Nếu như trước đây đèo Rù Rì hiểm trở từng làm hành khách thót tim thì con rù rì bãi biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đang làm thực khách “rụng tim” khi đã một lần thưởng thức nó.


Mùa hè với những cơn gió nồm mang hơi mát dịu nhẹ cũng là mùa rù rì. Gọi là mùa nhưng không hiểu sao rù rì hiếm dần. Chỉ những ai có đôi mắt tinh tường, có cái nhìn “xuyên cát” mới bắt được nó. Đã qua rồi cái thời rù rì “hồn nhiên” theo con nước tràn lên bờ rồi chậm chạp đùn xuống cát khiến trẻ con cũng bắt được.



Giờ rù rì “khôn” hẳn ra. Chúng theo con nước lên bờ ăn những phiêu sinh vật rồi nhanh chóng ẩn mình dưới cát trước khi con nước rút. Không ai thấy tăm dạng chúng đâu. Những mùa rù rì gần đây, dạo cả giờ dọc bờ biển cũng chỉ bắt được vài con khiến các tay săn rù rì nản lòng.



Sa Huỳnh hiện chỉ còn hai “sát thủ” rù rì nhờ chuyên cần mà trở nên chuyên nghiệp. Có người hỏi bí quyết, một ông rỉ tai thì thào: “Tui nói ông đừng bật mí lung tung. Ông cứ khom người nhìn mặt cát, chỗ nào xám mờ, hơi võng xuống, tròn tròn như miệng cốc uống trà là có rù rì ở dưới. Thọc sâu hai ngón tay xuống cỡ nửa gang là tóm được”.



Nói vậy thôi chứ có người đi theo “học nghề” hai ông cả tuần, cũng căng mắt nhìn, cũng thọc tay xuống chỗ cát “xám mờ” nhưng cái đuôi rù rì cũng không có chứ đừng nói nguyên con.



Rù rì nhỏ con nhưng đầu đuôi, càng gọng rất giống “đại vương” cua huỳnh đế nên được mệnh danh là “tiểu huỳnh đế”. Chiều nào mỗi ông cũng bắt được ít nhất 2 ký “tiểu huỳnh đế”. Mỗi ký bán được 200.000 đồng. Với số lượng quá ít như vậy, người có “duyên”, dẻo miệng và có sức… chen lấn mới mua được.






Chế biến rù rì không hề cầu kỳ. Chỉ cần ngắt đuôi, rửa sạch, để ráo. Trút rù rì vào chảo dầu phi tỏi, rắc chút muối hầm, chút đường, ít bột nêm. Để lửa nhỏ và trộn đều. Chờ cho vỏ rù rì chuyển sang màu vàng nâu là tắt bếp để “mở khẩu” với bữa tiệc rù rì chiên hấp dẫn đến ngẩn ngơ.
Nếu ăn cua phải hì hụi ra tay tách vỏ, vặn càng, lưỡi phải làm việc cẩn thận để loại bỏ những mảnh cứng có thể lẫn trong thịt cua thì ăn rù rì rất… thong dong. Dùng đũa gắp hay dùng hai ngón tay nhón nguyên con rù rì lên, đưa vào miệng. Chao ôi! Âm thanh vỏ rù rì vỡ giòn cũng đủ làm no tròn thính giác.
Một nhà… rù rì học nói ăn rù rì chẳng ngại “có tiếng mà không có miếng”. Tiếng đi trước, miếng liền theo sau để cái ngon không hề ngắt quãng. Thịt rù rì tuy ít nhưng trắng dẻo, ngọt lành như sữa, lại thanh mát, dịu ngon như… trăng tròn mười sáu. Chỉ tiếc một nỗi là đĩa rù rì nhanh vơi mà không đầy lại như ly rượu trắng nồng đượm vị thơm hạt gạo đồng làng.
Cô bạn môi đỏ nói ngoài cái ngon đến “quéo lưỡi” ra, em còn nghe được tiếng sóng rì rào và vị biển mặn mà trong từng con rù rì nữa đó. Sướng rêm vì câu nói đầy “nghệ thuật” này, chủ nhà “đành” chiên nốt số rù rì để dành phòng khi biển động. Chờ cô bạn xuống bếp, mấy anh em bảo nhau: Chỉ có miệng lưỡi người đẹp mới làm cho rù rì trong tủ lạnh cũng phải bò ra.


Theo Trần Cao Duyên (thanhnien.vn)