Để kiểm soát bệnh tốt bệnh tiểu đường, ngoài theo dõi đường huyết, người bệnh cần kiểm tra định kỳ chỉ số rất quan trọng là HbA1c.

Chỉ số HbA1c là gì?
Hemoglobin là một protein trong hồng cầu. Khi cơ thể vận chuyển glucose, glucose trong máu sẽ tự động gắn với hemoglobin tạo thành dạng hemoglobin glycated, viết tắt là HbA1c, hoặc đơn giản là A1c. Sự gắn kết tạo HbA1c diễn ra chậm và tồn tại suốt đời sống của hồng cầu.


Glucose gắn tự nhiên với hemoglobin tạo thành HbA1c

Vì các tế bào hồng cầu tồn tại trong khoảng 8-12 tuần. Nên bằng cách đo chỉ số HbA1c, các bác sĩ lâm sàng có thể biết được bức tranh toàn cảnh về lượng đường trong máu của bạn trung bình trong 2-3 tháng trở lại đây.

Tại sao chỉ số HbA1c là chỉ số quan trọng trong kiểm soát đường huyết?
Chỉ số đường huyết luôn thay đổi và chỉ phản ánh nồng độ đường trong máu tại thời điểm đo, có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như trước ăn sau ăn, sinh hoạt, luyện tập, stress, thuốc điều trị… Chỉ số HbA1c tỷ lệ thuận với nồng độ đường trong máu và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thay đổi bất thường và có thể xét nghiệm ở bất cứ thời điểm nào.

Mặc dù chỉ số HbA1c không dự đoán biến chứng bệnh tiểu đường, nhưng kiểm soát tốt sẽ làm hỗ trợ giảm biến chứng bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu, người bệnh tiểu đường type 2 nếu giảm chỉ số HbA1c xuống được 1% thì:
- Giảm 19% nguy cơ bị đục thủy tinh thể
- Giảm 16% khả năng bị suy tim
- Giảm 43% nguy cơ bị cắt cụt chi hoặc tử vong do bệnh mạch máu ngoại biên

Tuy nhiên chỉ số HbA1c không phải là chỉ số theo dõi đường máu hàng ngày. Mà lượng đường trong máu dao động liên tục nên cần tự kiểm tra đường huyết thường xuyên để xem bạn có kiểm soát tốt đường huyết hay không, từ đó hiệu chỉnh liều insulin và thuốc hoặc thay đổi lối sống sinh hoạt cho phù hợp.

Chỉ số HbA1c trong chẩn đoán
Theo ADA (Hiệp hội tiểu đường Mỹ) những người có mức HbA1c:
- Từ 5,0 – 5,5 % là bình thường.
- Từ 5,7 – 6,4% được xem là có nguy cơ rất cao tiến triển thành bệnh tiểu đường týp 2 trong vòng 5 năm (hay còn gọi là giai đoạn tiền tiểu đường)
-≥ 6,5 % được chẩn đoán bệnh tiểu đường.


Mục tiêu chỉ số HbA1c
Mục tiêu chung của HbA1c đối với người bị bệnh tiểu đường là: ≤ 6.5%
Tuy nhiên tùy vào tình trạng bệnh của từng người mà có thể vào mục tiêu điều trị riêng.
Mục tiêu HbA1c do Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ (ADA)
1. Mục tiêu HbA1c ≤ 6,5% dành cho những người mới chẩn đoán bệnh tiểu đường, không gặp nhiều cơn hạ đường huyết.
2. Mục tiêu HbA1c là 7% đối với nhiều người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường
3. Mục tiêu A1C là 7,5% dành cho trẻ em bị bệnh tiểu đường (0 đến 18 tuổi). Ở trẻ em dưới 6 tuổi có thể không nhận ra triệu chứng hạ đường huyết.
4. Mục tiêu A1C 8% dành cho những người đã từng hạ đường huyết trầm trọng. Những người mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, đã cao tuổi và có nhiều bệnh mắc kèm.


Bảng quy đổi HbA1c ra glucose máu

Bảng quy đổi chỉ số HbA1c

Khi nào nên kiểm tra HbA1c?
Tất cả các bệnh nhân tiểu đường nên xét nghiệm HbA1c tối thiểu 2 lần trong 1 năm và tốt nhất là theo định kỳ 3 tháng/1 lần.
Bệnh tiểu đường týp 2 có lượng đường trong máu cao và chưa ổn định hoặc người tiểu đường týp 1 nên xét nghiệm A1C mỗi 3 tháng một lần.

Các yếu tố không mong muốn ảnh hưởng đến xét nghiệm HbA1C
- Bất cứ biến thể nào trong hồng cầu hoặc hemoglobin có thể gây ra sai số HbA1C như trong bệnh thiếu máu, Thalassaemia hoặc thiếu máu tan huyết… sẽ làm giảm chỉ số.
- Tăng triglyceride máu gây tăng kết quả. Nếu chỉ số bilirubin cao, bệnh gan mãn tính có thể gây tăng kết quả.


Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả HbA1c
- Thắt ống dẫn trứng và một số phẫu thuật (cắt bỏ từng phần hoặc toàn bộ lá lách), điều này làm tăng A1c.

Làm giảm chỉ số HbA1c bằng cách nào?
Để đạt được mục tiêu đặt ra về mức HbA1c không phải là một việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, và gắn bó lâu dài với những thay đổi về lối sống. Bạn cần có kiến thức về những điều có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thực phẩm, lượng calorie, thời gian ăn, thói quen, chế độ luyện tập thể dục, tình trạng căng thẳng, chất lượng giấc ngủ, bệnh tật, thời tiết….

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn có thể giảm được chỉ số HbA1c
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt như táo, bưởi, lê… hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột như bánh kẹo, nước ngọt, khoai tây … hạn chế chất béo bão hòa trong da, mỡ động vật.

Hạn chế lượng calo đưa vào cơ thể
Hầu hết chúng ta tiêu thụ lượng calo dư thừa so với lượng cần thiết. Sự dư thừa calorie này là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ. Nghiên cứu cho thấy, những người có chế độ ăn calo hợp lý có một cuộc sống lành mạnh và tuổi thọ lớn hơn nhiều so với những người khác. Chế độ ăn người tiểu đường nên từ 1500-1800 kcal.

Không bỏ bữa ăn sáng
Một bữa sáng lành mạnh giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt, nên nhiều chất xơ trong rau quả, ít đường, carbohydrate, ít muối và tránh các thức ăn giàu năng lượng, nhiều mỡ. Bổ sung thêm protein trong cá, sữa …

Tập thể dục giảm HbA1C
Tập thể dục thường xuyên làm giảm sự đề kháng insulin và giúp tăng chuyển glucose vào cơ. Tăng tiêu thụ đường để tạo năng lượng làm giảm glucose máu và HbA1C. Tập thể dục làm cho thể chất và tinh thần bạn tốt hơn và không bị căng thẳng. Nên tập hàng ngày và mỗi lần tập từ 45-60 phút.

Giảm cân giúp giảm HbA1C
Với người thừa cân thì việc giảm cân làm giảm sự đề kháng insulin. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận giảm cân giúp tăng tác dụng của insulin và thuốc. Do đó, cần thuốc ít hơn, giảm đường huyết, giảm A1C và giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, còn giúp hạ cả cholesterol và huyết áp. Thậm chí chỉ cần giảm từ 5 đến 10% cân nặng người tiểu đường sẽ có sức khỏe tốt hơn. Bạn có thể giảm cân bằng cách hạn chế calorie ăn vào và tăng hoạt động thể lực.

Căng thẳng ảnh hưởng đến HbA1c
Căng thẳng, trầm cảm, tức giận, lo lắng và hoảng sợ có thể dao động lượng đường máu và HbA1c của bạn. Tâm trí thoải mái, vui vẻ có thể đạt được mức HbA1c tối ưu và cải thiện sức khoẻ. Hóc môn gây căng thẳng khiến insulin khó thực hiện nhiệm vụ của mình. Hãy giữ cho mình thoải mái, yêu đời bằng âm nhạc, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, yoga hoặc thiền định ….

Thuốc không phải là tất cả
Nhiều bệnh nhân nghĩ chỉ dùng thuốc có thể chữa bệnh tiểu đường, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong việc kiễm soát bệnh. Bạn cần kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất để đạt được kết quả tốt nhất. Nhiều người bệnh tiểu đường týp 2 có thể kiểm soát đường máu mà không cần thuốc bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và tập thể dục. Trong trường hợp bệnh tiểu đường týp 1, sự kết hợp này giúp giảm liều insulin.

Nhưng bạn cũng nên nhớ
Đừng mong đợi quá nhiều, quá sớm, đừng vội vàng để nhìn kết quả. Thay vào đó, hãy làm chậm từng bước và nhất quán để đạt được kết quả lâu dài, ổn định. Thực hiện các bước nhỏ và đặt các mục tiêu có thể đạt được. Nếu bạn hút thuốc cũng nên lập kế hoạch bỏ thuốc lá.

Theo SK & ĐS