“Xực… cũng là nghệ thuật!”



By Đoàn Xuân Thu - July 23, 2018



Nhà thơ Tản Ðà nổi tiếng là một người sành ăn, vì ông vốn là dân nhậu. “Trăm năm hai chữ Tản Ðà. Còn sông, còn núi, còn là ăn chơi!”


Cái hay của mấy ông nhậu là biết ăn nhưng cũng biết nấu. Vì nhậu hoài, ít có bà vợ nào bỏ công cực ra làm món nhắm cho ông chồng.

Nghe nói rằng nhà thơ Tản Ðà trước khi xơi còn đem để trên bàn thờ cúng trước, gọi là lễ “tam sinh” gồm một thủ lợn (đầu heo), một con gà, một con vịt, cả ba đều được luộc.

Xá vài ba cái, xong khệ nệ bưng xuống, dùng dao thẻo một miếng, chấm muối, đưa vô mồm, chiêu một hớp rượu đế. Nhẩn nha cả hai tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng ‘chơi’ thêm một miếng xôi. No và say… rồi đi ngủ ‘giấc mộng con’.

Tản Ðà từng phán “Nghệ thuật ăn khó hơn nghệ thuật viết văn”. Biết thưởng thức các món nhắm do tự tay mình làm, cái thú ấy không kém gì cái thú làm xong một bài văn hay, đọc có người biết nghe, biết thưởng thức. Có món ngon mà không có người biết ăn cùng ăn cũng bực mình như có bài văn hay đọc cho người không biết nghe văn.

“Ðồ ăn ngon/chỗ ngồi ăn không ngon/người ngồi ăn không ngon/không ngon! Ðồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon/người ngồi ăn không ngon/không ngon! Ðồ ăn ngon/người ngồi ăn ngon/chỗ ngồi ăn không ngon/không ngon!”.

Ðối với Tản Ðà, ăn thiếu một lát chanh hay trái ớt cũng như một câu thơ gieo vần trật lất. Chỉ vì đòi hỏi quá nên nhà thơ lừng danh nầy đành nhậu có một mình hè. Vì không ai dám cùng ông đối ẩm? Duy còn sót có ông Bùi Giáng (chăn dê) trong “Ði vào cõi thơ”: dám chê thơ Tản Ðà “không có gì đặc sắc”, song lại muốn Tản Ðà sống lại để ‘nhậu một trận lu bù xích xác’!


Bảo Huân


o O o

Úc nó cũng đồng ý với nhà thơ Tản Ðà là: “Xực… cũng là nghệ thuật!”. Úc không nghĩ kiểu quân tử Tàu, “miếng ăn là miếng tồi tàn” bao giờ, nên mấy cái ‘show’ truyền hình về nấu ăn như ‘Master Chef’ có hàng triệu chị em mình đêm đêm hằng theo dõi.

Vì trong tứ khoái: Ăn đứng đầu gọi là đệ nhất khoái. Ăn nó làm ‘đã’ tất cả ngũ quan. Mùi thơm ngào ngạt làm ‘đã’ cái khứu giác, cái lỗ mũi con hà mã. Màu sắc như tranh Picasso làm ‘đã’ cái thị giác, hai con mắt liếc mỗi người một con. Rồi chua, chát, ngọt, bùi, cay đắng làm ‘đã’ cái vị giác, cái lưỡi dài thòng như lưỡi con kỳ nhông. Món ăn đưa vào miệng nhai sừn sựt hay giòn tan như ăn bánh phồng tôm nghe ‘đã’ cái thính giác, cái lỗ tai trâu. Ăn bánh xèo, chả giò hay gỏi cuốn bằng mười ngón tay như khỉ, ăn bốc, nó làm ‘đã’ cái xúc giác của con tê giác. (Mấy món nầy mà bày đặt chảnh, cho rằng ăn bốc không có văn minh, chỉ dùng muỗng nĩa cho giống Tây, là chưa biết nghệ thuật ăn)

o O o

Còn tui ăn khi đói quá, uống khi khát quá, nhậu khi buồn quá (và tui hay trốn ra ngoài ‘garage’ vì uống trong nhà sợ con vợ nó la).

Vốn là dân sinh trưởng ở miền Tây hoang dã, không phải là bên Texas Hoa Kỳ đâu nhe, mà miệt Lục Tỉnh quê mình, nên ăn uống đối với tui hổng có cái rườm rà, hoa lá cành gì hết ráo.

Hồi xưa lúc còn đi dạy, học trò hay mời thầy đi ăn đám giỗ, đám hỏi, đám cưới, đám thôi nôi, đám đầy tháng là tui quất láng, rất thiệt tình, mặc cho ai bị phá mồi, bực cả mình, vì lẽ là mấy em đã trổ cái tài nấu nướng cho mấy anh sướng cái mồm. Thì ngu sao mà ‘giả bộ’ ăn nhỏ nhẻ chớ?

Rồi khi mất nước, cả nước đói nhăn răng vì thiếu ăn; mà không phải chỉ mình tui, ai cũng vậy nên ăn cái gì cũng thấy ngon hết ráo. Ngẫm thương thân mình thì ít; thương hai thằng con nít của mình; lỡ sanh ra trong thời buổi nhiễu nhương đói rét nên lùn tẹt, mặt mày xanh chành như tàu lá chuối.

o O o

Hôm Chủ Nhựt, 13 tây, tháng Năm nè, ngày Từ Mẫu, hai thằng ‘cu’ dắt 4 đứa cháu nội, chở em yêu và tui, chiều hơi sụp tối, ra làng nướng Ðại Hàn, gần chợ Victoria để ăn BBQ, kiểu ‘Choi song Dong’ Hàn Quốc.

Sáu người lớn cộng thêm bốn đứa nhỏ. Gọi 4 phần, mỗi phần 119 đô. Tốn bộn xu đó chớ. Nhưng để em yêu vui một chút đi. Cả năm, đầu tắt mặt tối trong bếp, lo cho chồng, cho con, cho cháu, chỉ có một ngày Từ Mẫu mà so đo tính tới tính lui thì coi sao phải.

(Tui giành trả tiền nhưng hai đứa nhỏ nó hổng cho. Nên em yêu đề nghị thôi để sắp nhỏ trả; còn tiền của anh, em sẽ cất dùm cho. He he!)

Em Hàn Quốc có đôi mắt mơ huyền, bự bằng hai cọng chỉ, dắt cả nhà lên lầu nhỏ xíu chỉ đặt vừa hai cái bàn dài. Trên bàn, hai lò nướng vỉ than có hai cái máy hút (vì than cháy sẽ sinh ra khí ‘carbon dioxide’ rất độc) kẻo không, đang nhai nhóp nhép mà ngã lăn ra chết ngắc thì rất là phiền.

Thịt heo, bò, gà, trừu, nai, tôm, mực, sò. Thịt xắt mỏng, nướng vỉ, cuốn bằng rau hay bánh tráng, kẹp với kim chi, (bắp cải ngâm giấm ớt làm dưa) chấm với xì dầu, dầu mè, tương ớt hay muối!

Ngày Từ Mẫu! Phải chi Má tui còn sống đến ngày no đủ nầy, thấy đám cháu ‘xây lố cố’ hí hô, hí hố nầy chắc ‘bà cố’ cũng vui lây.

(Lại nhớ ngày xưa còn nhỏ bằng tụi nó bây giờ, Ba dắt cả nhà lên xích lô, chạy vô Chợ Lớn ăn cơm thố. Tui lóng ngóng sao đó làm rớt bể cái chén kiểu, nhà hàng bắt phải thường tiền. Nhưng thằng nhỏ không bị rầy la gì ráo! Ba nói lỡ bể thì thôi để nhà hàng lượm miểng chén, coi chừng đứt chưn con mình! Hu hu! Ba Má ơi!)

o O o

Nói nào ngay tui khoái ăn ở nhà hè. Vì đọc báo, lâu lâu tui thấy nhà hàng nầy, nhà hàng nọ để chuột bọ bò lung tung, khiêu vũ trong bếp, (bị ‘cáo sồ’ (council) nó phạt tới năm, bảy chục ngàn đô) làm tui hơi ơn ớn.

Mấy thằng bạn nhậu của tui không được may mắn có em yêu phục vụ cho chàng từ đầu tới đít như tui đành phải đi ăn nhà hàng nhiều hơn ăn ở nhà nên tụi nó có rất nhiều kinh nghiệm: Phòng ăn phải sáng sủa, không ruồi bay, gián bò. Nấu nướng hợp vệ sinh? Ly, chén, muỗng, đũa có sạch sẽ hay không?

Ðó chỉ là lý thuyết suông thôi hè. Thực tế trần trụi là: “Nè anh bồi! Có con sâu rọm trong dĩa ‘salad’ nè!” “Dạ xin lỗi! Tui không biết ông là người ăn chay trường!”

“Nè anh bồi! Tui không thể nào nuốt cho trôi cái món nầy đâu!”

“Xin đừng than phiền với tui! Tui cũng đâu có nuốt nó cho nổi hè!”

o O o

Thằng bạn nhậu của tui khi nghe bàn đến chuyện đi ăn tiệm, nó cũng góp vô một câu chuyện: “Tuần rồi tui được mấy thằng bạn có nhã ý mời đi ăn tối. Lúc chú bồi bàn đưa thực đơn để mình chọn, tui để ý trên túi áo của chú em có dắt một cái muỗng, (tiếng Bắc gọi là thìa). Trai hay gái đều có cái thìa trên miệng túi hết ráo! Cũng hơi là lạ đấy! Làm tui lại tăng thêm tính tò mò nên hỏi: “Nè chú em cái thìa trong túi áo của chú em để làm gì vậy?”

“À: ông chủ nhà hàng vừa nhờ chuyên gia khảo sát cho thấy khách ăn thường hay làm rớt thìa xuống sàn tới 73% hơn là làm rớt ly hay chén, đũa. Mỗi lần rớt thì bồi bàn phải chạy vào nhà bếp lấy ra cái khác rất mất thì giờ, tốn ngày công. Ðể tăng năng suất lao động, bớt tiền mướn thêm nhân công, nên ông chủ buộc mỗi đứa tui phải dắt một cái thìa ‘sơ cua’ để thay thế liền lập tức cho khách hàng.

“À ông chủ tính toán chi li quá hèn chi giàu cũng phải. Nhưng cùng lúc tui cũng thấy trên cái dây kéo quần của chú bồi bàn nào cũng có lủng lẳng một sợi dây? Còn mấy em gái bồi bàn lại không có?”

“À để bồi bàn đi ‘lấy nước trong người tui ra’, dùng sợi dây nầy để kéo ‘thằng tèo’ ra, khỏi mắc công rửa tay, tốn rất nhiều thời gian, tốn giờ công!”

“Nhưng kéo ra rồi, đi ‘lấy nước trong người tui ra” rồi, nếu không dùng tay, làm sao chú mầy nhét ‘nó’ trở vô?”

“Thưa mấy người khác thì thú thiệt là em không biết. Riêng em thì em cũng không dùng tay, mà em dùng cái thìa ạ!”



DXT – Melbourne



Nguồn _http://baotreonline.com/xuc-cung-la-nghe-thuat/