Không phải kỳ World Cup nào Italy cũng vô địch, nhưng cúp vàng của FIFA luôn trở về với đất nước hình chiếc ủng sau mỗi mùa bóng.


Bốn năm một lần, 32 đội bóng hay nhất hành tinh lại tranh tài trong kỳ World Cup với giấc mơ vô địch, chạm tay vào chiếc cúp vàng danh giá của FIFA có khắc tên Tổ quốc dưới đáy.


Cúp vô địch làm từ vàng 18 carat, cao 36,8 cm, nặng 6,1 kg, có trị giá ít nhất 20 triệu USD, theo USA Today. Ảnh: IG.

Tuy nhiên, không nhà vô địch nào có cơ hội sở hữu chiếc cúp vàng đắt giá này, mà thường chỉ có thể đưa về nước một bản sao.

Cúp vàng luôn trở lại với người Italy

Kết thúc mỗi mùa World Cup, bản gốc của cúp vô địch sẽ được gửi về xưởng đúc Bertoni, tại Paderno Dugnano, một ngôi làng nhỏ gần kinh đô thời trang Milan, Italy.
“Đó luôn là cảm giác đặc biệt khi chiếc cúp nguyên bản trở về, ngay cả khi chúng tôi nhìn thấy bản sao mỗi ngày”, theo Valentina Losa, giám đốc của Bertoni - công ty do ông cố của cô thành lập từ năm 1938.

Valentina bên cạnh chiếc cúp. Ảnh: Vanity Fair.
Pietro Brambilla, một trong tám người thợ của xưởng, cho biết: “Trong bốn năm đi khắp thế giới và tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cúp sẽ bị hư hại một chút, nhưng chúng tôi sẽ đưa nó trở lại hình dáng ban đầu”.
Brambilla không hứng thú với bóng đá nhưng có điều gì đó thay đổi khi anh thấy đội tuyển Italy nâng cao cúp vô địch vào mùa World Cup 2006.
"Tôi luôn rơi nước mắt khi cầm cúp trên tay. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Không nhiều người có thể tuyên bố họ từng chạm vào nó", Brambilla nói. Ảnh: Paolo Vezzoli.
Không chỉ trùng tu bản gốc, xưởng Bertoni cũng chịu trách nhiệm tạo ra một bản sao cúp vàng để đội tuyển vô địch giữ lại sau mỗi kỳ World Cup.
Bản sao được tạo ra như thế nào?

Đầu tiên, thợ xưởng phải tạo một khối đồng. Tiếp đó, họ đổ kim loại vào khuôn đúc với hình dáng và thiết kế theo bản gốc của cúp vàng. Những người thợ sẽ dùng máy mài để cúp có mặt nhẵn, loại bỏ bất kỳ chi tiết thừa nào.









Tiếp theo là một bước thủ công. Những người thợ phải dùng búa nhỏ và đục để điều chỉnh chi tiết trên cúp, đặc biệt là hai hình người đang nâng cả quả địa cầu.

Từng nét đều cần được tinh chỉnh thêm, thợ sẽ dùng máy hạng nặng để đánh bóng bề mặt. Ảnh: Sport and Business.

Cúp sau đó được chuyển tới phòng điện, tại đây những người thợ sẽ dùng sóng siêu âm để làm sạch bề mặt và nhúng bồn dung môi tẩy dầu. Những bước này đảm bảo cúp sáng bóng hơn. Sau đó, cúp được nhúng vào bồn mạ vàng trước khi thợ xưởng rửa lại bằng nước cất.

Đáy cúp được gắn thêm đá cẩm thạch màu xanh lá cây, trước khi những người thợ xịt véc-ni để tạo lớp bảo quản.










Họ sẽ sấy khô và lau sạch cúp một lần nước, rồi chuyển tới bộ phận kiểm tra thành phẩm lần cuối, để đảm bảo bản sao cúp vô địch sẵn sàng lên đường tới trận chung kết.
"Chúng tôi đánh giá bằng mắt nhìn. Một khi thấy chiếc cúp đã hoàn hảo, nó sẽ được gửi đi", theo Ahmed Ait Siti Abdelkader, người có nhiệm vụ xịt véc-ni cho cúp vàng suốt 10 năm.

Toàn bộ quá trình hoàn thiện bản sao cúp FIFA kéo dài khoảng ba tháng. Xưởng sản xuất này không chỉ làm cúp cho kỳ World Cup mà còn chịu trách nhiệm chế tác huy chương vàng và nhiều bản sao cúp khác cho những giải đấu như Champions League, Europa League hay Supercup của UEFA. Nhưng trước mỗi kỳ World Cup sẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất.
"World Cup là thứ gì đó khác", Ahmed nói thêm. "Chúng tôi làm ra rất nhiều cúp ở đây, cho giải đấu tại châu Phi, vùng Vịnh, châu Âu, Trung Mỹ... nhưng cúp vàng World Cup có ảnh hưởng đặc biệt, khác với tất cả những thứ khác".
Gần nửa thế kỷ của chiếc cúp vô địch

Thực tế, chiếc cúp vàng World Cup được trao cho các nhà vô địch ngày nay không phải phiên bản đầu tiên của FIFA.
Trong những kỳ World Cup đầu tiên từ 1928, FIFA sử dụng chiếc cúp đặt tên theo cựu Chủ tịch Jules Rimet, người đã công bố nó. Vào thời điểm ấy, đội bóng đầu tiên vô địch tới lần thứ ba sẽ có quyền rinh cúp thật về nước.
Cúp Rimet cuối cùng thuộc về Brazil tại Mexico World Cup 1970, sau trận chung kết lịch sử với tuyển Italy - từng hai lần chạm tay vào cúp vàng.
Huyền thoại bóng đá Pelé cầm cúp vô địch World Cup của Brazil, nó bị đánh cắp vào năm 1983 và biến mất mãi mãi. Ảnh: Pinterest.
Từ đó, FIFA quyết định tạo ra một chiếc cúp mới có “tuổi thọ” dài lâu hơn. Ngày 5/4/1971, cựu Chủ tịch FIFA Stanley Rous chỉ định một uỷ ban thường trực họp với những chuyên gia tại trụ sở Zurich. Cuộc họp đi tới quyết định tổ chức một cuộc thi quốc tế nhằm tìm kiếm thiết kế cúp vàng mới cho World Cup.
Chiếc cúp vàng được chọn là một thiết kế của nhà điêu khắc người Italy Silvio Gazzaniga (1921 - 2016), vượt qua 53 tác phẩm khác từ khắp nơi trên thế giới.

Nghệ sĩ Silvio hoàn thành tác phẩm với sự trợ giúp của Giorgio, ông cố của Valentina, chủ xưởng Bertoni. Ông Giorgio đã gợi ý thêm chi tiết quả địa cầu trên đỉnh cúp. Ảnh: Andrea Pagliarulo.
Trả lời Narratively năm 2014, ông Silvio tiết lộ về thông điệp trong thiết kế của mình. Chiếc cúp phải có bóng dáng con người - một người hùng, nhưng không đơn độc bởi toàn bộ giải đấu và mỗi trận đều có hai đội bóng, với ý chí chiến thắng mãnh liệt: “Năng lượng, thể lực, sức mạnh, tốc độ, thành tựu và chiến thắng. Nhà vô địch phải có những tố chất này để vượt qua mọi đối thủ khác”.
Nếu phải làm lại, Silvio cũng không muốn thay đổi bất kỳ chi tiết nào trên chiếc cúp.
“Chiếc cúp có hai cầu thủ đang giơ cao tay trong niềm vui chiến thắng. Hình ảnh ấy chứa đựng sự năng động, sức mạnh, tốc độ, tinh thần thể thao và nỗ lực tìm kiếm chính mình trên đỉnh vinh quang của thế giới. Cầu thủ chính là nhà thủ quân nâng cả thế giới trong hạnh phúc vỡ oà của chiến thắng. Bất cứ ai có thể vượt qua những khó khăn và tạo dựng uy tín đến vậy, sẽ trở thành một người khổng lồ vào phút giây vô địch, và phần thưởng của họ phải thể hiện tất cả những điều này”.
Đêm 15/7, những chân sút xuất sắc nhất của kỳ World Cup 2018 sẽ quy tụ tại sân vận động Luzhniki, Moskva để tranh tài. Giành chiến thắng 4-2 trước Croatia, Pháp đã trở thành cái tên được khắc trên cúp vàng FIFA.
Tương Lam
Theo nguoiduatin