốt bạc, tha hồ được chú ý, bán chạy như tôm tươi!

Cà phê mạnh thật! Chả hiểu hàm lượng cà phê, cách pha chế như thế nào mà chỉ trong mấy trăm gram cà phê như thế và chỉ tốn chưa đầy 5 ngàn đồng là thực khách có một gói "cà phê đậm", nếu pha vào một ly thì chỉ có mà đậm thoải mái trở lên, đậm đến đen luôn và mạnh là không thể tả nổi! Người uống cà phê có thâm niên nhấm vào cũng phải gật gù, lắc lư cơ thể, choáng ngợp: mạnh, đậm thật! Mà uống cà phê đậm này anh phải khỏe nhé! Vì nếu lúc đang mệt uống vào anh có thể chịu không nổi bởi cái sự đậm và mạnh của nó.

Cà phê đậm có thương hiệu là thế. Cà phê chưa hay không có thương hiệu cũng chẵng để kém trong cuộc chạy đua cái đậm với những thương hiệu đàn anh của mình. Để có được ly cà phê đậm đen theo gu số đông người dùng người ta có muôn vàn cách thổi vào nó cái giá trị đậm kia. Họ rang bắp, đậu nành cho thật cháy và sử dụng hương liệu, thuốc ký ninh (quinine) hoặc hóa chất khác tạo màu, tạo độ đắng. Thông thường họ cũng dùng thêm caramel nữa. "Vì để biến một ký bắp, đậu nành thành cà phê cần tới 0,15 kg caramel. Caramel, ngoài chức năng tạo màu, vị, còn để át mùi đậu, bắp, cộng thêm trộn đường hóa học giá rẻ của Trung Quốc. Lúc này, cà phê sẽ rất ngọt, nên phải dùng ký ninh để cân bằng vị vì ký ninh rất đắng. Hoặc, có thể họ thay ký ninh bằng một số hóa chất tạo độ đắng bán sẵn…"

Còn muốn tạo độ béo, họ dùng bơ công nghiệp, để cô đậm đặc họ dùng một chất gọi là CNC (chất hóa học dùng trong quá trình hồ vải), chất tạo bọt dùng trong sản xuất xà bông tẩy rửa, chất tạo mùi thơm (sữa, ca cao, cà phê)…” (theo vietnamnet.vn). Thế là có cà phê đậm thôi!

Ly cà phê nguyên chất màu nâu, ít đậm có thể bị xem là cà phê loãng, kém chất lượng

Và cũng lạ, cà phê ở Việt Nam thì không phải thứ hiếm gì với ai. Rất gần gũi nhưng trớ trêu, lại trở nên dị biệt với nhiều người ghiền cà phê đậm kia. Một lẽ, cà phê nguyên chất từ hạt rang, xay ra và chế biến bình thường, theo tiêu chuẩn phổ biến và truyền thống, một kg cà phê bột đạt khoảng 40 phin tương đương 40 ly café.

Thế nhưng ly cà phê nguyên chất này vẫn trở thành thứ xa lạ với dân ghiền. Nó bị coi là thứ cà phê yếu ớt, loãng, nhạt và tạo nên một thất vọng ghê gớm đối với họ. Thay vì đen đậm, nó là đen nâu cánh dán, thay vì thơm nức mũi nó chỉ thơm nhẹ và êm, thay vì đắng gắt nó chỉ đắng dịu, có khi chua thanh nếu nhiều hạt Arabica trong đó, thay vì uống vào là sốc lên nó chỉ tạo nên sự tỉnh táo nhẹ nhàng…

Nói tóm lại, với "giới ghiền cà phê đậm" nó là thứ bị hồ nghi, bị kết tội. Và họ sẽ lạnh nhạt, quay lưng lại với nó. Rồi mọi thứ, những người tạo ra nó với công thức "đơn giản chỉ là cà phê" kia phải gánh chịu tất cả.

Chung quy, cái loãng của cà phê đó, "loại cà phê chỉ toàn là cà phê" kia hoàn toàn không có tội, có chăng nó chỉ là bị đánh tráo khái niệm: cà phê pha tạp là cà phê đậm, cà phê mạnh, cà phê đích thực. Còn cà phê nguyên chất trở thành cà phê loãng, không đáng giá. Chỉ thế mà thôi!

Sưu tầm