Đằng sau vụ nhà báo Saudi Arabia mất tích, Tổng thống Erdogan đã nhìn thấy những cơ hội về chính trị để xoay chuyển tình thế cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự tình cờ đầy tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ

Từ khi xuất hiện tin tức nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi biến mất sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, những thông tin từ các quan chức giấu tên và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc này đã châm ngòi cho sự chỉ trích gay gắt Saudi Arabia với cáo buộc Riyadh đứng đằng sau cái chết của nhà báo Khashoggi.


Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Getty)

Với ông Erdogan, cái chết của nhà Khashoggi dù xét theo phương diện nào cũng là một cơ hội "đúng thời điểm" để Thổ Nhĩ Kỳ xoay chuyển tình thế. Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với suy thoái kinh tế trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ, Saudi Arabia và hầu hết các nguồn hỗ trợ tiềm năng đều rơi vào khủng hoảng. Ngoài việc giải quyết các khoản nợ nần, Tổng thống Erdogan còn có khát vọng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại thành cường quốc trong khu vực, vị thế đả bị xói mòn sau hàng loạt những phát triển ở Trung Đông.

Cái chết của nhà báo Khashoggi ở Istanbul tình cờ tạo nên cơ hội cho ông Ergogan xoay chuyển tình thế hoặc ít nhất là làm giảm bớt phần nào những khó khăn hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan, một nhà lãnh đạo thông minh chắc chắn sẽ không để vuột mất cơ hội hiếm có này.

Việc các cơ quan an ninh của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu những bằng chứng liên quan đến Saudi Arabia trong vụ việc nhà báo Khashoggi khiến ông Erdogan có một vị thế hoàn hảo để đạt được những sự nhượng bộ từ Riyadh. Đặc biệt, chiến lược ngoại giao bảo vệ mối quan hệ hợp tác với Saudi Arabia của chính quyền Tổng thống Trump khiến Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có ảnh hưởng chi phối đến Saudi Arabia mà còn cả với Mỹ.

Mỗi lần Thổ Nhĩ Kỳ "nhỏ giọt" thông tin, mỗi một báo cáo rằng "cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn thu âm về vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia", rằng "ông Khashoggi đã bị tra tấn trước khi bị giết", rằng "có 15 người Saudi Arabia đã đến và rời đi vào ngày mà nhà báo này biến mất", mỗi một thông tin ấy đều là một thông điệp mà Ankara muốn gửi đến Riyadh và Washington. Thông điệp ấy nói lên rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn hoặc cũng có thể giúp làm lắng dịu mọi chuyện xuống.

Thực tế là ông Erdogan đã những bước đi vô cùng thận trọng bởi cả ông Trump và Thái tử Mohammed bin Salman đều là những nhà lãnh đạo quyền lực và cứng rắn. Đó là lý do vì sao những thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ đều không được công bố trực tiếp từ Tổng thống Erdogan. Đó cũng là lý do vì sao ông Erdogan có những động thái hòa giải, đề nghị công khai về việc tổ chức một điều tra chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Cũng chẳng phải tình cờ mà ngay giữa cuộc khủng hoảng về sự biến mất của nhà báo Khashoggi, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson - người từng là một trong những nguyên nhân gây nên "sóng gió" trong quan hệ giữa Ankara và Washington. Chính hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ đã đem đến nhiều thay đổi cho quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Trump khẳng định hai trường hợp này không liên quan gì đến nhau nhưng ở thời điểm xảy ra các sự việc này đã chứng minh điều ngược lại.

Kẻ chiến thắng "lặng thầm"

Vậy, sau tất cả, ông Erdogan mong đợi đạt được điều gì? Những lợi ích tiềm tàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong sự kiện này quả thực là không hề nhỏ.

Vấn đề cấp bách nhất của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại chính là kinh tế. Đồng lira đã mất 40% giá trị, lạm phát ở mức rất cao trong vòng 15 năm cùng với nhiều khoản nợ đang đến kỳ hạn thanh toán. Để làm giảm sự chỉ trích cũng như đạt được một giải pháp ngoại giao với trường hợp của ông Khashoggi, Saudi Arabia có thể sẽ thúc đẩy việc đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ và có lẽ sẽ hỗ trợ quốc gia này xử lý các khoản nợ. Mỹ có thể cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các khó khăn về kinh tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng có thể nâng cao vị thế và tên tuổi của mình trong hành trình đi tìm công lý cho nhà báo bị sát hại này.

Hơn nữa, bằng cách giúp Thái tử Mohammed bin Salman tìm giải pháp vượt qua khủng hoảng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể cải thiện mối quan hệ đang rạn nứt với Saudi Arabia.

Còn đối với Washington, mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bởi những bất đồng của hai bên có thể sẽ chứng kiến một vài thay đổi. Ông Erdogan tìm thấy cơ hội để xoay chuyển tình thế nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ và có lẽ thuyết phục Washington phải cư xử khác đi nếu chính quyền ông Trump muốn nhận được sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ nhà báo Khashoggi.

Một trong những khác biệt chiến lược giữa Ankara và Washington là quan điểm về cuộc chiến tranh Syria. Ngoài một số bất đồng trong các lĩnh vực khác, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ chấm dứt sự ủng hộ với lực lượng người Kurd ở Syria. Ankara cũng muốn người Kurd phải rời khỏi thị trấn có tầm quan trọng chiến lược của Syria, Manbji.

Một điều đặc biệt là ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ Riyadh tới Ankara trong tuần này để thảo luận về trường hợp ông Khashoggi, các vấn đề ở Syria cũng được đưa ra thảo luận. Cuộc gặp "chớp nhoáng" của ông Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu đã được ông Cavusoglu đánh giá là "hữu ích và hiệu quả".

Cuối cùng, dù chuyện gì xảy ra, Saudi Arabia và Mỹ sẽ tìm mọi cách để "cứu vãn" mối quan hệ song phương này. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu điều ấy. Ông Erdogan hiểu đó là mục tiêu quan trọng trong bất cứ sự phản ứng nào của Washington về vụ việc nhà báo Khashoggi. Vì thế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biết ông đang nắm trong tay những con bài giá trị và sau tất cả, khi mà cả Mỹ và Saudi Arabia còn đang "đau đầu" tìm cách giải quyết êm xuôi mọi việc để cứu vãn mối quan hệ song phương này thì Ankara lặng thầm xác lập vị trí như một kẻ chiến thắng với những toan tính lợi ích chiến lược trong vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Saudi Arabia Khashoggi ./.

Theo vov.vn