kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương và Nghệ Thuật Độc Tấu Tây Ban Cầm tại Miền Nam truớc 1975

  1. #1
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,946
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương và Nghệ Thuật Độc Tấu Tây Ban Cầm tại Miền Nam truớc 1975




    Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương và Nghệ Thuật Độc Tấu Tây Ban Cầm tại Miền Nam truớc 1975




    Quá trình nghệ thuật

    Đỗ Đình Phương khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của mình bằng cách... mê bài “Leyenda”, do I. Albeniz đánh từ hồi anh còn rất nhỏ. Do mê bài này mà anh đã xin bố cho học đàn guitar, phần lớn là tự học từ những sách nhạc gửi mua từ Âu Châu. Sau đó anh đã đậu vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Anh là người đầu tiên tốt nghiệp môn guitar cổ điển của trường. Sau đó anh được bổ đi dạy guitar ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, một ông thầy nhạc trẻ măng mới có 20 tuổi.




    Hai năm sau, anh trở về Sài Gòn dậy guitar tại trường cũ. Suốt thời gian ở Việt Nam trước năm 1975, anh là nhạc sĩ guitar hiếm hoi soạn hòa âm cho những ca khúc lãng mạn Việt Nam theo lối cổ điển, để rồi nổi tiếng qua những buổi trình tấu khắp nơi. Anh cũng đã thực hiện một “tour” trình diễn guitar cổ điển ở đảo quốc Phi Luật Tân và được tán thưởng nhiệt liệt.





    Qua Mỹ, anh đi làm tư chức cho đến lúc nghỉ hưu và hiện nay dành toàn thì giờ cho việc dạy đàn guitar, cũng như tập dượt ngày 5, 6 tiếng, không thua gì lúc anh còn trẻ.



    Đỗ Đình Phương cho ra mắt đĩa guitar đầu tiên Đĩa số 1 ở hải ngoại vào ngày 26-7-2006, cũng trong một buổi trình tấu Tây Ban Cầm trang trọng. Đĩa nhạc được hưởng ứng nhiệt liệt.




    Để khỏi phụ lòng của rất nhiều thính giả yêu nhạc guitar, Đỗ Đình Phương đã miệt mài tập dượt những tác phẩm cổ điển Tây phương và tân nhạc Việt Nam, để có được

    Đĩa số 2
    , ra mắt ngày 17-6-2007.



    Đĩa số 3 ra mắt ngày 9-8-2008.


    Nội dung 2 CD mới

    Và ngày 30-10 tới đây là vol 4 và 5. Như vậy, mỗi năm nhạc sĩ đã cho ra đời một CD guitar, chứng tỏ sức làm việc bền bỉ và lòng đam mê nghệ thuật vô bờ.

    Theo lời Đỗ Đình Phương, Đĩa số 4 với tựa đề “Vietnamese and Spanish Guitar Classics”, sẽ gồm phần lớn là nhạc Việt, soạn cho guitar từ những nhạc phẩm đã đi vào lòng người nhiều thập niên qua của các tác giả Vũ Thành, Cung Tiến, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Đức Nghiêm, như Ngày Đó Chúng Mình, Nguyệt Cầm, Gọi Người Yêu Dấu...



    Vũ Thành làm và soạn bài Thỉnh Nhập Vũ Điệu, Thụy Khúc; Ngô Thụy Miên với bài Riêng Một Góc Trời, Võ Tá Hân soạn cho guitar.

    Nhạc sĩ Võ Tá Hân đã viết hòa âm cho nhạc phẩm Ngày Đó Chúng Mình, Vũ Thành viết một khúc guitar “original”, phần còn lại Đỗ Đình Phương đã tự viết hòa âm. Đặc biệt thể theo lời yêu cầu của một số đông khán thính giả yêu nhạc Việt, Đỗ Đình Phương đã để một số tác phẩm ông soạn lên website của ông.

    Đĩa số 5, được coi như tác phẩm trình tấu “để đời” của anh, gồm đa số những bài ngoại quốc, flamenco, là những bài anh thích nhất,một vài bài đã được “remastered” và gồm vào đĩa cho đủ bộ.


    Tâm tình

    Trước đây Đỗ Đình Phương trình diễn với tích cách chuyên nghiệp, giống như những danh cầm ngoại quốc khác, tức là chỉ xách cây đàn ra đàn rồi đi vô mà không nói một lời. Nhưng lần này, khán giả sẽ được “đãi” một buổi “tâm tình”, theo lời nhạc sĩ. Đỗ Đình Phương nhắn là xin khán giả sửa soạn sẵn những câu hỏi, anh sẽ trả lời hết, từ việc học nhạc, học đàn, chơi đàn, mê đàn cho tới chuyện... đời tư.




    Anh cho biết càng ngày lòng say mê âm nhạc của anh càng chỉ có tăng chứ không hề giảm. Khác với một số nghệ sĩ khác khi đến tuổi này (thất thập cổ lai hy) thì không còn sức để tập luyện, Đỗ Đình Phương vẫn có thể tập guitar 5, 6 tiếng một ngày, có khi đánh cho đến 4, 5 giờ sáng mới giật mình nhớ ra là đã khuya. Những giờ còn lại trong ngày, anh mê cây cảnh, suối nước và cá koi nên lo săn sóc chúng không biết mệt. Thành phố vừa cho nhà anh giải thưởng vì có ngôi vườn quá đẹp, chăm sóc quá cẩn thận.

    Đỗ Đình Phương cho biết sắc mầu cây cảnh và nước, cá cũng lung linh đầy quyến rũ như sắc mầu âm nhạc mà anh đã yêu thích qua cây đàn guitar đã 50 năm qua. Anh đã áp dụng những gì tinh túy nhất của nhạc guitar classic vào việc soạn hòa âm cho những ca khúc Việt Nam, biến chúng thành những viên ngọc quý trong vườn hoa âm nhạc guitar thế giới.

    Với những tâm tình của một nghệ sĩ đích thực, buổi trình tấu guitar ngày 30 tháng 10 sắp tới sẽ là một buổi sinh hoạt đầy hứng thú và nghệ thuật, bỏ qua rất uổng. Xin vào trang nhà Đỗ Đình Phương www.dodinhphuong.com để biết thêm chi tiết.


    Nguồn: Viễn Đông

    mít reorganized bài lại một chút để thêm 5 tấm hình CDs của mít.

  2. Thanks Hoàng Na, tu kien, N/A, nhatrang1 thanked for this post
  3. #2
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,946
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default


    Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương - "Đệ nhất cầm thủ guitar" của Đông Nam Á





    http://k003.kiwi6.com/hotlink/903b4flqk5/RFA_MacLam_DoDinhPhuong.mp3


    "Đệ nhất cầm thủ guitar" của Đông Nam Á

    Sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam. Thân phụ Đỗ Đình Phương là một nhạc sĩ và cũng là nhạc trưởng cho vài ban nhạc tài tử ở Hà Nội. Đỗ Đình Phương theo học tây ban cầm tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn và khi ra trường lại dạy âm nhạc tại đây cho đến tháng 4, 1975. Trong thời gian ở Sài Gòn, ông đã trình diễn ở các đài truyền thanh, truyền hình, cùng nhiều trung tâm văn hóa như Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Trung Tâm Văn Hóa Đức, Hội Việt Mỹ.

    Năm 1966, ông được dịp qua Phi Luật Tân trong chương trình trao đổi văn hóa và đã lưu diễn nhiều thành phố trong vòng 3 tháng. Lúc ấy, Đỗ Đình Phương được gọi là "Đệ nhất cầm thủ guitar" của Đông Nam Á.

    Danh cầm Đỗ Đình Phương kể lại quãng đời theo học và trình diễn của ông như sau:

    -Hồi tôi mới học, tại vì có một cái guitar do ông bố để lại, năm đó tôi khoảng 14 hay 15 tuổi gì đó. Ông già cũng là nhạc trưởng tức cũng chơi nhiều nhạc cụ khác nhau, để lại cái guitar tôi nghe trên radio họ phát thanh tôi thấy quá hay nên tự học mấy năm trời rồi tôi tự học. sau đó xin vào trường âm nhạc học ba năm. Năm 60 tôi là người dầu tiên đỗ thủ khoa ra trường về môn guitar.

    Sau khi tốt nghiệp ra trường tôi dạy tại trường tư thục âm nhạc và gần như tôi sống về nghề nhạc luôn. Trong lúc dạy tôi cũng trình diễn nữa tại các trung tâm văn hóa. Có thể nói tôi là người đầu tiên trình diễn recital có nghĩa là độc tấu mỗi chương trình từ 1 tiếng rưỡi đến hai tiếng.

    Được biết ông là một danh cầm bậc nhất Đông Nam Á trong thập niên 60, Chính phủ Philippines đã chính thức mời ông sang Manila nằm trong chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nứơc. Trong lần đi này có rất nhiều kỷ niệm đối với ông khi ấy chỉ là một cậu thanh niên ngoài 20 tuổi nhưng tiếng đàn đã sớm chinh phục lòng người dân Phi.

    Văn hóa Philippines bị ảnh hưởng rõ rệt chất Nam Mỹ, nơi tiếng đàn Tây ban cầm classic hay flamenco đã đi sâu vào tâm hồn của người dân tại đây, nhạc sĩ Đỗ Đình Phương kể lại chuyến đi thú vị này:

    -Đây là chương trình trao đổi văn hóa chính phủ Việt nam gửi tôi đi không có phái đaòn nào chỉ có mỗi mình tôi đơn thân độc mã đi Philippines. Trong chuyến đi này tôi trình diễn ở nhiều đảo Manila, Pacolop, Iloilo…trình diễn tại các đại học cũng như các discotheque hay lên TV …khán giả rất là hâm mộ, nói thì hơi quá nhưng họ cho tôi danh hiệu danh cầm thủ nổi tiếng Đông Nam Á…

    Buổi trình diễn kỷ niệm 50 năm âm nhạc tại California

    Được biết mới đây ông có trình diễn một chương trình độc tấu Tây ban cầm kỷ niệm 50 năm âm nhạc của ông tại California, ông có thể cho thính giả đang nghe đài biết diễn tiến một phần nào buổi trình diễn này hay không?

    -Buổi trình diễn này là buổi trình diễn rất đặc biệt của một chương trình Guitar recital mà tôi đã chuẩn bị trong vòng hai năm. Và thể theo yêu cầu của đa số khác giả thì chương trình này gồm nhiều nhạc phẩm Việt Nam mà tôi soạn cho đàn guitar. Chỉ có ít nhạc tây phương thôi, và để kỷ niệm nửa thế kỷ trong nghề của tôi..

    -Buổi trình diễn này là buổi trình diễn rất đặc biệt của một chương trình Guitar recital mà tôi đã chuẩn bị trong vòng hai năm. Và thể theo yêu cầu của đa số khác giả thì chương trình này gồm nhiều nhạc phẩm Việt Nam mà tôi soạn cho đàn guitar. Chỉ có ít nhạc tây phương thôi, và để kỷ niệm nửa thế kỷ trong nghề của tôi..

    Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương đã soạn riêng cho tây ban cầm nhạc phẩm Nguyệt Cầm của Cung Tiếng. Thưa nhạc sĩ ông có thể cho biết tại sao ông chọn Nguyệt Cầm để trình diễn có phải vì giai điệu khá tây phương của nó hay còn một ý nghĩa nào khác?

    -Đây là bản nhạc nó có sắc thái rất độc đáo và nhiều màu sắc thành ra tôi mới cố gắng để soạn bài này. Tôi soạn bài này theo lối nhạc cổ điển tây phương và có lồng vào một chút âm hưởng ngũ cung để cho nó hợp với khán giả Việt Nam. Đồng thời tôi dùng kỹ thuật reo giây 6 note để bản nhạc nghe nó dìu dặt và uyển chuyển hơn, Bản này thật đặc biệt nên tôi bỏ ra rất nhiều công lao để soạn bài này và khác giả cũng rất tán thưởng. Cái bài này Cung Tiến cũng là bạn thân của ông anh ruột tôi là tác giả bài này. Anh ấy dựa theo một câu ngắn của đàn vĩ cầm của nhạc sĩ Beethoven. Bên cạnh đó chắc cũng được gợi hứng từ thơ Xuân Diệu thành ra ông ấy có viết mấy câu thơ của Xuân Diệu trên bản nhạc đó là

    Trăng nhập vào giây cung nguyệt lạnh
    Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
    Đàn buồn đàn chậm ôi đàn lặng
    Mỗi giọt rơi đàn như lệ ngân…


    -Nguyệt Cầm mang đậm chất tây phương bao nhiêu thì Diễm Xưa ngược lại thấm đẫm chất Huế bấy nhiêu. Đỗ Đình phương cho người nghe thưởng thức một giai điệu có thể nói là mượt mà và gợi nhớ đến những kỷ vật mà nhiều người đã đánh mất. Mưa rơi, gió bay, lá rụng và hoàng hôn trĩu xuống khiến người nghe nhạc của anh rạo rực nỗi nhớ nhà, nhớ nước đến nao lòng.

    Diễm xưa đã khắc được vết nhớ trong lòng lữ khách khi nghe người nhạc sĩ tài hoa này độc tấu trên chiếc đàn tây ban cầm nhỏ bé. Sáu sợi dây đồng khi réo rắt, lúc u uẩn và đôi khi dồn dập nỗi chờ mong…

    Có lẽ sự thành công nhất của nhạc sĩ Đỗ Đình Phương là đem cái thi vị nhẹ nhàng của nhạc tình Việt Nam lồng vào từng giai điệu của Flamenco hay Classic qua tiếng đàn tây ban cầm mà anh trau chuốt bao nhiêu năm qua.

    -Cái bài Diễm Xưa thì tôi cũng soạn lâu lắm rồi, cả đến mấy chục năm về trứơc. Lúc trứơc tôi không hài lòng vì âm điệu nó rất là đơn giản. Tôi suy nghĩ mãi và sau này rút tỉa những kinh nghiệm về tây ban cầm trong mấy chục năm qua thì tôi thấy có thể áp dụng cái kỹ thuật Ategio thì người nghe có thể mường tuợng rằng đang chờ đợi người yêu dưới một cơn mưa phùn và mưa bụi bay lất phất ở đâu đây khi nghe kỹ thuật đó. Tôi cũng dùng kỹ thuật Raquedo reo ba giây cùng một lúc diễn tả một cơn mưa nặng hột hơn. Đây là bản nhạc tình như là kỷ niệm của một người chờ đợi người yêu dưới mưa phùn…

    Có lẽ sự thành công nhất của nhạc sĩ Đỗ Đình Phương là đem cái thi vị nhẹ nhàng của nhạc tình Việt Nam lồng vào từng giai điệu của Flamenco hay Classic qua tiếng đàn tây ban cầm mà anh trau chuốt bao nhiêu năm qua.

    Trong khi dòng nhạc tây ban cầm trình tấu theo giai điệu tây phương sẽ mang đến cho người nghe chất xúc tác mãnh liệt của những cơn nóng bức vùng sa mạc, hay réo rắt âm hưởng của những làng mạc đậm chất du mục thì các note nhạc mà Đỗ Đình Phương mang vào tác phẩm Việt Nam lại lắng đọng hẳn lại trong trạng thái lãng mạn của một miền đất vừa buồn bã u hoài, vừa tĩnh lặng và đậm đặc nhớ nhung của những ai xa nó.

    Nguồn: RFA / Mặc Lâm


  4. #3
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,946
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default


    Danh thủ Guitar Đỗ Đình Phương




    http://k003.kiwi6.com/hotlink/77nk7no7hi/RFA_ThyNga_DanhThuDoDinhPhuong.mp3

    “Tuổi đá buồn” của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Đỗ đình Phương đang gửi đến quý thính giả và các bạn qua tiếng đàn guitar …

    Nhạc khúc này, qua diễn tả của Đỗ đình Phương đã làm sinh viên học sinh hồi đầu thập niên 1970 say mê, và khơi động dòng nhạc Guitar Cổ điển đã quyến rũ giới yêu nhạc người Việt từ lâu.

    Đỗ đình Phương sinh trưởng trong môi trường gia đình mà thân phụ là một nhạc trưởng. Năm 14 tuổi, với chiếc guitar cũ, Phương mò mẫm tự học đàn qua những đĩa nhạc. Ngoài ra, Phương còn xin người anh đặt mua sách từ Tây-ban-Nha, xuất xứ của môn đàn này, để tập luyện nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày.

    Trong câu chuyện với Thy Nga, nhạc sĩ Đỗ đình Phương kể: “Thời kỳ đó, rất hiếm mà có một bản nhạc viết cho độc tấu Guitar. Bọn tôi phải chép tay chứ ngày xưa đâu đã có máy để chụp? thành ra khổ lắm, chép tay nhiều khi mất mấy tiếng đồng hồ mới được một bài. Phải đam mê lắm thì mới học được.”

    Năm 1957, Đỗ đình Phương theo học trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn. Chương trình 4 năm nhưng chỉ sau 3 năm, anh đã tốt nghiệp Thủ khoa về Guitar Cổ điển, là người đầu tiên ra trường về môn này tại trường nhạc Sàigòn.

    Được mời đi dạy ở Huế, khi ấy mới 20 tuổi, Đỗ đình Phương là giáo sư nhạc trẻ nhất trường Âm nhạc và Mỹ thuật Huế.

    Trong khung cảnh mưa dầm ở Huế, anh đem nhạc bản “Tuổi đá buồn” của Trịnh Công Sơn ra soạn cho Guitar, không dè tạo cảm hứng cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ thời ấy, yêu mến cây đàn giây hơn nữa.

    Khúc nhạc “Tuổi đá buồn” do Đỗ đình Phương đàn, đã được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình “Mẹ Việt Nam” trên làn sóng phát thanh khắp miền Nam thời chiến tranh.

    Nhạc“Tuổi đá buồn” …

    Sau hai năm ở đất Thần Kinh, Đỗ đình Phương về dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn. Ngoài ra, ông mở những lớp Guitar tại nhà, và dạy tại trường tư thục âm nhạc Bach. Nhạc sĩ Ðỗ đình Phương cũng tham gia nhiều chương trình ca nhạc của đài phát thanh và đài truyền hình Sàigòn, đài Pháp Á, Hội Việt Mỹ, các trung tâm Văn hóa Pháp, Văn hóa Đức, dàn nhạc thính phòng của Vũ Thành.

    Danh tiếng đã khiến vào năm 1966, Đỗ đình Phương được mời sang Philippin, ông thuật lại

    “Đó là một chương trình của chính phủ, như để trao đổi văn hóa. Mình tôi thôi, đi qua bên đó trình diễn ở các trường đại học, các discotheque, … trên nhiều đảo trong ba tháng.”

    Nhạc sĩ Đỗ đình Phương cho hay tiếp là ông đã trình diễn rất nhiều nhạc bản tại thủ đô Manila và sau đó, qua các tỉnh Zamboanga, Bacolod trước khi xuất hiện trên các show truyền hình. Được báo chí Philippin gọi là “Đệ nhất cầm thủ Guitar của Á châu”.

    Nhạc“Bolero Flamenco” (Juan Serrano) …

    Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, Đỗ đình Phương qua Mỹ tỵ nạn, nơi trú ngụ đầu tiên là ở thủ đô Washington. Nơi đây, vào năm 76, Đỗ đình Phương được mời độc tấu tại Kennedy Center trong buổi trình diễn cho khoảng 600 sinh viên Nhật nghe.

    Nhạc “Fantasia Original” (Jose Vinas) …

    Hồi ấy, có đồn đãi là 2 tài danh Việt, nhạc sĩ Đỗ đình Phương và nghệ nhân Trịnh Bách, bảo hiểm bàn tay với giá một triệu mỹ kim! mà khi đó, mức lương tối thiểu ở Mỹ là hai đô mấy. Chuyện này thực hư ra sao? ông trả lời câu hỏi của Thy Nga như sau:

    “Họ đồn thế thôi. Tôi cũng chỉ nghe, và tôi cũng đâu có được gặp Trịnh Bách. Thì nghe nói là anh đó bảo hiểm chứ còn tôi thì đâu có gì, tiền đâu mà bảo hiểm? nghệ sĩ nghèo mà.”

    Sau đó thì Ðỗ Ðình Phương dọn đến Kansas City, dạy Guitar Cổ điển tại trường đại học ở thành phố này, và tham gia dàn nhạc giây của trường. Ông cũng có dịp trình diễn độc tấu tại trường Âm nhạc Kansas.

    Vì không chịu được lạnh, cuối năm 1978, ông cùng gia đình dọn sang Nam California. Nơi đây, số giờ được các trường đại học xếp cho dạy quá ít, không đủ sống, ông đành tìm việc tại một hãng bảo hiểm của tiểu bang. Từ đó, nhạc sĩ Đỗ đình Phương không còn trình diễn nữa tuy là vẫn dạy Guitar Cổ điển tại tư gia.

    “Vấn đề một phần là đời sống ở đây hơi chật vật. Mà thời gian tôi không trình diễn, tôi vẫn dợt đàn,vẫn giữ cái kỹ thuật, và tôi vẫn dạy nhạc.”

    Nhạc “Ngăn cách” (Y Vân) …

    Sau 28 năm lặng tiếng, tưởng đâu người nhạc sĩ này đã “gác đàn” thế nhưng vào cuối tháng 7 năm ngoái, đột nhiên có tin là Đỗ đình Phương “tái xuất giang hồ” với buổi trình tấu vào tối 29 tháng 7, 2006 tại Quận Cam, cũng là dịp ông trình làng cuốn CD đầu tiên. “Hạ trắng” (Trịnh Công Sơn) …

    Nghe tin, ký giả Trần Củng Sơn từng là nhạc sinh của ông hồi ở Saigon, tìm đến hỏi thăm. Trong câu chuyện, nhạc sĩ Đỗ đình Phương thổ lộ là “ không được đàn, không được có thính giả như thời còn ở Sàigòn … nỗi buồn suốt mấy chục năm trời. Nhận thấy mình đàn không được hay bằng thời trẻ, buồn kinh khủng!”

    Nhạc “Nostalgic Choro” (Agustin Barrios Mangore’) …

    Nay nghỉ hưu, ông tính đến chuyện ra trình diễn.

    “Khoảng hai năm nay, tôi rảnh hơn. Mà khi xuất hiện thì tôi coi vấn đề trình diễn rất là quan trọng. Tôi dợt rất kỹ, có khi 8 hay 9 giờ / một ngày. Dợt rất nhiều để trở lại với khán thính giả bởi vì một số đông học trò cũng muốn tôi trở lại, và anh em quen biết hồi xưa, các giáo sư hồi xưa tại trường Âm nhạc cũng khuyến khích, họ bảo là nên trở lại và ra CD.

    Thì đấy, tôi cũng cố gắng. Và như là cái máu âm nhạc trong người vẫn không thể bỏ được, thành ra vẫn đánh. Đàn thì gợi hứng lên, khán giả rất nhiệt tình, họ hưởng ứng rất nhiều.”

    Tình cảm nồng ấm và sự ủng hộ ấy đã khích lệ Đỗ đình Phương rất nhiều để ông tổ chức liên tiếp sau đó, các buổi trình tấu vào tối 28 tháng 10, 2006 tại Dallas; 17 tháng 6 năm nay tại Quận Cam, và chiều mùng 8 vừa qua là tại San Jose.

    Tháng 7 này, xem chừng như người nhạc sĩ ấy hoạt động mạnh. Trong dịp lên Bắc Cali trình tấu, Đỗ đình Phương cũng ra mắt cuốn CD thứ 2; và chiều 19 tháng 8 tới đây, ông sẽ tái ngộ đồng hương tại vùng Washington.

    Kế tiếp là các nơi nào khác, ông sẽ đến trình diễn? Nhạc sĩ Đỗ đình Phương nói

    “Có thể là ở mấy nơi nào có cộng đồng Việt Nam. Tôi đang liên lạc để có những người biết tổ chức và thích nhạc Guitar Cổ điển thì tôi sẽ đi. Tôi chỉ muốn phổ biến cái âm nhạc, và phổ biến giá trị cây đàn Guitar: một cây đàn nhỏ, mà như cái ban nhạc nhỏ, rất tiện, đem đi đâu cũng được, không cần sự đệm của nhạc cụ nào khác, tức là có thể đàn được 3 hay 4 bè / một lúc.

    Tôi muốn phổ biến vừa nhạc Cổ điển, vừa nhạc trữ tình của Việt Nam, và nhạc Flamenco cho nhiều người có ý thích khác nhau. Sau một thời gian trình diễn, cũng có nhiều khích lệ, tôi đã khuấy động lên như là một cái phong trào, tức là như ý muốn của tôi một phần, tôi hy vọng là các bạn trẻ tiếp tục thích tây-ban-cầm, và trở lại thành một phong trào sôi động hơn.” “Kiếp nào có yêu nhau” (Phạm Duy) …

    Trong tiếng đàn réo rắt của nhạc sĩ Đỗ đình Phương qua bài “Kiếp nào có yêu nhau”, Thy Nga xin kết thúc chương trình .. chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.

    Nguồn: RFA / Thy Nga

  5. Thanks nhatrang1 thanked for this post

Similar Threads

  1. Ban AVT – Đi Chợ Tết – Nhạc Vàng Trước 1975 .
    By hatat in forum Nhạc Sống - Live Music
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 01-19-2017, 10:43
  2. Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 10-02-2016, 17:28

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •