Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa thiết lập thêm một dấu mốc đáng ngại mới, khi chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai ở mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Theo tin từ Bloomberg, chỉ số trên sụt 1,1% phiên đầu tuần, còn 2.651,79 điểm, xuyên thủng mức đáy thiết lập hồi tháng 1/2016.

Vào thời điểm tháng 1/2016, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thể hiện rõ sự lúng túng khi đứng trước một trong những đợt sụt giảm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán nước này. Họ đã áp dụng biện pháp "ngắt mạch tự động" (circuit breaker) nhằm không cho phép thị trường giảm quá sâu, nhưng rồi lại gỡ bỏ biện pháp này ngay sau đó.

Trong đợt sụt giảm chóng mặt từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, chứng khoán Trung Quốc đã "bốc hơi" 5 nghìn tỷ USD vốn hóa. Trước đó, thị trường chứng khoán nước này đã trải qua một đợt tăng bùng nổ từ năm 2014.

Trong đợt giảm hiện nay, chứng khoán Trung Quốc đi xuống chậm hơn. Tuy nhiên, đà giảm duy trì liên tục cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đại lục vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn sau đợt giảm 2015-2016. Khối lượng giao dịch của thị trường ngày càng nhỏ đi và một số công ty niêm yết không thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, bắt buộc phải vay nợ thêm.


Diễn biến chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc từ cuối năm 2013 đến nay (Nguồn: Bloomberg)

Đến nay, Shanghai Composite Index đã bước vào quý thứ thứ tư giảm liên tục, chuỗi thời gian giảm dài nhất kể từ năm 2008.

Diễn biến của chứng khoán Trung Quốc đang đi ngược xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Chỉ số MSCI All-Country World Index của thị trường toàn cầu đã tăng 21% kể từ ngày 27/11/2014, trong đó chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng 40%.

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang là một trong những mối lo chính của giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc hiện nay. Tổng thống Donald Trump đang tính áp đặt thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay trong tuần này, trong khi Bắc Kinh tính sẽ hủy vòng đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ nếu ông Trump cứ khăng khăng áp thuế, theo giới thạo tin cho hay.

"Dù đã giảm sâu, chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa thể hấp dẫn, xét đến cuộc chiến thương mại và các yếu tố nền tảng đang yếu của các công ty niêm yết", ông Toshihiko Takamoto, nhà quản lý tài sản thuộc Asset Management One ở Singapore, nhận định. "Thật khó để tìm thấy những nhân tố có thể kích thị trường phục hồi mạnh".

Ngoài ra, sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ cũng khiến chứng khoán Trung Quốc kém sức hút. Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 7% từ cuối tháng 3 đến nay, trong bối cảnh có những đồn đoán cho rằng Bắc Kinh muốn đồng nội tệ mất giá để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan Mỹ.

Cú giảm chóng mặt của chứng khoán Trung Quốc năm nay khép lại một thời kỳ tương đối ổn định của thị trường này kể từ đầu năm 2016, khi ông Liu Shiyu được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc.

Trước đó, người tiền nhiệm của ông Liu là ông Xiao Gang bị đổ lỗi không xử lý đúng đắn sự sụt giảm vào năm 2015-2016 của thị trường.

Dưới thời ông Liu, Shanghai Composite Index đã tăng 32% trong thời gian từ cuối tháng 2/2016 đến tháng 1 năm nay. Kể từ mức đỉnh vào tháng 1, chỉ số này đến nay đã "bốc hơi" 20% và đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá tụt xuống (bear market).

Giới phân tích cho rằng sự sụt giảm này của chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ làm gia tăng sức hút của những tài sản đầu cơ khác như bất động sản, xói mòn nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm đưa thị trường chứng khoán trở thành một nguồn huy động vốn ổn định cho doanh nghiệp.

theo VnEconomy