Ốc núi đá là một trong những đặc sản ngon, ít có ở vùng núi Sơn La. Sau những trận mưa tầm tã của ngày hè, bà con người Thái ở bản Co Pục (xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La) lại rủ nhau vào rừng tìm bắt những con ốc mình tròn, béo ngậy.

Ốc núi đá còn được gọi tên là ốc thuốc. Đây là loại ốc sinh sống ở các khe suối, hang đá trong những khu rừng ẩm ướt. Vào độ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, khi vùng trời Tây Bắc trút những cơn mưa tầm tã, mặt đất dậy lên mùi ngai ngái của lá khô, củi mục chính là thời điểm ốc núi đá xuất hiện nhiều nhất.
Bà con người Thái ở đây rất quý loại ốc này vì ngoài việc sử dụng làm thức ăn thì nó còn có tác dụng chữa một số chứng bệnh như lạnh bụng, nhức mỏi, đau khớp... Đặc biệt, ốc núi đá ăn các loại lá cây, quả và thảo dược trong rừng và chỉ xuất hiện vào mùa mưa, những tháng còn lại chúng lẩn trốn dưới những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.

Không giống những loại ốc suối, ốc biển thường phát triển theo bề dọc, có phần thân dài và nhọn; ốc núi đá lại phát triển theo chiều ngang với hình dạng hơi tròn, mình dẹp, phần miệng rộng có màu trắng đục.


Chị Quàng Thị Sơn (bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, TP.Sơn La) người thường xuyên đi tìm bắt ốc núi đá chia sẻ: "Loài ốc này ít khi xuất hiện, nó lại có màu nâu đen nên rất dễ nhầm thành các hòn đất nhỏ trong rừng. Để bắt được chúng, tôi phải đợi hôm nào trời mưa to, mặt đất ngấm nước mưa nhão nhoét, lúc ấy trời còn mát, ốc bò ra nhiều để ăn lá cây thì mới dễ bắt. Ngày nhiều thì được khoảng 5-6kg, ít thì vài kg thôi. Nhiều người trong bản tôi cũng tranh thủ những ngày mưa không lên nương rẫy được thì lại đi tìm ốc về ăn, hôm nào bắt được nhiều ăn không hết thì đem bán."
Cũng theo chị Sơn, loại ốc này ăn rất ngon, lại bổ dưỡng nên được nhiều người ưa thích và tìm mua. Mỗi kg ốc chị bán với giá từ 40.000-60.000 đồng. Mỗi ngày, chị Sơn cũng kiếm thêm được một chút tiền chi tiêu trong gia đình.
“Ngày trước ốc xuất hiện nhiều lắm, chỉ đi khoảng vài tiếng là có thể nhặt được cả chục cân. Nhưng bây giờ không hiểu sao lại ít dần đi. Nhiều người đặt hàng số lượng lớn để đem đi tiêu thụ ở các tỉnh khác nhưng tôi cũng đành chịu”, chị Sơn nói trong sự tiếc nuối.
Ốc Thuốc mang về được ngâm nước sạch cho nhả hết lá cây và đất bẩn, rồi được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Luộc, xào sả ớt, nấu canh, làm nộm…Nhưng ngon nhất có lẽ là món ốc luộc vì sẽ giữ được hết hương vị tự nhiên của ốc, đặc biệt là mùi đặc trưng của thuốc bắc thoang thoảng, rất dễ chịu.


Theo kinh nghiệm của bà con người Thái, thì phần đuôi ốc là có giá trị nhất, vì đây chính là “túi thuốc” có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Vì thế, khi ăn ốc núi đá thì nhất định phải ăn hết toàn bộ ruột ốc. Có vậy mới cảm nhận được vị giòn, ngọt, và mùi hương của cây cỏ hòa quyện lại nơi đầu lưỡi.

Ốc núi đá hấp chấm mắm gừng hấp dẫn nhiều thực khách.


Vào những chiều mưa dầm dề, khi xung quanh văng vẳng tiếng ếch nhái, côn trùng và mùi ngai ngái của lá khô, củi mục.. thì trong căn nhà sàn nhỏ, bên cạnh bếp lửa hồng, nhiều gia đình ở Chiềng Ngần lại quây quần bên nhau, cùng nhấp chén rượu nồng và mời nhau những miếng ốc thơm lừng, nóng hổi.


Theo Bích Hội (danviet.vn)