Sau biển Đông, mục tiêu kế tiếp của Trung Quốc sẽ là Mekong



Bên kia là biển Đông, bên này là sông Mekong, chỉ cần kiểm soát hai khu vực trọng yếu đó là Trung Quốc đủ nắm quyền sinh sát cả lục địa Đông Nam Á, chuyên gia nghiên cứu Elliot Brennan ví lục địa này như “lát thịt nguội” kẹp giữa ổ bánh mì.

Kế hoạch xây dựng những hòn đảo ở khu vực biển Đông của Bắc Kinh và chế độ quân sự hóa của họ tại những hòn đảo này, đã gần đến giai đoạn hoàn tất với sự trang bị của hệ thống tên lửa không đối không (air-to-air missile) hay gọi tắt là AAM. Trung Quốc đã có đủ thế lực để nắm quyền kiểm soát một trong những mạch giao thông chính của toàn bộ khu vực Đông Nam Á nói riêng và tuyến vận tải huyết mạch của thế giới nói chung. Hành động này là sự nhạo báng lên toàn bộ luật quốc tế.

Thế nhưng, trong khi mọi mối quan tâm đang đổ dồn về biển Đông, hầu hết chúng ta đều không để ý một yếu tố quan trọng khác mà Bắc Kinh vốn đã đưa vào tầm ngắm từ rất lâu, đó là sông Mekong. Con sông Mekong khổng lồ chảy dài từ thượng nguồn tại tỉnh lan Thương (Lancang) của Trung Quốc, nối liền xuống Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, vốn là huyết mạch có yếu tố sống còn cho 60 triệu dân sinh sống ven sông.

Bên kia là biển Đông, bên này là sông Mekong, chỉ cần kiểm soát hai khu vực trọng yếu đó là Trung Quốc đủ nắm quyền sinh sát cả lục địa Đông Nam Á, mà chuyên gia nghiên cứu của Viện Lowy, Elliot Brennan ví lục địa này như “lát thịt nguội” kẹp giữa ổ bánh mì.



Thiệt hại sẽ thuộc về ai?

Các đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong để kiểm soát toàn bộ dòng chảy của con sông này, sẽ là mắc xích quan trọng nhất trong việc kiểm soát việc tiếp cận nguồn lương thực của hàng chục triệu người tại các cộng đồng ven sông.

Trong số các đập thủy điện trên sông Mekong, những đập với công suất lớn nhất hiện tại được đặt ở Trung Quốc, chiếm hơn 15.000 Megawatts (MW). Có thể hiểu là Trung Quốc nắm giữ hơn nửa tá đập thủy điện quy mô lớn trên 1000 MW, bao gồm cả đập Nọa Trát Độ (Nuozhadu) thuộc tỉnh Vân Nam, có công suất tận 5850 MW.

Nếu các đập thủy điện này cùng hợp sức với nhau, chúng có thể giữ lại 23 tỷ mét khối nước, tức là khoảng 27% lưu lượng hàng năm giữa Trung Quốc và Thái lan. Những con đập khác ở hạ lưu sông Mekong đang phải cạnh tranh để sản xuất ra khoảng hàng chục hoặc hàng trăm MW.



Nói tóm lại, Trung Quốc hiện tại đã có thể kiểm soát dòng chảy sông Mekong, đặc biệt là vào mùa khô, khi cao nguyên Tây Tạng đóng góp cho lưu lượng sông khoảng từ 40-70%. Sự tác động đến việc tiếp cận nguồn lương thực và sinh kế của người dân ven sông bị đặt ở mức độ rủi ro cao. Thậm chí là tình hình còn có thể tệ hơn khi đề xuất xây dựng 11 con đập khổng lồ được thông qua, với hơn phân nửa số đó là do Trung Quốc chống lưng.

Một phúc trình mới nhất được thực hiện dưới sự phối hợp của UNESCO và Học viện môi trường Stockholm đã chỉ ra việc dòng chảy trầm tích trên sông có thể giảm tới 94% nếu đề xuất xây dựng các con đập khổng lồ này được thông qua. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt cá, chất lượng của con sông và đời sống của hàng chục triệu con người.

Khủng khiếp hơn là các chuyên gia đã phát hiện ra những lời hứa hẹn việc tăng sản lượng điện, giúp kích cầu nền kinh tế ở các khu vực hạ lưu sông Mekong khi xây dựng các con đập này, thực sự chỉ là những lời dối trá không hơn. Bởi vì phần lớn nang lượng điện được sản xuất sẽ truyền thẳng về Trung Quốc, trong khi đó, các nước còn lại trong khu vực phải gánh chịu hậu quả tiêu cực.

Những con đập như những con cờ domino

Trong chuyến đi gần đây ở Lào, tác giả Brennan mỗi lúc một thêm lo ngại về những con đập Trung Quốc sẽ được sử dụng làm vũ khí chiến lược, kiểm soát các dòng nước thượng nguồn. Việc này sẽ không chỉ tác động đến cộng đồng cư dân sinh sống ven sông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những con đập khác ở hạ lưu con sông.

Giả sử các con đập Trung Quốc quyết định xả nước không hề báo trước, hiệu ứng domino sẽ buộc các đập ở hạ lưu xả nước ngay lập tức qua đập tràn, gây lũ quét trên diện rộng.

Đã có không ít những đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong không hề nhận được thông báo gì về hoạt động ở những đập thượng nguồn, đặc biệt là khi các đập thượng nguồn mở cửa xả nước, tạo ra những đợt lũ lụt tràn xuống các khu vực hạ nguồn. Một trong những nhà khai thác điện của một tập đoàn liên doanh tại Lào đã chia sẻ việc họ có rất ít, hoặc thậm chí là không có một thông tin gì để báo trước việc một trong những con đập ở thượng nguồn Trung Quốc mở cửa xả nước.

Rất nhiều con đập ở khu vực Đông Nam Á thuộc sở hữu hoặc có sự hỗ trợ từ các công ty châu Âu, điều này có thể làm cho tình hình càng thêm rắc rối nếu sự cố xảy ra.



Việc xả nước ở thượng nguồn không hề được lên lịch hay thông báo gì từ các đập nước thuộc sở hữu của Trung Quốc, có thể được sử dụng làm mục tiêu cho các cuộc biểu tình công khai của người dân chống lại các công ty mẹ thuộc khu vực hạ lưu. Điều này biến hệ thống các con đập trên sông Mekong trở thành những con cờ domino, trong đó, con cờ đổ đầu tiên sẽ là từ Trung Quốc.

Những con đập mà không chứa nước, hoặc không chứa đủ lượng nước cần thiết cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, vì chúng không cung cấp củ nguồn điện cần thiết. Chính vì vậy, khi các con đập ở khu vực thượng nguồn tại Trung Quốc nắm quyền sinh sát lưu lượng sông sẽ làm cho dòng chảy trở nên bất thường và khó kiểm soát hơn bao giờ hết.

Một trong những nước chịu tổn thất nặng từ việc này đó là Việt Nam, khi khu vực Mekong Delta chiếm 40% sản lượng lương thực sản xuất trong nước.

Kiểm soát lưu lượng sông chưa đủ, Trung Quốc còn muốn ‘thay trời làm mưa’

Một trong những chứng cứ cho sự kiểm soát của Trung Quốc lên hệ thống sông Mekong, đó là dự án mưa nhân tạo được biết đến với tên gọi ‘Thiên Hà’. Tóm tắt mục đích của dự án này là gieo mây và tạo mưa tại các vùng khô hạn ở khu vực cao nguyên Tây Tạng, làm tăng lượng mưa thêm 10 tỷ mét khối, tương đương với 7% lượng nước tiêu thụ hiện tại của Trung Quốc.

Kiểm soát thời tiết, kiểm soát lượng mưa ở Trung Quốc là bước tiếp theo trong việc kiểm soát lưu lượng nước chảy về các nước khác trong khu vực. Điều đáng sợ là trình độ quản lý môi trường của Trung Quốc quá khủng khiếp đến mức cả thế giới đều biết, với 70% sông hồ ở Trung Quốc bị ô nhiễm nặng, vậy thì hi vọng nào dành cho các nước lân cận khi Trung Quốc muốn ‘thay trời làm mưa’?

Nạo vét lòng sông Mekong để tạo tuyến lưu thông mới

Kiểm soát lưu lượng, thay trời làm mưa và cả việc tạo dòng mới cho sông Mekong mới thực sự là bộ ba trong kế hoạch của Trung Quốc.
Trung Quốc đang cho tiến hành các dự án phá nổ các bãi đất đá, và nạo vét lòng sông Mekong để hình thành nên tuyến giao thông mới đi xuyên qua khu vực trung tâm của lục địa Đông Nam Á, hướng thẳng đến Lào. Hành động này của Trung Quốc phải trả bằng cái giá rất đắt bằng tổn thất về môi trường và xã hội của nền kinh tế các nước Đông Nam Á.

Thấy được điều này nên Thái Lan hiện tại vẫn chưa cho phép Trung Quốc thực hiện mưu đồ tại sông Mekong trên phần đất của mình.
Thế nhưng các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, liệu sẽ có động thái gì để phản ứng lại hay sẽ ngồi yên để chịu tổn thất?


Nguồn: SBS / Minh Phuong (đăng ngày 13/6/2018)