Sở Di Trú USCIS không còn cho người bảo lãnh một cơ hội để bổ túc hồ sơ trước khi Sở Di Trú USCIS ra quyết định. (Hình: dominicoamerican.org)

Từ năm 2018, Sở Di Trú USCIS không còn cho người bảo lãnh một cơ hội để bổ túc hồ sơ trước khi Sở Di Trú USCIS ra quyết định. Điều này bãi bỏ hướng dẫn của năm 2013.

Vào ngày 13 Tháng Bảy, 2018, Sở Di Trú USCIS ban hành hướng dẫn mới liên quan đến sự toàn quyền quyết định từ chối yêu cầu về quyền lợi di trú mà không cần phải đưa ra Request for Evidence (RFE, tạm dịch là Yêu Cầu Bổ Túc Bằng Chứng) hoặc Notice of Intent to Deny (tạm dịch là Thông Báo Ý Định Từ Chối).

Chính sách trước đây hạn chế quyền của Sở Di Trú USCIS từ chối một vụ kiện mà không cần phải đưa cho người nộp đơn hoặc người bảo lãnh một cơ hội để trả lời trước.

Theo hướng dẫn của ngày 3 Tháng Sáu, 2013, sĩ quan xét hồ sơ phải cấp RFE nếu bằng chứng ban đầu bị thiếu hoặc nếu bằng chứng được gửi không đủ tiêu chuẩn chứng minh, trừ khi người xét xử xác định rằng "không có khả năng" là bằng chứng bổ sung có thể chữa được sự thiếu hụt.

Tức là Sở Di Trú USCIS phải cho người bảo lãnh một cơ hội để bổ túc hồ sơ trước khi Sở Di Trú USCIS ra quyết định. Hướng dẫn mới của năm 2018 sẽ bãi bỏ hướng dẫn của năm 2013 và hướng dẫn của năm 2018 sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 11 Tháng Chín, 2018.

Chính sách mới giúp cho Sở Di Trú USCIS dễ dàng từ chối đơn xin quyền lợi di trú mà không cần phải đưa ra yêu cầu bổ túc bằng chứng hoặc thông báo ý định từ chối. Thay vì cho đương đơn một cơ hội để bổ túc giấy tờ để chỉnh lại sự sai lầm đơn giản, theo chính sách mới, Sở Di Trú USCIS có quyền từ chối quyền lợi di trú nếu bất kỳ bằng chứng ban đầu cần thiết bị thiếu khi đương đơn nộp đơn.

Điển hình người bảo lãnh làm đơn bảo lãnh cho vợ hoặc chồng trên mẫu đơn I-130. Nếu người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh đã lập gia đình trước đây và đã ly dị, người bảo lãnh phải nộp giấy ly dị đó với đơn bảo lãnh.

Theo thủ tục hiện hành, nếu người bảo lãnh nộp thiếu giấy ly dị, Sở Di Trú USCIS sẽ gửi thư yêu cầu bổ túc bằng chứng và cho người bảo lãnh cơ hội để nộp giấy ly dị trước khi Sở Di Trú USCIS ra quyết định.

Theo chính sách mới, bắt đầu được áp dụng từ ngày 11 Tháng Chín, 2018, nếu người bảo lãnh nộp thiếu giấy ly dị với đơn bảo lãnh, Sở Di Trú USCIS có quyền từ chối đơn bảo lãnh đó mà không cần yêu người bảo lãnh bổ túc giấy tờ.

Điển hình khác là người mẹ khi nhập quốc tịch Hoa Kỳ đã được đổi tên. Người mẹ có quốc tịch đó bảo lãnh cho người con có gia đình. Khi nộp đơn bảo lãnh, người mẹ sơ ý không nộp giấy tờ chứng nhận đã đổi tên. Giấy chứng nhận đổi tên là giấy tờ cần thiết vì tên của người mẹ trên khai sanh của người con là tên tiếng Việt và tên trên bằng quốc tịch là tên tiếng Anh.

Nếu giấy tờ chứng nhận đổi tên không nộp chung với đơn bảo lãnh thì Sở Di Trú USCIS không thể quyết định người bảo lãnh là mẹ của người được bảo lãnh. Hồ sơ do người mẹ có quốc tịch bảo lãnh cho người con có gia đình thường mất khoảng 8-9 năm Sở Di Trú USCIS mới xét đến.

Chiếu theo hướng dẫn mới của năm 2018, khi Sở Di Trú USCIS xét đến hồ sơ, hồ sơ bảo lãnh có thể bị từ chối vì không có giấy tờ chứng nhận đổi tên của người mẹ. Nếu muốn bảo lãnh cho người con, người mẹ phải làm hồ sơ lại từ đầu và không giữ được ngày ưu tiên của hồ sơ bị từ chối.

Trong thời buổi này, quý vị nên kiểm tra hồ sơ cho kỹ lưỡng vì khi hồ sơ bị từ chối, mất tiền đơn là chuyện đương nhiên. Thời gian cha mẹ chờ đợi để đoàn tụ với con cái mới là đáng quý.

Nguồn: nguoi-viet.com