Con dế vùng quê



Ngày còn bé sống ở vùng quê, lúc cơn mưa đầu mùa vừa rốt hạt là bọn trẻ chúng tôi rất phấn khởi vì biết chắc sắp được tận hưởng niềm vui mới. Sáng sớm, cả bọn hí hửng rủ nhau đi bắt dế ở những thửa ruộng nứt nẻ qua vài trận mưa vừa thấm chân nước. Dụng cụ đem theo gọn nhẹ: một số que cây chặn ngách, xô múc nước, giỏ tre…

Tới ruộng, chia từng nhóm nhỏ để rón rén nghe ngóng tiếng dế gọi mái râm ran, định hướng tìm hang, chặn ngách rồi đổ nước liên tục cho chú dề bị ngộp chui ra tóm lấy. Mê mải đến lúc mặt trời lên nóng lưng thì cùng kéo về nhà, trầm trồ khoe nhau những con dế cồ lửa, cồ than to kềnh với cặp hàm sắc, khỏe. Rồi lấy đất sét dẻo móc từ ruộng về nắn hộp đựng dế có nắp, chắn song bằng chân nhang, bỏ vào cọng rau đắng non cho chúng ăn.

Các cuộc chọi dế bao giờ cũng sôi nổi, phấn khích với những nét mặt hả hê chiến thắng bên nỗi buồn bại trận rất hồn nhiên. Và có lẽ tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã đọng lại trong tâm hồn trẻ thơ từ thuở ấy…

Ngoài các loại dế nhỏ như: dế than, dế lửa, dế phèn, dế mọi, dế chó… còn có giống dế cơm to cỡ ngón tay cái, màu trắng ngà. Người ta thường dùng chúng làm món lăn bột chiên ăn rất thơm ngon.


(Ảnh qua andacsan.com)


Ban đêm ra vườn ruộng nghe tiếng dế cơm gáy hoặc đang thập thò ngoài miệng hang, dùng lưỡi xẻng xắn chặn phía sau hang là bắt được con dế trống khá dễ dàng. Hay buổi sáng đi tìm hang dế cơm, thấy bên ngoài đùn lên nhúm đất rất dễ nhận biết. Moi đất, múc nước đổ vào sao cho lúc nào cũng ngập miệng hang. Cả nhà dế cơm bị ngộp nước, đành trồi đầu chịu bắt.

Cách chế biến cũng khá đơn giản: vặt cánh, ngắt nhẹ phần đuôi rút hết ruột, rửa nước muối loãng cho sạch. Ướp với tiêu, tỏi, đường, muối.. để một lúc cho thấm rồi nhồi vào bụng mỗi con dế một hại đậu phộng, nhúng tẩm lớp bột mỏng đem chiên vàng. Ăn kèm các thứ rau sẵn có ngoài vườn. Thử cho một con dế cơm chiên bột vào miệng, nhai vừa béo vừa thơm ngon, hạt đậu phộng như cái nhân làm tăng thêm sự khoái khẩu. Món ăn dân dã mà thuộc hàng…đặc sản này không phải lúc nào cũng có được vì thời gian dế cơm xuất hiện không lâu, có năm tìm một con không ra. Có lẽ bây giờ đồng ruộng cày xới liên tục, phân thuốc quanh năm nên chúng phải tìm nơi định cư mới với môi trường trong lành thích hợp hơn chăng?

Hiện nay, do nhu cầu thu hút thực khách nên có một số nhà hàng, quán nhậu tăng cường trong thực đơn món dế đá (gọi chung là dế mèn) với nhiều cách chế biến được ưa chuộng như: dế chiên bơ, rang mỡ, rang me, trộn gỏi…


Nghề nuôi dế. (Ảnh qua mytour.vn)


Để đáp ứng, ngoài nguồn dế tự nhiên có hạn, nhiều nông dân chịu khó tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật để theo nghề nuôi dế sinh sản, lấy thịt và đa số đã thành công. Thức ăn cho dế gồm: cám gà con, nước uống sạch, cỏ gấu, cỏ mần chầu… Không tốn kém mấy, chủ yếu là tránh bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Dế lớn đạt tiêu chuẩn khoảng 700 đến 1.000con/1kg, giá cả dao động từ 120 ngàn tới 200 ngàn đồng/1kg. Mô hình nuôi dế này ít nhiều cũng giúp một số gia đình nâng cao thu nhập và giới sành ẩm thực có cơ hội thưởng thức hương vị từ loài động vật bé nhỏ này…


Nguyễn Kim
Đăng lại từ tạp chí Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com)
trithucvn