Phụ nữ đi giày cao gót vốn để... nam tính hơn



Khi lần đầu tiên một người phụ nữ cho chân vào giày cao gót, cô ấy không định trở nên nữ tính, hấp dẫn hay quyến rũ hơn. Mà hoàn toàn ngược lại. Vào thế kỷ 17 ở Bắc Âu, chỉ có đàn ông mới đi giày cao gót. Vì vậy, khi những người phụ nữ đầu tiên xỏ chân vào giày cao gót là do họ thực sự muốn trở nên… nam tính.



Hidden Content
Thuở ban đầu, giày cao gót vốn là sản phẩm đặc trưng của nam giới.
Ảnh: Reuters/Toby Melvill


Elizabeth Semmelhack, Giám đốc bảo tàng Bata Shoe ở Toronto (Canada), đã phô bày lịch sử giày cao gót sau khi tổ chức triển lãm xung quanh tục bó chân ở Trung Quốc và nhận ra rằng nhiều du khách bị thu hút bởi những đôi chân dị dạng, mà lại thờ ơ với việc phụ nữ đã đi giày như thế nào.


Semmelhack đã lần theo dấu vết của những đôi giày cao gót và khám phá rằng, chúng được sử dụng từ thế kỷ thứ 10, bởi những người lính Ba Tư. Họ sử dụng khi cưỡi ngựa, gót chân cao giúp họ nhảy lên lưng ngựa dễ dàng. Những người đàn ông ở Anh và Hà Lan trở nên quen thuộc với giày cao gót vào giữa thế kỷ 16, khi họ buôn bán hàng dệt với quốc gia khi đó đã trở thành đế quốc Iran và do đó cũng dễ dàng gặp phải thổ phỉ. Vào thế kỷ 17, những người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc châu Âu cũng bắt đầu đi giày cao gót.


Hidden Content
Ảnh: Wikipedia

Semmelhack nói: Một số phụ nữ khi ấy sẵn sàng mạo hiểm mượn những nét đặc trưng của đồ nam giới. Họ bắt đầu đội mũ với những chùm lông lớn, yếm (đồ trang trí ở phía trước áo của phụ nữ) trông như áo chẽn đàn ông. Khoảng năm 1620, một số thậm chí còn bị cáo buộc mang theo vũ khí khi mặc đồ mang hơi hướng nam tính rõ rệt. “Đó chính là thời trang táo bạo”, Semmelhack nói. Nhưng tất nhiên, họ cũng có thể phải đối mặt với sự chế giễu. “Không có lúc nào phụ nữ không bị chỉ trích vì những gì họ mặc, điều này cũng không ngoại lệ.”
Dù có những khoảng thời gian cả nam và nữ ở châu Âu đều đi giày cao gót, nhưng đến cuối thế kỷ 17, Thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment) đã chấm dứt thời trang “bán nam bán nữ”, hay “bisexual” thời kỳ đó. Triết lý này nhấn mạnh tính hợp lý và thực tiễn. Nhưng chỉ dành cho nam. Còn phụ nữ bị xem là cảm xúc, nghịch lý và khác biệt với đàn ông. Dưới ảnh hưởng của tư duy “khai sáng”, giới tính, chứ không phải tầng lớp, trở thành công cụ chính để phân chia xã hội.


Hidden Content
Tranh “The Swing” (1767) của Jean-Honoré Fragonard phô bày quần áo đặc trưng của nam và nữ giới thế kỷ 18. Và đây cũng là một bức tranh cực kỳ khiêu khích xét trong bối cảnh lúc ấy.

Semmelhack cho biết: Đây được xem là bước ngoặt, bởi sự khác biệt giữa con người không dựa trên những điều họ có khi chào đời, mà là giới tính. Đàn ông được xem là tạo vật hợp lý, phụ nữ là “nghịch lý/phi lý”, và thời trang trở thành cách thể hiện những khác biệt này.

Đặc biệt, những người đàn ông quý tộc đã ngừng mặc đồ phức tạp để biểu thị đẳng cấp, mà mặc những đồ đơn giản hơn, thuần sắc hơn, gần như đồng nhất giữa các tầng lớp kinh tế. Họ cũng đi những đôi giày đế thấp, phẳng, và khai tử giày cao gót.

Đặc trưng của triết học thời kỳ này là tách phụ nữ khỏi đàn ông. Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học người Thụy Sĩ-Pháp thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789, đã viết nên những cuốn tiểu thuyết theo dòng trào lưu văn học lãng mạn, đề cao tình mẹ, và tin rằng vai trò của phụ nữ chỉ nên tập trung chủ yếu trong gia đình. Thời kỳ đó, cánh mày râu tiếp tục bình luận về bản chất “phù phiếm phi lý” của phụ nữ.

Giày cao gót cũng trở nên thiếu thực tế khi người ta không còn mặn mà với chuyện cưỡi ngựa. Do đó, nó cũng bị gắn với hình ảnh nữ tính – sự phù phiếm và phi lý. Vào thế kỷ 19, ở châu Âu, giày cao gót là “đồ đàn bà không thể chấp nhận được”. Tư tưởng này từ châu Âu lan ra khắp thế giới và kéo dài cho đến tận ngày nay.


Hidden Content

Ngày nay, giày cao gót vẫn là biểu tượng của phái nữ. Nhưng người ta cũng đặt câu hỏi: Có thực sự cần thiết đến mức độ phải “nghiến răng nghiến lợi” đi vừa đôi giày để trở thành công chúa, như những bà chị kế của Cô nàng Lọ Lem hay không, khi nếu nhìn vào lịch sử, giày cao gót là thứ đàn ông vứt đi và phụ nữ nhặt lại?

Mặc dù giày cao gót hôm nay vẫn bị xem là “đồ đàn bà”, nhưng nó cũng chỉ là đồ vật. Mà đồ vật có ý nghĩa gì thì đó là do con người cả. Thế nên, khi nào triết lý thay đổi, thì lúc đó, giày cao gót lại có thể trở thành thứ nam tính hay phi giới tính. Đơn giản vậy thôi.


Lục KiếmTheo Quartz
songmoi