Thương Hàn Mặc Tử nhưng Mộng Cầm gửi đời mình cho vị đại gia lừng danh



Bà Mộng Cầm và con trai út Hồ Phước Đại PBC77
(Hình do gia đình cung cấp)


Xưa nay nhiều người biết đến bà Mộng Cầm cùng mối tình thời con gái với thi sĩ Hàn Mặc Tử nhưng ít ai biết đến người chồng của bà, ông Hồ Lộng Địch, một người tài năng, trí tuệ.
Ông Địch bằng tài năng và tình yêu của mình đã tạo lập một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp lừng lẫy, đóng góp không nhỏ cho sự hình thành và phát triển của Phan Thiết (Bình Thuận).


Ông Hồ Lộng Địch (1907 - 1973).


Chàng trai mồ côi thanh chuyên gia y khoa bậc nhất, người Pháp quý trọng
Hồ Lộng Địch sinh năm 1907 trong một gia đình có đông anh chị em tại ngôi làng nhỏ nằm đoạn cuối sông Thạch Hãn thuộc miền cát nóng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Cha là quan huyện, lại học hành đỗ đạt cao nên từ nhỏ anh em ông Địch được cha giáo dục rất kỹ đức tính cần cù, sự hiếu học và ý chí vượt khó vươn lên.
Từ lúc lên năm lên bảy, Địch đã tỏ ra là một người thông minh sáng dạ. Cậu luôn được bọn trẻ con trong làng yêu thích vì nghĩ ra nhiều trò chơi hấp dẫn.
Ông giáo làng đã khuyên ba cậu nên cho cậu học hành đến nơi đến chốn để sau này giúp đời. Sau khi học xong tiểu học ở Quảng Trị, Địch thi đậu vào trường Quốc học Huế.

Học được vài năm thì cha mất. Nhà chẳng có của cải gì, mẹ thì già yếu nên anh em ông Địch đùm bọc nhau sống. Các anh của ông phải vất vả lắm mới lo cho ông yên tâm học hành những ngày ở Huế.

Cũng như nhiều người dân vùng quê nghèo miền Trung có khát vọng vươn lên thời đó, anh em ông Địch lớn lên hết người này đến người kia dần rời quê hương lưu lạc khắp mọi miền đất nước.

Sau khi hoàn tất chương trình học ở Trường Quốc học Huế, ông Địch quyết định một mình vào Sài Gòn lập nghiệp.

Tốt nghiệp tú tài và có vốn tiếng Pháp lưu loát, ông Địch dễ dàng xin làm nhân viên phụ việc cho một bác sĩ người Pháp tại bệnh viện Grall (hay còn gọi là bệnh viện Đồn Đất, nay là bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM ).

Công việc này giúp ông tiếp cận thế giới khoa học, làm quen với phòng thí nghiệm và am tường các hóa chất.

Vì quý mến chàng trai đất Việt hiền lành, chịu khó, một nhân viên phòng thí nghiệm người Pháp đã hướng dẫn ông những kiến thức cơ bản của quy trình thí nghiệm đến thực hành.

Là người thông minh, sáng dạ, qua sự hướng dẫn của người bạn Pháp, rồi tự nghiên cứu sách vở, tài liệu, chỉ một thời gian sau Hồ Lộng Địch đã là một nhân viên phòng thí nghiệm có chuyên môn cao trong bệnh viện này.

Thời gian sau, với kiến thức và khả năng chuyên môn sâu trong lĩnh vực thí nghiệm sinh hóa, cũng như được sự khuyến khích của vị bác sĩ Pháp, ông Địch đăng ký dự thi rồi trúng tuyển vào ngạch nhân viên phòng thí nghiệm vật thực Y viện Pasteur Sài Gòn, một chức danh khoa học danh giá bậc nhất nhất thời đó. Phòng thí nghiệm này chỉ có duy nhất ông Địch là người Việt Nam.

Năm 1932, người anh thứ hai, trước đây thay cha lo cho anh em ông Địch ăn học, đang làm việc tại một bệnh viện tại Phan Thiết chẳng may bị tai nạn, sức khỏe suy yếu.

Là người nặng tình nặng nghĩa, thương anh đông con và các cháu còn quá nhỏ, mặc dù đang có công việc mà bao người mơ ước, ông Địch vẫn quyết định xin nghỉ về Phan Thiết, sống cùng anh trai, lo cho các cháu.

Viện Pasteur Sài Gòn động viên ông ở lại làm việc, hứa tăng lương, cấp học bổng du học Pháp, nhưng ông thưa lại rằng rất yêu nghề và hạnh phúc khi được làm việc tại Viện Pasteur nhưng vì gia đình ông phải về Phan Thiết.

Chuyến xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết chiều cuối năm ấy đưa chàng thanh niên, cựu nhân viên Viện Pasteur Sài Gòn, xuống ga Phan Thiết với hành trang chỉ có 1 chiếc va ly nhỏ đựng quần áo cùng ý chí quyết tâm lập nghiệp tại xứ này.

Đại gia lừng danh và chuyện tình với Mộng Cầm
Những ngày đầu tại Phan Thiết, ông Địch không nề hà làm bất cứ việc gì để mưu sinh. Những năm ấy đô thị Phan Thiết bắt đầu phát triển, chính quyền thuộc địa và người dân chú trọng đến làm đường, xây nhà, lập phố.

Vốn là người thông minh, nhanh nhạy hơn người, ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ông tự tìm tòi, học nghề thầu khoán và chỉ một thời gian ngắn sau, tên tuổi Hồ Lộng Địch đã nổi lên tại Phan Thiết như một thầu khoán có chuyên môn cao.

Không dừng lại, ông Địch mở xưởng cưa, đóng đồ gỗ nội thất. Với vốn tiếng Pháp lưu loát, cũng như quen biết rộng ông dễ dàng trúng thầu, cung cấp toàn bộ thiết bị nội thất cho khu nhà nghỉ dưỡng 23 căn của Pháp ở biển Thương Chánh.

Thương vụ này mang lại uy tín và lợi nhuận rất lớn cho ông. Giai đoạn từ 1930 đến 1945, Hồ Lộng Địch là nhà thầu xây dựng và nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất tại Phan Thiết. Khu vực đầu đường Trương Văn Ly cạnh trường tiểu học Đức Long ngày xưa là một trong những xưởng mộc lớn của ông tại Phan Thiết. Sản phẩm nội thất của ông không những bán tại Phan Thiết mà còn chuyển ra Nha Trang, Đà Nẵng và vào Sài Gòn, Nam kỳ Lục tỉnh.

Năm 1942, ông Hồ Lộng Địch lập gia đình với bà Huỳnh Thị Nghệ ( tức bà Mộng Cầm), sinh được 4 người con, 3 gái 1 trai.


Đây là căn nhà mà gia đình ông Địch sinh sống và ngày nay nhiều
người thường hay gọi là nhà bà Mộng Cầm hay quán Mộng Cầm.


Lại nói thêm về bà Mộng Cầm. Từ lâu bà vốn quý trọng người đàn ông tài năng Hồ Lộng Địch. Vốn là người chuộng thơ văn, hiểu biết rộng, bà tìm thấy ở Hồ Lộng Địch một tâm hồn nhạy cảm, yêu thương con người, biết trân quý những giá trị của cuộc sống.

Vì vậy khi ông ngỏ lời, bà không tỏ ra băn khoăn, coi như đã tìm thấy một bờ vai vững chắc để nương tựa.

Góp công vào sự phát triển nước mắm Phan Thiết
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho loạt bài “Hàm hộ nước mắm Phan Thiết - Họ là ai?”, khi chúng tôi nêu thắc mắc tại sao nước mắm Phan Thiết khi đưa ra thị trường đều là những sản phẩm có chất lượng cao, hầu hết các gia đình hàm hộ đều cho biết theo quy định của chính quyền thời đó nước mắm trước khi ra thị trường phải qua kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng.
Sản phẩm nào không có giấy kiểm định sẽ bị phạt rất nặng và cấm kinh doanh luôn. Điều hết sức bất ngờ và thú vị là phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng nước mắm đầu tiên , uy tín nhất tại Phan Thiết thời đó là của ông Hồ Lộng Địch ở số 80A Trần Hưng Đạo (nay là 394 Trần Hưng Đạo).
Đây cũng là căn nhà mà gia đình ông Địch sinh sống và ngày nay nhiều người thường hay gọi là nhà bà Mộng Cầm hay quán Mộng Cầm.

]
Một mẫu phiếu kiểm nghiệm của phòng thí nghiệm nước mắm Hồ Lộng Địch.


Con gái thứ 2 của ông Địch và bà Mộng Cầm - Hồ Thị Đức, đang ở căn nhà 394 Trần Hưng Đạo tự hào nói với chúng tôi: "Ngày xưa mẹ tôi là người phụ cha làm xét nghiệp, kiểm định nước mắm.

Khi nhận thấy ngành sản xuất nước mắm đang phát triển, cũng như chính quyền quy định là phải kiểm định trước khi đưa ra thị trường, với uy tín của một cựu nhân viên Y viện Pasteur Sài Gòn, ông Địch đã được tỉnh trưởng Bình Thuận thời đó cấp phép mở phòng kiểm định.

Đây là phòng kiểm định nước mắm tư đầu tiên ở Bình Thuận. Kết quả kiểm nghiệm do phòng thí nghiệm nước mắm Hồ Lộng Định cấp, luôn được tin tưởng.

Không những ở Bình Thuận, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở Đà Nẵng, Nam Ô, Quảng Ngãi và Phú Quốc đều gởi mẫu ra Phan Thiết để cha tôi kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận".

Về sau, tại Phan Thiết xuất hiện thêm một số phòng thí nghiệm nước mắm khác, ông Địch được tín nhiệm bầu làm giám đốc các phòng thí nghiệm tại Bình Thuận.

Ông Địch mất năm 1973, thọ 66 tuổi, được an táng tại Phan Thiết, quê hương thứ hai của ông. Cuộc đời cùng những đóng góp của ông cho, tuy ít được người thời nay biết đến, nhưng với nhiều bậc cao niên, các hàm hộ nước mắm mà chúng tôi trong khi đi tìm tư liệu có dịp tiếp xúc, thì ông là một người tài năng, trí tuệ của đất Phan Thiết nửa cuối thế kỷ 20.


Chị Mộng Điệp bên Mộ Cụ Bà Huỳnh Thị Nghệ (Mộng Cầm)
Hình do gia đình cung cấp





Hồ Phước Đại và Chị Mộng Điệp



Lê Huân
Nguồn: sinhhoatdoisongppbghn.blogspot.com