Người xưa ăn bánh Trung Thu khi mùa màng đã kết thúc, chiếc bánh Trung Thu như món lễ vật dâng lên Trời Đất đã ban cho mưa thuận gió hoà. Ngày nay, chiếc bánh Trung Thu đem biếu đã trở thành một "biến dị" của truyền thống, "lãng phí của cải" và "phiền toái trong quan hệ giữa người với người"

Từ huyền thoại về chiếc bánh Trung Thu

Về nguồn gốc của Tết Trung Thu, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Tuy nhiên, đó không phải chủ đề chính của bài viết này. Người viết chỉ có một nhận định rằng, dù có theo thuyết nào thì Tết Trung Thu cũng không thể tách rời khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp của những dân tộc châu Á chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nhất là những khu vực trồng lúa nước. Khi canh tác nông nghiệp, người ta theo lịch pháp truyền thống (Hoàng lịch, còn gọi là Âm lịch, thực chất là một loại Âm Dương hợp lịch), nó gắn với sự biến đổi của thời tiết trong năm như mưa nắng, nóng lạnh, con nước lên xuống, sự thay nhau của các mùa v.v.

Cho nên, khi gặt xong mùa lúa, cũng là khoảng giữa tháng tám Âm lịch. Đây cũng là thời điểm trăng tròn nhất, sáng đẹp nhất, thời tiết mát mẻ nhất và người nông dân đã làm xong việc quan trọng nhất là thu hoạch mùa màng. Gió mát, trăng thanh, con người thảnh thơi thì sẽ có lễ hội.

Tết Trung Thu gắn liền với trăng tròn, với lễ hội rước đèn, với múa lân… nhưng đặc biệt không thể thiếu bánh Trung Thu. Sau đây là truyền thuyết được nhắc tới nhiều nhất.

88 năm sau khi người Mông Cổ thiết lập ách cai trị trên toàn cõi Trung Hoa, tinh thần của Hán tộc bị ngoại nhân đè nén nặng nề. Đời sống của họ bị định đoạt hoàn toàn bởi những kẻ cai trị Mông Cổ. Để loại trừ cơ hội nổi dậy của người Hán, người Mông Cổ cấm họ không được sở hữu vũ khí, thậm chí đồ ăn cũng bị chia khẩu phần. Mật thám của triều đình ở khắp nơi. Đặc biệt là người Hán không được phép tụ tập đông người. Đó là một khó khăn cho việc nhóm họp, truyền tin và tổ chức cho cuộc nổi dậy quy mô lớn của Hán tộc chống lại Mông Cổ.

Vào năm 1368, thời gian cho cuộc nổi dậy đã đến. Thủ lĩnh của cuộc nổi dậy chống Mông Cổ là Chu Nguyên Chương đã được quân sư Lưu Bá Ôn bày cho một kế hoạch. Tết Trung Thu đang đến, thời gian này mọi gia đình vẫn ăn một loại bột nhồi mà sau này sẽ được hoàn thiện thành bánh Trung Thu như ngày nay.

Lưu Bá Ôn cử người tung tin đồn rằng: "sắp có một bệnh dịch chết chóc và cách duy nhất để vượt qua là ăn một loại bánh Trung Thu đặc biệt, điều đó khiến người dân rất tích cực tìm mua bánh Trung Thu". Đồng thời, ông ta cũng cho người đi khắp các tiệm bán bánh Trung Thu để nhồi vào trong nhân bánh một mẩu thông điệp khiến người Hán đồng loạt nổi dậy vào Tết Trung Thu. Có thuyết cũng cho rằng, thông điệp đó nằm trên mặt bánh và người ta phải cắt bánh ra làm bốn miếng và ghép lại thì mới nhận được thông điệp. Bởi người Mông Cổ không ăn bánh Trung Thu, cũng không đọc được Hán tự nên họ không biết được kế hoạch này. Vậy là cuộc nổi dậy của người Hán đã thành công, người Mông Cổ đã bị đuổi ra khỏi đất nước Trung Hoa và Chu Nguyên Chương lên ngôi lập ra triều Minh.

Đây là truyền thuyết được nhắc đến nhiều nhất về bánh Trung Thu, mặc dù nó không nhất thiết là chính xác nhất. Tuy nhiên, nó liên quan đến chủ nghĩa dân tộc mang tính lịch sử của người Trung Quốc.

Bánh Trung Thu được nhắc đến nhiều nhất gắn liền với cuộc nổi dậy của người Hán. (Ảnh: sohu.com)

Đến cuối thời nhà Thanh, câu chuyện lại được lan truyền lần nữa, lần này chính thức bằng văn tự. Lý do là, Hán tộc liên hệ sự cai trị của một dân tộc thiểu số là Mãn Châu, mà họ không hoàn toàn phục tùng, với sự cai trị khi xưa của người Mông Cổ. Và câu chuyện nguồn gốc bánh Trung Thu là thể hiện ước vọng quật khởi của họ.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cũng là thời kỳ Trung Quốc bị xâu xé bởi các cường quốc phương Tây, ví như một chiếc bánh ngọt bị ăn bởi 8 thực khách. Chiếc bánh ngọt biểu tượng Trung Quốc đó chính là bánh Trung Thu.

Một lần nữa, hình ảnh chiếc bánh Trung Thu lại xuất hiện trong một sự kiện chính trị khác là cuộc cách mạng Ô Dù ở Hồng Kông năm 2014. Những người chống đối đã tạo hình những thông điệp chính trị ở vỏ ngoài của chiếc bánh Trung Thu.

Hình tượng bánh Trung Thu trong văn học

Trong tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" của nhà văn Kim Dung, sau khi Trương Vô Kỵ đảm nhận chức Giáo Chủ Minh Giáo, liền tập hợp giáo chúng mở cuộc đại hội Minh Giáo vào ngày rằm tháng 8 ở Hồ Điệp Cốc tỉnh Hoài Bắc.

"Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, các lộ giáo chúng ngồi cả dưới đất, các giáo chúng chấp sự tổng đàn đem bánh nhân chay ra chia cho mọi người. Ai nấy thấy bánh tròn như Mặt trăng nên gọi là bánh Trung Thu. Về sau người ta truyền tụng người Trung Hoa ăn bánh Trung Thu để thề giết quân Mông Cổ chính là từ đại hội của Minh giáo mà ra".

Trong bộ truyện "Sở Lưu Hương Hệ Liệt" của nhà văn Cổ Long có bánh Trung Thu "Hằng Nga hận" do tiệm bánh Tam Nhật Khai sản xuất, nổi tiếng trên giang hồ.

Bánh Trung Thu xưa và nay

Khác biệt lớn nhất của bánh Trung Thu xưa với nay nằm ở phần nhân bánh. Bánh Trung Thu truyền thống của Trung Quốc thường có nhân đậu đỏ, chà là, hạt sen nhuyễn, táo ta, 5 loại hạt. Bánh Trung Thu theo phong cách Quảng Đông còn có trứng vịt muối.

Bạn đọc Việt Nam sống trong thời bao cấp hẳn còn nhớ bánh Trung Thu hồi ấy chỉ có một loại duy nhất: nhân thập cẩm. Bánh nhân thập cẩm gồm: thịt mỡ, mứt bí, lạp xưởng, lá chanh… đôi khi có cả hạt sen, hạt dưa. Nhân bánh rất ngọt, ngọt quá mức cần thiết và nhiều dầu.

Còn ngày nay, bánh Trung Thu ở khắp nơi đã quá khác biệt. Chúng ta không thể kể hết các loại bánh Trung Thu với các chủng loại nhân bánh khác nhau, vì làm sao chúng ta có thể liệt kê được trí tưởng tượng phong phú của con người.
Bất cứ thứ gì ăn được đều có thể làm nhân bánh Trung Thu, từ trà xanh, dăm bông, kem phô mai (cream cheese), chocolate, khoai môn, đậu đỏ, đậu xanh, thịt lợn, khoai lang, sầu riêng, thạch sữa v.v. Đúng là phong phú thì có phong phú thật, nhưng có lẽ cũng hơi quá.
Bánh Trung Thu hiện nay hầu như đã không còn hương vị truyền thống, cũng như ý nghĩa của bánh Trung Thu trong lễ hội đêm Rằm tháng 8 đã không còn như thuở ban đầu.

Bánh Trung Thu ngày nay thay đổi rất nhiều về hương vị, nội hàm của chiếc bánh Trung Thu cũng ít người biết đến… (Ảnh: steemit.com)

Đến cái phiền toái từ bánh Trung Thu

Người xưa ăn bánh Trung Thu là họ kỷ niệm một thời điểm quan trọng trong năm. Đó là khi mùa màng kết thúc, nếu trời cho mưa thuận gió hòa thì người nông dân sẽ được mùa. Và chiếc bánh Trung Thu được làm từ nông sản: bột mì, bột gạo, đậu đỏ, hạt sen, hạt bí, hạt dưa… là món quà mà mẹ Thiên nhiên mang lại nhờ vào sự lao động cần cù của con người. Đó là lúc con người thảnh thơi để dâng cúng các sản vật này cho Trời Đất vì "ơn trời mưa nắng phải thì…" Đồng thời, họ cùng nhau vui vẻ thưởng thức sản phẩm do chính tay họ làm ra trong cảnh trăng thanh gió mát đầy khoan khoái.

Nhưng bánh Trung Thu ngày nay không phải là để ăn, mà là để biếu. Có nhiều người mượn lễ Trung Thu, mượn bánh Trung Thu để cầu cạnh, để nhờ vả, để gieo ân tình, để gặt quan hệ, để thể hiện sự có đi có lại, sự vay trả trả vay v.v. Do vậy, người được biếu không ăn bánh nhưng cũng phải mua bánh để biếu những người quan trọng khác.

Nếu coi việc biếu xén là đương nhiên, thì không được biếu sẽ thấy khó chịu, không biếu thì thấy áy náy.

Vì bánh là để biếu nên ai cũng cần đẹp mặt, cần sự sang trọng, sự độc đáo của hình thức. Chất lượng thực sự của bánh Trung Thu như một món ăn truyền thống được đặt xuống hàng thứ yếu.

Vì cần phải độc đáo, phải lạ nên người ta sẵn sàng tìm những nguyên liệu đắt tiền nhất làm nhân bánh mà không quan tâm xem nó có phù hợp với hương vị bánh Trung Thu hay không. Từ đó mới có các loại nhân bánh quái lạ như "cua huỳnh đế", bào ngư, tôm càng, hạt sen tứ quý v.v. Người viết đảm bảo rằng nếu kim cương mà ăn được thì sẽ có người cho nó vào nhân bánh và sẽ có người mua để tặng.

Vì cả người tặng bánh lẫn người được tặng cần được đẹp mặt nên hình thức bánh phải rất cầu kỳ. Không cầu kỳ sao thể hiện được tấm lòng trân trọng đây? Cho nên vỏ hộp bánh bằng da Ý nhập khẩu, hộp bánh được thiết kế bằng chất liệu gỗ, sơn mài, hay nhôm dập nổi cao cấp… cũng không có gì là lạ.

Và bánh cũng cần phải đắt tiền thì may ra mới tạo được ấn tượng với những người quen xài sang, trong đời chưa cao lương mỹ vị nào chưa từng được nếm thử. Cho nên, trong hộp bánh mới kèm cả những thứ không liên quan gì như rượu Tây hay những thứ đồ kỳ quặc khác mà trí tưởng tượng bất kham nhất của con người có thể nghĩ ra được.

Một hộp bánh như thế có thể có giá lên tới hơn chục triệu đồng (gần 500 đô).

Một thứ bánh Á Đông người ta thường dùng kèm với trà mạn mà lại đi dùng với rượu Tây? Có khác gì đem xúc xích chấm vào mắm tôm. Thật là một cuộc "giao chiến" (không phải giao thoa) Đông Tây về văn hóa.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng phải thôi. Bánh Trung Thu mà dùng nhân "Tây" như chocolate hay cream cheese thì rõ là phải dùng với rượu Tây chứ còn gì nữa.

Hộp bánh Trung Thu thượng hạng và một chai rượu whisky Ballantine’s, có giá lên tới 14 triệu đồng. (Ảnh: youtube.com)

… và hậu quả của bánh Trung Thu đem biếu

Vì bánh là để đem biếu, không phải để ăn. Vả lại, cũng không phải ai cũng thích ăn bánh trung Thu vì nó quá ngọt. Trong bối cảnh nhiều người béo phì và tiểu đường như hiện nay, thì bánh trung Thu cũng sẽ nằm trong thực đơn phải kiêng cữ của họ. Cho nên nhiều bánh được biếu sẽ bị bỏ đi.

Theo trang BBC thì năm 2012, có 2 triệu bánh trung Thu bị vứt bỏ ở Hồng Kông. Đó mới chỉ tính riêng cho Hồng Kông. Còn không biết với Trung Quốc đại lục thì con số ấy còn lớn đến ngần nào nữa. Và 6 năm đã trôi qua, hiện nay thì không biết con số ấy thực tế ra sao.

Lãng phí không chỉ nằm ở số bánh Trung Thu bị vứt bỏ mà còn nằm ở những vật liệu đóng gói: hộp kim loại, sơn mài, lụa lót hộp… như kể trên. Thậm chí từng chiếc bánh nướng bánh dẻo còn được bọc bằng ny lông, rồi được bọc tiếp bằng hộp giấy, và lại thêm lớp hộp hoặc túi ngoài.

Người ta ước tính chỉ riêng việc đóng gói bánh Trung Thu mỗi năm đã mất gần 375 triệu đô la Mỹ ở TQ.

Việc xử lý những vật liệu bị vứt bỏ này là một vấn đề không đơn giản và tốn kém. Nhiều nhà hoạt động môi trường đã phải kêu trời vì vấn đề này.
Nhưng chuyện không chỉ có thế. Đôi khi, những quà tặng đắt tiền này đã xóa nhòa ranh giới giữa quà biếu và hối lộ.

Năm 2013, chính quyền Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã trừng trị thẳng tay đối với những món quà biếu ngoài kiểm soát của các quan chức chính quyền, những người dùng tiền của công để mua bánh Trung Thu đem biếu xén lẫn nhau và đám cánh hẩu thương mại.

Hãy trả lại ý nghĩa đích thực cho bánh Trung Thu

Hậu quả từ chiếc bánh Trung Thu đem biếu là sự "biến dị" của truyền thống, sự lãng phí của cải xã hội và sự tiêu cực trong quan hệ giữa người với người. Xét cho cùng, nó có nguyên nhân từ tính háo danh, hám lợi và quá chú trọng hình thức của người đời. Hạn chế được những tiêu cực ấy thì sẽ hạn chế được hậu quả của "hậu Trung Thu".

Khi bạn tặng bánh Trung Thu cho người khác, xin đừng mang tâm truy cầu lợi ích hay gieo một món nợ ân tình trong tâm trí của người. Sau khi làm được điều ấy, điều còn lại bạn cần quan tâm là khẩu vị của người được tặng bánh.

Họ có thích ăn bánh Trung Thu hay không? Khẩu vị của họ ra sao?

Nếu họ thích, bạn hãy mua tặng họ một hộp bánh không quá cầu kỳ về hình thức, không kệch cỡm về khẩu vị nhưng tinh tế trong chất lượng để đảm bảo rằng người được tặng sẽ thực sự trân trọng sự quan tâm của bạn và họ sẽ dùng nó trong những bữa tiệc ấm cúng của gia đình. Đó là thứ tình cảm quý mến và vô tư mà bạn nên cho đi. Những người tinh tế và chân thành luôn biết đánh giá cao những điều ấy hơn bất cứ một vật phẩm màu mè diêm dúa nhưng giả tạo nào đó.

Và nếu nhìn dưới góc nhìn ấy, thì bánh Trung Thu không chỉ là một chiếc bánh, đó là hương hồn của cha ông, là tâm tình của lịch sử vẫn chảy trong dòng máu mỗi người Việt chúng ta.

Theo dkn.tv