10 startup công nghệ “siêu kỳ lân” có giá trị nhất thế giới


Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như phong trào khởi nghiệp trên phạm vi toàn cầu, nhiều startup công nghệ siêu kỳ lân (có giá trị trên 10 tỷ USD) đã ra đời, có ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ với cộng đồng startup mà còn tác động đến thị trường công nghệ thế giới.








1. Uber


- Năm ra đời: 2009
- Ngành kinh doanh: Vận tải theo yêu cầu
- Giá trị: 69,9 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 1,3 tỷ USD (tháng 1/2018)
- Quốc gia: Mỹ



Thành lập tháng 3/2009, Công ty Uber có trụ sở tại thành phố San Francisco (California, Hoa Kỳ) cung cấp ứng dụng gọi taxi cho phép người dùng có thể kết nối với các chủ xe hơi là đối tác của Uber. Khách hàng có thể sử dụng các ứng dụng yêu cầu xe đón và theo dõi vị trí xe dành cho mình. Hơn thế, những chiếc xe mà Uber cung cấp rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.



Do mang đến người dùng loại dịch vụ có chi phí thấp hơn, nên Uber có nhiều lợi thế cạnh tranh so với dịch vụ taxi truyền thống, tạo xu hướng mới cho ngành dịch vụ vận tải công cộng ở nhiều thành phố trên thế giới. Nhờ đó, từ số tiền gây quỹ ban đầu 5,9 tỷ USD, Uber đã nhanh chóng vươn lên trở thành startup giá trị nhất thế giới.





Tuy nhiên, sau thời gian phát triển thần kỳ, Uber bắt đầu rơi vào khủng khoảng. Trước kết quả kinh doanh tồi tệ, CEO Travis Kalanick đã phải từ chức dưới sức ép của các nhà đầu tư. Dù vậy, do nhận được sự hậu thuẫn của nhiều tổ chức tài chính lớn, nên giới phân tích cho rằng Uber sẽ thoát khỏi khủng hoảng hiện tại. Đó là lý do hãng phân tích CB Insights vẫn xếp Uber đứng đầu danh sách startup giá trị nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.






2. Didi Chuxing

- Năm ra đời: 2012
- Ngành kinh doanh: Vận tải theo yêu cầu
- Giá trị: 56 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 4,6 tỷ USD (tháng 2/2018)
- Quốc gia: Trung Quốc




Tương tự Uber, Didi Chuxing là startup vận hành ứng dụng cùng tên kết nối giữa lái xe và người có nhu cầu di chuyển bằng xe hơi. Với hậu thuẫn mạnh mẽ ở thị trường tỷ dân, Didi Chuxing đã nhanh chóng vươn lên mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2017, vượt qua Xiaomi khi trở thành startup có giá trị lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Uber.



Tuy startup 4 năm tuổi này chỉ tập trung vào dịch vụ gọi xe ở Trung Quốc, nhưng Didi Chuxing đang tìm cơ hội mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đầu tư vào công nghệ xe tự lái cũng như trí thông minh nhân tạo. Mới đây nhất là vụ đầu tư vào Grab, đưa startup này trở thành startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á. Với chiến lược kinh doanh đầy tham vọng, giới phân tích cho rằng: Didi Chuxing sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của Uber, thậm chí cả Google.



Dù vậy, hiện tại, startup ứng dụng gọi xe hàng đầu Trung Quốc này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi mua lại Uber Trung Quốc. Hiện tại, Didi Chuxing kỳ vọng công nghệ xe tự lái có thể giúp họ vượt qua những thách thức trong tương lai.






3. Airbnb

- Năm ra đời: 2008
- Ngành kinh doanh: Thương mại điện tử
- Giá trị: 31 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 1 tỷ USD (tháng 3/2017)
- Quốc gia: Mỹ





Airbnb thành lập tháng 8/2008 với trụ sở chính tại San Francisco (California, Hoa Kỳ). Giống với mô hình hoạt động của Uber, Airbnb kết nối giữa những người tại địa phương có phòng trống trong nhà và khách du lịch có nhu cầu thuê phòng homestay. Vì thế, Airbnb được cho là “nơi họp chợ” dành cho những người muốn tìm khách thuê phòng hay thuê nguyên ngôi nhà của họ.



Là mô hình kinh doanh chia sẻ giống Uber, Airbnb không tốn quá nhiều tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Airbnb đã có mặt tại trên 33 nghìn thành phố ở 200 quốc gia. Airbnb được khách du lịch nước ngoài yêu thích đặc biệt bởi các bạn trẻ thuộc thế hệ lớn lên cùng Internet vì người dùng có thể kiếm được nơi nghỉ lưu trú ngắn hạn chất lượng cao có giá rẻ hơn khách sạn. Ngoài ra, Airbnb còn mang đến cơ hội để khách du lịch trao đổi văn hóa và có những trải nghiệm như người dân bản địa thực sự trong cùng ngôi nhà của họ.



Hiện tại, trào lưu tìm và cho thuê nơi ở thông qua ứng dụng Airbnb đang phát triển trên toàn cầu. Nhờ đó, từ số tiền gây quỹ ban đầu khoảng 1,8 tỷ USD, đến nay, Airbnb được định giá 31 tỷ USD.






4. Meituan-Dianping


- Năm ra đời: 2015
- Ngành kinh doanh: Thương mại điện tử
- Giá trị: 30 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 4 tỷ USD (tháng 10/2017)
- Quốc gia: Trung Quốc





Meituan-Dianping ra đời sau một trong những thương vụ sáp nhập lớn tại Trung Quốc, giữa hai startup Meituan và Dianping. Tháng 10/2017, Meituan-Dianping được rót vốn 4 tỷ USD từ nhiều nhà đầu tư, đưa công ty vào TOP 10 startup công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới. Hiện tại, startup này đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong với mức định giá 60 tỷ USD.



Sử dụng ứng dụng Meituan-Dianping trên thiết bị di động, người dùng có thể đặt mua thức ăn, thực phẩm và các dịch vụ massage, cắt tóc, sửa móng được phục vụ tại nhà riêng hoặc văn phòng. Đến nay, ứng dụng này có hơn 320 triệu người sử dụng và hơn 4 triệu nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.






5. SpaceX


- Năm ra đời: 2002
- Ngành kinh doanh: Công nghệ vũ trụ
- Giá trị: 24,7 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 214 triệu USD (tháng 4/2018)
- Quốc gia: Mỹ





Ra đời năm 2002, SpaceX hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển các phương tiện khám phá vũ trụ, lĩnh vực được xem như độc quyền của doanh nghiệp Chính phủ. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia vận chuyển trong không gian có trụ sở tại Hawthorne, California (Hoa Kỳ). SpaceX đã phát triển các tên lửa đẩy Falcon 1 và Falcon 9 với mục tiêu trở thành tên lửa có thể tái sử dụng. Hiện tại, SpaceX đang phát triển tàu không gian Dragon được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Falcon 9.


SpaceX thực hiện quá trình thiết kế, lắp ráp và vận hành thử các thành phần chính của tên lửa và tàu không gian, bao gồm động cơ tên lửa Merlin, Kestrel và động cơ Draco sử dụng trên tên lửa Falcon và tàu Dragon. Bên cạnh các hợp đồng của NASA, SpaceX cũng nhận được hợp đồng với các công ty tư nhân khác, cơ quan chính phủ ngoài Hoa Kỳ và quân đội Hoa Kỳ để thực hiện các đợt phóng thương mại.



SpaceX do Elon Musk sáng lập với số tiền góp vốn ban đầu 1,2 tỷ USD. Đến nay, giá trị thương hiệu của SpaceX đạt 24,7 tỷ USD. Startup này nhận được sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư Founders Fund, Draper Fisher Jurvetson, Google. Trong đó, Elon Musk đảm trách vai trò CEO của SpaceX






6. WeWork


- Năm ra đời: 2010
- Ngành kinh doanh: chia sẻ không gian làm việc
- Giá trị: 21,1 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 3 tỷ USD (tháng 8/2017)
- Quốc gia: Mỹ





7 năm trước, Adam Neumann đã đồng sáng lập WeWork, mô hình kinh doanh được đánh giá là “viển vông” ở thời điểm đó với ý tưởng thúc đẩy các nhân viên làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ không gian làm việc, cùng uống cà phê, thậm chí trao cho nhau các cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, ý tưởng ngỡ điên rồ này đã được người Mỹ đón nhận trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) bùng nổ.



Hiện tại, WeWork cho thuê các không gian văn phòng lớn, thiết kế chúng thành không gian thu hút hơn và cho thuê lại. Hiện tại, WeWork có hơn 50 nghìn thành viên, hoạt động tại 17 quốc gia với khoảng 100 địa điểm trên toàn cầu. Trung bình mỗi tháng, WeWork mở thêm 10 địa điểm mới ở ba châu lục. Tốc độ phát triển nhanh khiến WeWork phải đối diện với nhiều áp lực, nhất là trong việc đưa ra những quyết định.






7. Palantir


- Năm ra đời: 2004
- Ngành kinh doanh: Big data
- Giá trị: 20,5 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 20 triệu USD (tháng 11/2016)
- Quốc gia: Mỹ





Thành lập năm 2004, Palantir chuyên cung cấp phần mềm và các dịch vụ phân tích dữ liệu lớn (big data), nổi tiếng với hai sản phẩm Palantir Gotham và Palantir Metropolis. Trong đó, Palantir Gotham được các nhà phân tích chống khủng bố của cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, các nhà điều tra gian lận và các nhà phân tích không gian mạng sử dụng. Trong khi đó, Palantir Metropolis được các quỹ đầu cơ, ngân hàng và các dịch vụ tài chính doanh nghiệp tin dùng. Những khách hàng lớn nhất của họ chính là cơ quan chính chủ như CIA hay FBI.



Từ số tiền gây quỹ ban đầu khoảng 1,5 tỷ USD, giờ đây, giá trị thương hiệu của Palantir là 20 tỷ USD, với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư bao gồm Founders Fund, Tiger Global Management, Glynn Capital Management và Jeremy Stoppelman.






8. Toutiao


- Năm ra đời: 2012
- Ngành kinh doanh: Công nghệ AI
- Giá trị: 20 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 2 tỷ USD (tahngs 8/2017)
- Quốc gia: Trung Quốc





Được định giá 20 tỉ USD, Toutiao hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ tổng hợp tin tức này không chỉ xếp đầu mà còn là startup siêu kỳ lân (được định giá trên 10 tỷ USD) duy nhất năm 2017. Điểm đặc biệt ở startup Toutiao là sử dụng các thuật toán, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và máy học thay vì các biên tập viên để đề xuất nội dung cho người dùng. Hiện tại, nền tảng tin tức này có 120 triệu người sử dụng. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Chưa dừng lại ở đó, Toutiao đang tích cực đầu tư với các thương vụ mua lại Flipagram và Musical.ly để mở rộng quy mô hoạt động.






9. Pinduoduo


- Năm ra đời: 2014
- Ngành kinh doanh: thương mại điện tử
- Giá trị: 15 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 3 tỷ USD (tháng 4/2017)
- Quốc gia: Trung Quốc





Ra đời từ năm 2015, Pinduoduo (còn gọi là PDD) là sự kết hợp giữa “Facebook-Groupon”. Vì thế, Pinduoduo được cho là làn gió mới trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc cũng như thế giới. Do đó, Pinduoduo đã huy động được 3,1 tỷ USD và được định giá 15 tỷ USD.

Nhà sáng lập Colin Huang là doanh nhân Trung Quốc khởi nghiệp ở thung lũng Silicon trước khi trở về quê hương lập nghiệp. Hoạt động theo mô hình kinh doanh kiểu Facebook - Groupon, Pinduoduo cho phép người mua chọn các mặt hàng và rủ thêm bạn bè cùng mua để được giảm giá. Một số mặt hàng trên ứng dụng Pinduoduo rẻ hơn đến 20% so với giá thị trường.




10. Pinterest

- Năm ra đời: 2010
- Ngành kinh doanh: Mạng xã hội
- Giá trị: 12,3 tỷ USD
- Vòng gọi vốn mới nhất: 150 triệu USD (tháng 6/2017)
- Quốc gia: Mỹ





Là mạng xã hội, Pinterest cho phép người dùng chia sẻ những ý tưởng, công thức hay bản hướng dẫn. Startup này ra đời tháng 3/2010 với vỏn vẹn 3.000 tài khoản. Sau khi nhận được khoản vốn tài trợ 533 triệu USD từ các nhà đầu tư danh tiếng như Andreessen Horowitz, First Mark và Goldman Sachs, startup này đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những trang mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.



Hiện tại, Pinterest có 83% người dùng là nữ giới. "Kho tàng lưu trữ ảo" đang thu hút 175 triệu người dùng hàng tháng. CEO Silbermann đang tập trung phát triển Pinterest tại Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Braxin. Không chỉ có vậy, công ty có trụ sở chính tại San Francisco đã trở thành siêu kỳ lân khi được định giá 12,3 tỷ USD, gấp hơn 20 lần số vốn mà các nhà đầu tư rót vào. Đối thủ chính của Pinterest là Facebook, Twitter, Instagram. Mục tiêu mà Pinterest là trở thành tập đoàn lớn.



Quang Huy
songmoi