kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Ký Ức Tháng Tư

  1. #1
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,940
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default Ký Ức Tháng Tư


    Chuyện của Trần Tố Vân



    Tấm ảnh gia đình của Vân, mẹ của Vân bên góc trái trươ'c khi vượt biển

    http://k003.kiwi6.com/hotlink/090ri0a919/SBS_KyUcThangTu_ChuyenCuaVan_Phan2.mp3

    _http://k003.kiwi6.com/hotlink/090ri0a919/SBS_KyUcThangTu_ChuyenCuaVan_Phan2.mp3

    Có những ký ức thật khó khi đối diện vì nó buộc người ta phải sống lại nỗi đau một lần nữa. Và cái điều khó khăn nhất khiến cho ký ức đau thương khó có thể được kể lại chính là nỗi sợ nhìn thấy sự thương cảm trong mắt người khác. Vì nó đóng đinh nạn nhân vào nỗi đau, và nhắc họ về biến cố buồn thảm đó. Đó là một trong những lý do khiến rất nhiều câu chuyện buồn thảm của người Việt - những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái gọi là thống nhất đất nước đã không được kể lại. Mỗi mẫu ký ức Việt của thế hệ nạn nhân cộng sản là một mẫu lịch sử thật. Ký Ức tháng Tư kỳ 2 của loạt bốn kỳ kỳ này: Chuyện của Vân - kể về chuyến đi định mệnh năm cô 6 tuổi chứng kiến mẹ và một người thân khác bị hải tặc bắt đi.

    Đó là buổi sáng đầy gió.

    Tôi tới nhà Vân sớm theo lời hẹn để nghe Vân kể chuyện mẹ cô bị hải tặc bắt đi trên chuyến vượt biên khi cô mới 6 tuổi.

    Đúng ra là Bình-chồng Vân, hẹn tôi sau một tuần lặng tăm, “8 giờ tụi em đi nhà thờ. 9 giờ chị tới. Đến 10g tụi em lại có việc phải đi.”

    Tôi đóán chắc một người anh quen trong nhóm có nhắc thì Bình mới gọi tôi cho cái hẹn. Cách hẹn cũng có phần cả nể và xí bùm bum cho xong việc.

    Đây là lần thứ hai tôi gặp hai vợ chồng.

    Lần đầu là đi nhờ xe Bình Vân chở tới nhà người anh bạn quen chung nọ, thấy hai người trẻ sống lâu ở Úc mà nói tiếng Việt sỏi tôi hỏi xã giao chắc trong nhà hay nói chuyện tiếng Việt với ba mẹ.

    Bình nói “Tụi em gặp nhau lấy nhau lúc cà hai không có mẹ. Hai đứa em đi vượt biên. Em đi một mình còn mẹ Vân bị hải tặc bắt lúc 6 tuổi.”

    Vân nghe chồng nói chỉ ngồi im. Tôi hỏi Vân khi nào tiện cho chị gặp hỏi chuyện Vân nói "Dạ được" nhưng một tuần sau khi tôi hẹn kiếm thì mãi mới gặp được Bình.

    Vợ chồng Bình đồng ý cho tôi gặp nhưng chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ sáng Chủ Nhật.

    Tôi muốn hẹn vào chiều tối nhưng Bình nói bận cả.

    Buổi chiều thì lòng người có phần chùng xuống, dễ nói chuyện cũ hơn là sáng mới bảnh mắt.

    Chẳng ai mới ngủ dậy bắt đầu một ngày mới mà nhớ ngay đế chuyện cũ trong xó xỉnh ký ức bao giờ.

    Nhưng vì Bình nói không có giờ nào khác. Và vì tôi cũng chẳng biết ai hơn để hỏi, nhưng đĩều quan trọng hơn đó là một mẩu ký ức không dễ dàng, mà người ta chịu kể lại thì đó mới là điều đáng quan tâm hơn hết cả.

    Tôi tới nhà lúc Vân và Bình đang ăn sáng cùng cậu con trai. Quần áo hai vợ chồng chỉnh tề, tôi đoán họ đi nhà thờ về.

    “Mọi khi tụi em bận lắm, nhưng sáng nay tụi em quyết định nghỉ ngơi. Vân cũng sẽ không đi ra shop sáng nay. Chị ngồi chơi chờ bọn em chút.” Bình ngượng ngịu nói.

    Đứa con gái lớn của hai vợ chồng từ trên lầu đi xuống Bình đưa mắt nhìn con trông đợi.

    Con bé không nhìn cha cất tiếng “Chào cô”, mặt Bình giãng ra nhẹ nhõm.

    Căn nhà rộng đầy đủ tiện nghi như mọi gia đình có thu nhập ổn định nhưng rõ ràng đó là tiện nghi theo cách phù hợp với người đi làm suốt ngày.

    Bình mời tôi tới bàn phòng khách đặt cạnh cửa sổ để trò chuyện. Tấm sáo kéo hơi sụp xuống khiến cho ánh sáng trong phòng xam xám. Bên ngoài cửa sổ là bức tường cũng xam xám của nhà hàng xóm.

    Vân ngôi xuống khi tôi lấy máy ghi âm ra, mặt tịnh không biểu hiện gì.

    Tôi nói “Ngoài có sân vườn, mỉnh ra ngoài ngôi được không?"

    Tôi không muốn nói là tôi không thích ngồi trong một cái hộp dù đó là một phòng khách đẹp.

    Bức tường xám bên ngoài cửa sổ tịnh không một cái lá xanh khiến tôi thấy buổi nói chuyện chưa bắt đầu nhưng có mòi giống như một buổi cán bộ phường đi lấy lời khai nhân khẩu.

    Bình hỏi đi hỏi lại “Ngồi ngoài gió lạnh chị chịu được không.”

    Sydney vào đầu thu dù hai hôm nay trời đầy gió nhưng thời tiết khá dễ chịu.

    Tôi nói tôi đi bộ tới trời này với tôi không sao. Nói vậy nhưng tôi cũng sợ lạnh. Nhưng chừng nào lạnh thì hay chứ tôi sẽ không hỏi chuyện ở trong căn phòng như là lấy lời khai nhân khẩu này.

    Vân thấy tôi và chồng đứng lên thì cũng đứng lên nói yếu ớt “Nhưng ngoài sân đâu có ghế ngồi.”

    Bình quay lại nhìn vợ có phần dàn hoà “Có cái salong mình ngồi được em.”

    Tôi rời hẳn cái bàn lớn cầm theo ly trà của mình và cười với hai vợ chồng.

    Ra đến sân có thể nhìn thấy hai cậy xoài trồng sát hàng rào bên cạnh cây nhãn xanh um, cả ba cây trồng rất gần.

    Tôi để hai vợ chồng ngồi gần nhau nhìn ra cây xoài và cây nhãn. Những câu chuyện thế này không dễ dàng gì, và một mảng xanh trong mắt sẽ dẫn ký ức người ta đi xa hơn là bức tường xám trong nhà.

    Tôi ngồi góc bên cạnh.Vân.

    Mặt Vân vẫn bình thản không biểu lộ cảm xúc, nhẫn nạị cho sự viếng thăm của tôi dù câu chuyện chưa bắt đầu.

    Tôi biết ký ức của cô bé 6 tuổi có thể sẽ rất nhạt nhoà, có thể tôi sẽ không biết được nhiều lắm nhưng dù gì tôi cũng không muốn câu chuyện kể là Vân thuật lại nhửng gì mà người lớn nói về chuyến đi định mệnh của gia đình cô, về việc mẹ cô bị hải tặc bắt đi mất tích.

    Tôi muốn nghe cô nói về mẹ từ ký ức của cô. Ký ức nhỏ nhoi của khoản thời gian cô có mẹ. Ký ức của riêng cô về mẹ.

    Chuyện của Vân

    "Em không nhớ gì nhiều. Lúc đó em mới 6 tuổi, đứa em kế cách em một năm và đứa em út mới một tuổi. Ba bị đi tù vì vượt biên, mẹ phải đi làm, tụi em ở với nội. Em cũng không nhớ mình có được mẹ cột tóc hay không, em chỉ nhớ mẹ em hiền và đẹp lắm.


    Mẹ của Vân- người bị hải tặc bắt đi cùng bốn phụ nữ khác trên chuyến tàu định mệnh năm 1981

    Vào cái đêm đi vượt biên nội ôm em vào lòng, khóc và nói “Nội thương con lắm.” Nội cứ nói đi nói lại câu đó hoài mà em không hiểu vì sao hôm nay nội kỳ vậy. Tối đó cả nhà ngủ chung trong phòng trên một cái giuờng.

    Nữa đêm mẹ đánh thức em dây và đi. Em chỉ nhớ lúc đó trời tối lắm, không nhìn thấy gì, rồi thì cả nhà lên tàu.

    Ba em ở trên lái tàu. Tàu em đi bị hải tặc ba lần. Hai lần đầu tụi nó chỉ lục lấy vàng vòng rồi bỏ đi. Lần thứ ba nó bắt hết cả tàu lên tàu lớn của tụi nó, xong rồi nó cho đàn ông với con nít đi xuống chỉ giữ đàn bà lại.

    Có tất thảy 5 người đàn bà trong đó có một chị có bầu 6 tháng nó cũng bắt nữa. Nó đếm đầu người thiếu người nào là không được. Bà thím vợ của ông chú ruột mới đám cưới dẫn nhau đi cũng bị bắt.

    Thím đẹp lắm, đẹp như tiên vậy, da trắng muốt. Thím từ lúc xuống tàu đã lấy lọ nghẹ với dầu nhớt trét khắp mặt mũi tay chân làm cho dơ dáy xấu xí đi nhưng cũng bị tụi nó bắt.


    Hai người phụ nữ trong tấm hình này đã bị hải tặc bắt đi: thím (cô dâu) và Mẹ Vân (áo nâu ngoài cùng bên trái)

    Lúc nó thả đàn ông với con nít về lại tàu bà thím tìm cách lẫn vô đi xuống theo nhưng tụi nó đếm thấy thiếu một người nó bắt phải đưa cái người đó ra không thì nó đâm lủng thuyền. Vậy là nó bắt bà thím đi luôn, năm người hết thảy.

    Tàu của tụi em chết máy trôi năm ngày trên biển thì được tàu Đức cứu. Chiếc tàu Đức này còn đi lòng vòng trên biển mấy ngày để cứu thêm những người đi vượt biên khác cũng sắp chết để đưa vào đảo tị nạn.

    Lúc mẹ bị bắt đi em không biết gì nhiều, cứ nghĩ là mẹ đi một chút thì sẽ được trả về. Hoặc là mẹ sẽ được về lại nhưng mà chờ hoài chờ hoài không thấy mẹ. Không thấy mẹ.

    Bốn cha con ở đảo hai năm. Không hiểu sao tui em lúc đó nhỏ nhưng cũng biết tránh không nói nhiều về mẹ với ba. Thấy ba im lặng không nhắc mẹ tui em cũng không hỏi hay nhắc.

    Những ngày trên đảo ba đi làm tụi em tự chơi với nhau. Em cũng không nhớ tụi em đã qua những ngày đó như thế nào chỉ nhớ cực lắm. Không có gì nhiều để ăn, không có chổ ở.


    Ba chị em Vân (ngoài cùng bên trái) lúc mới tới Úc


    Hai năm sau thì nhà em được vào Úc. Năm đó em 8 tuổi vô trường đi học. Ba mướn một cái nhà gần trường tụi em học. Ban ngày trước khi đi làm ba nấu một nồi cơm, đồ ăn để đó. Tụi em dậy tự mặc uniform tư đi đến trường.

    “Lunch?” Lunch… Có gì ăn nấy chị à. Không nhớ mình ăn cái gì. Cũng không như bây giờ là phải có một trái táo hay phải ăn rau. Thấy cái gì ăn cái nấy. Có khi là một bịch chip, mấy cái bánh biscuits.

    Không ai tới hỏi thăm, chị à, hồi đó vắng lắm. Năm 1983 lúc đó chưa có nhiều người Việt. Sydney chưa nhiều người, đường phố còn vắng. Nhà có khi mở cửa bỏ ngỏ cũng không sao.

    Ba đi làm suốt ngày. Có những chuyện ba biết ba nói ba chỉ cho, nhưng có những chuyện phải cần một người phụ nữ thì tự em lớn lên đến đâu biết đến đó. Em cũng không biết là mình có phải làm mẹ trẻ cho hai đứa em của em không. Có lần trên đảo em ham chơi. Em chạy chơi con em út em chạy theo bị té lọi tay.

    Chưa bao giờ ba đánh hay la em. Lần đó ba đánh em không coi con út để nó té lọi tay. Ba đánh em nhớ hoài là em phải lo cho em em.

    Nhà em dơ và hôi lắm. Đâu có biết phải làm sao đâu. Em nhớ có lần em rủ đứa bạn về nhà chơi, bước vô nhà nó bịt mũi hỏi mùi gì hôi vậy. Em hỏi “Mùi gì? Tao đâu có nghe gì đâu.” Chị biết toilet là phải chùi rửa cho nó sạch nó mới không có mùi. Tụi em đâu có biết mà làm. Rồi mình ở trong nhà nghe quen không nhận ra cái mùi hôi nữa.

    Hồi đó ông chú Út là người hay dẫn tụi em đi chơi. Ông chú Út đi vượt biên trước qua Úc, chính ông là người bảo lãnh mấy cha con em và chú em qua. Chú Út là người dẫn tụi em đi Easter Show. Ổng biết tụi em không có mẹ ổng thương tụi em như con.
    Một thời gian sau thì bà Nội em qua. Nội gấp rút làm giấy tờ qua sớm để ở với tụi em. Chị biết không. Nội bay chuyến bay dài như vậy. Từ Sa Đéc lên Sài Gòn rồi qua Úc. Vừa xuống máy bay bước chân vô tới nhà là Nội đi liền xuống bếp lấy cái xong ra nấu cơm hỏi “Con ăn gì nội nấu.”

    Lúc đó em nghĩ “Sao bà này kỳ vậy, sao tự nhiên vừa vô nhà người ta đòi nấu cơm” (Khóc).

    Câu chuyện không chỉ một lần khóc.

    Trong câu chuyện rất nhiều nước mắt mà lần đầu tiên Vân kể lại về những điều cô giấu kín không chỉ riêng mình mà cả các em và những người xung quanh câu chuyện này ngay cả với Bình chồng cô. Cô nói “Không muốn câu chuyện của mình là người khác buồn”.

    Mỗi tuần các em về nhà cô như về nhà mẹ ăn uống, ba chị em rất thân thiết với nhau. Và họ đều tránh nhăc lại chuyện cũ.

    Ba cô về sau lặp gia đình với một phụ nữ ông quen trên đảo sau này gặp lại ở Úc.

    Bình, chông Vân nói, "Hồi em găp Vân lúc đang đi thư viện học chợt thấy một cô Châu Á tóc dài đẹp quá, thích luôn. Thích cô rồi khi về nhà gặp ba Vân với mấy ông chú thấy ai cũng hiền hết, rât tử tế dù mới gặp, vậy là tình cảm cứ thế mà tiến tới luôn.

    "Ba Vân rất ít nói. Ngồi cả buổi nói chừng hai câu hà. Mà hồi gặp, em không hiểu sao ở ai cũng có vẻ buồn buồn thế nào đó đằng sau họ. Sau này rồi thì mới biết.

    "Quen nhau hồi còn đi học high school , ngoài hai mươi là tụi em cưới nhau rồi. Vân ít nói. Em thì lí lắc. Khác với Vân em là con út được cưng chìu từ nhỏ. Đi vượt biên thì qua đây ở với anh, có chị dâu chăm sóc coi như lúc nào cũng có người lo cho mình.

    Em thích Vân vì Vân đẹp, tthương Vân vì Vân chu đáo chăm lo gia đình. Có những lúc Vân ngồi im càng lặng hơn mọi khi. Cứ lặng đi như vậy. Em phải giả lả “Sao mặt hầm hầm vậy cười cái cho đẹp coi” cho bả vui lên. "

    Vân chưa bào giờ thử đi tìm mẹ. Cô nói cô không biết bắt đầu từ đâu.

    Trước đây cô vẫn hy vọng mẹ mình còn sống ở đâu đó và sẽ đi tìm chị em cô.

    Nhưng hy vọng nhỏ dần dần và từ mười năn nay thì chị em cô quyết định lấy ngày Vu Lan làm ngày giỗ mẹ.

    Cô nói chắc mẹ cô đã về trời và đang phù hộ cho cô.

    “Có nhiều kỳ lạ xảy ra như có những lần em lái xe thấy đụng tới nơi nhưng có có gì đã đỡ cho và nó không xảy ra. Mẹ em ở trên trời đang dõi theo tụi em chị à,” cô nói.

    Tôi hỏi Vân "Có bao giờ em ước giá như gia đình mình đừng có đi vượt biên không?"

    "Dạ có," Vân nói ngay. "Cũng chưa ai hỏi em nhưng em cũng tự hỏi mình 'Em sẽ ra sao nếu như em ở Việt Nam?' Năm nào em cũng về Việt Nam nhất là lúc còn mẹ anh Bình. Lần đầu tiên em về lại Việt Nam là năm em 18 tuổi. Em về lại nhà mình em không nhận ra bất cứ cái gì nữa hết. Cái gì cũng xa lạ đối với em. Việt Nam đối với em như là một giấc mơ thôi chị."

    "Nếu em cứ nghĩ mình không có mẹ, và so bì với những bạn bè có mẹ thì chắc là em sẽ khó khăn lắm. Em cứ nghĩ không có mẹ thì em sẽ biết nâu cơm sớm hơn. Biết làm nhiều thứ hơn và tự lập hơn so với các bạn đồng lứa. Em phải nghĩ khác đi mới được chị ạ."

    Chuyện của Vân cũng có thể là chuyện của bất kỳ người nào đi bên cạnh chúng ta ngoài phố. Không ai biết người đi bên cạnh mình ăn mặc đẹp đẽ cười nói ngỗn ngang đang ẩn chứa tâm sự gì đằng sau đó.

    Chia sẽ câu chuyện để người Việt nhân hoà với nhau hơn biết đâu cái người mà ta vừa đi đã từng trãi qua những biến cố kinh hoàng nào trong đời họ.

    Và nếu có thể xin đừng nhìn Vân như chuỵện của Vân, mà là chuyện của đất nước mình: Việt Nam.

    Mỗi mẫu ký ức Việt của thế hệ nạn nhân cộng sản là một mẫu lịch sử thật.

    Nó cần phải được ghi lại như là cách góp phần khai chiều cho chính thời đại chúng ta ngày nay và cho đời sau để đối chọi lại cái lịch sử dối trá tạo dựng đang được xây đắp một cách có chủ ý và hệ thống.

    Nếu không kể, những mẫu lịch sử thật đó của đất nước sẽ cùng chủ nhân của nó tan vào hư không.

    ===

    Nếu có ai tình cờ biết thông tin ít nhiều gì về mẹ của Trần Tố Vân cùng bốn người phụ nữ trên chuyến đi định mệnh trong đó có Thím của Vân và một phụ nữ có bầu 6 tháng bị hải tặc Thái lan bắt đi vào năm 1981, xin vui lòng liên lạc SBS Vietnamese qua SBS Vietnamese Facebook.

    Trong phần audio có sử dụng bài hát Quan Thế Âm của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư do Khánh Ly trình bày trong tập Đạo Ca.

    Nguồn: SBS / Mai Hoa Pham (21/4/2018)

    ===

    Chị Vân có nhắc tới chiếc tàu Cap Anamur của Đức đến vớt , nhưng nước Đức hồi đó không nhận người Việt tị nạn . mít xin đăng một bài ngắn về tiểu sử Cap Anamur của Đức gửi bạn đọc nếu bạn chưa nghe qua

  2. Thanks Hoàng Na, tu kien, pleiku88, tcdinh, ld6bdq thanked for this post
  3. #2
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,940
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default


    Tiến sĩ Rupert Neudeck (14/5/1939 - 31/5/2016), ân nhân của thuyền nhân Việt tại Đức



    Chân dung tiến sĩ Rupert Neudeck trong lễ tưởng niệm 14/6/2016

    http://k003.kiwi6.com/hotlink/8nn8pjd7jo/RFA_ThanhTruc_RupertNeudeck_CapAnamur.mp3

    _http://k003.kiwi6.com/hotlink/8nn8pjd7jo/RFA_ThanhTruc_RupertNeudeck_CapAnamur.mp3

    Trên trang sử tị nạn cũng như trong lòng bao thuyền nhân Việt đi tìm tự do sau 30 tháng Tư 1975, hình ảnh tiến sĩ Rupert Neudeck và hình ảnh những chiếc tàu cứu mạng Cap Anamur không bao giờ có thể phai mờ trong ký ức.



    Cap Anamur II

    Ngày 31 tháng Năm vừa qua, tiến sĩ Rupert Neudeck, người đã vận động với chính phủ Đức để có được 4 chiếc tàu mang tên Cap Anamur lướt sóng ra khơi cứu người vượt biển Việt Nam trong thập niên 75 cho đến 85, đã qua đời tại thành phố quê nhà của ông ở Troisdorf nước Đức, hưởng thọ 77 tuổi.


    Tiến sĩ Rupert Neudeck, cha đẻ của những chuyến tàu Cap Anamur đi cứu vớt người Việt trên biển từ những năm 1979

    Trái tim nhân ái Có thể xuôi tay nhắm mắt ở tuổi 77 là hãy còn quá sớm, thế nhưng với rất nhiều người Việt thì con người phi thường ấy, tiến sĩ Rupert Neudeck, dù đã lìa đời nhưng khoảng trống để lại thì quá đầy, bởi nhờ ông mà từ 1979 đến 1986 đã có 11.300 người già trẻ lớn bé được những chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur vớt từ biển cả mênh mông đưa về bến bờ an toàn hạnh phúc.
    Tôi rất cảm phục ông Neudeck, một người sống rất giản dị và sống rất bình thường. Từ hồi còn trẻ, ông bị ám ảnh nhất là trong thời gian ông mới năm hay sáu tuổi thì đã phải đi lánh nạn cộng sản Nga. Thông cảm được nỗi đau khổ của người tị nạn, những nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói hay chủng tộc mà ông xả thân ra làm. Khó có thể tưởng tượng được một con người đã hy sinh toàn bộ cuộc sống của mình cho tha nhân.

    Là người Công Giáo thuần thành, ông lấy tấm gương một người Samaritain nhân hậu trong Thánh kinh là xả thân cứu người. Khi cứu người thoạt đầu ông bị biết bao nhiêu chống đối, thậm chí có những người quá khích đã ném phân vào nhà ông, nhưng ông vẫn chịu đựng và làm đủ mọi cách. Đầu tiên ông thành lập ủy ban có tên là Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam, chỉ để chuyên cứu với những thuyền nhân Việt Nam đang thập tử nhất sinh trên biển cả. Cuối cùng ông đã cứu được 11.300 sinh mạng thuyền nhân Việt Nam. Từ đó ông tiếp tục cho đến ngày ông mất.

    Những người mời ông đi thuyết trình hay đi nói chuyện đều đề nghị trả tiền vé máy bay hay tiền khách sạn thì ông đều từ chối hết, ông yêu cầu lấy tiền đó để vào quĩ cứu giúp người nghèo. Tôi tin chắc rằng đại đa số người tị nạn, không được tàu Cap Anamur vớt hay được tàu Cap Anamur vớt, khi biết về ông đều tỏ ra kính phục.

    Bên Công Giáo nhiều người gọi ông là Thiên Thần của Chúa gởi đến cho nhân loại, người bên Phật Giáo thì gọi ông là một vị Bồ Tát đã xả thân cứu người không phân biệt chủng tộc, màu da, xu hướng chính trị.

    Những nơi nguy hiểm nhất mà không người nào thèm đến để cứu giúp thì ông đến một mình. Thí dụ cuộc kháng chiến của Afghanistan chống lại sự xâm lăng của Liên Xô trong thập niên 80 thì ông tự một thân một mình ra đi, hòa nhập vào đoàn người tị nạn ở Afghanistan để cứu những người Afghanistan đó. Ông đã một lần bị máy bay trực thăng của Nga bắn nhưng rất may ông thoát chết.

    Đó là lời ông Nguyễn Hữu Huấn, thành viên trong Ủy Ban Cap Anamur ở Hamburg, từng được tàu Cap Anamur vớt, sau trở lại làm việc trên những chuyến tàu ra khơi cứu người mà tiến sĩ Rupert Nudeck vận động thành lập:

    Đầu năm 1980 tôi đi vượt biển lần thứ ba, ghe của tôi bị hải tặc cướp 2 lần. Khi ghe lênh đênh ngoài biển và không còn dầu nhớt nữa, máy đã bị hư thì chúng tôi được tàu Cap Anamur cứu. Lúc đó cảm giác như là được sống lại. Nhìn thấy con tàu đồ sộ còn cái ghe của mình quá nhỏ thì chúng tôi rất bàng hoàng, có thể nói là được một lần nữa tái sinh. Tôi được chính phủ của tiểu bang Hamburg cho đi học tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Cuối năm 81 tôi bắt đầu trở thành thành viên của Ủy Ban Cap Anamur, tôi đi liên tục trong 5 năm rưỡi.

    Ông Nguyễn Đình Phúc, có người anh cả được tàu Cap Anamur vớt hồi năm 1980:

    Ngày 9 tháng Tám năm 1979, con tàu Cap Anamur bắt đầu khởi hành từ Hamburg. Chuyến cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Hamburg tháng Tám năm 1986. Cộng đồng người Việt tị nạn toàn nước Đức nói chung và tại Hamburg nói riêng chân thành cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức đã mở lòng nhân đạo, cứu vớt và nhận cho thuyền nhân Việt Nam được cư ngụ tại nước Đức.

    Theo cựu thuyền nhân Lê Ngọc Tùng, đang sinh sống tại Hamburg, nếu không có tiến sĩ Rupert Neudeck và những chiếc tàu Cap Anamur đi vớt người vượt biển từ 1979 đến 1986 thì:
    Thống kê cho biết khoảng 200.000 người Việt Nam đã đi tìm tự do đã chết giữa biển. Nếu không có con tàu Cap Anamur thì chắc chắn số người chết giữa biển vì hải tặc, bị sóng cuốn, bị thiếu lương thực ... sẽ là rất nhiều. Cap Amamur là con tàu tình thương đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và 11.300 người người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang nữa để có cuộc sống tự do.

    Vì được tài trợ bởi chính phủ và người dân Tây Đức lúc bấy giờ, 4 chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur được trang bị như một bệnh xá di động, hoàn tất ngoạn mục sứ mạng vớt người trên biển cho đến khi chấm dứt năm 1987:

    Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần 4 chiếc. Tôi được chuyến Cap Anamur số 1 vớt. Tàu Cap Anamur số 1 từ 1979 đến 1982 chia thành 29 chuyến thì đã vớt được 199 chiếc ghe. Cho đến khi chấm dứt vào năm 1987 là tàu Cap Anamur số 4.

    Sau khi các trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á loan báo đóng cửa và không nhận thuyền nhân vào nữa, những con tàu Cap Anamur 5 và Cap Anamur 6 đã không vớt người mà chỉ dẫn dắt và cứu hộ những chiếc ghe vượt biển, tìm cách đưa họ an toàn vào trại tị nạn mà thôi.

    Tang lễ đơn giản



    Các linh mục người Việt ở Đức chuẩn bị lễ đồng tế. Hình do ông Nguyễn Hữu Huấn cung cấp RFA.

    Ngày 8 tháng Sáu 2016 vừa qua, tang lễ chỉ được cử hành đơn giản trong vòng gia tộc thể theo ý nguyện của người quá cố. Là người thân thiết với gia đình qua nhiều năm làm việc cùng tiến sĩ Rupert Neudeck và Ủy Ban Cap Anamur, cũng là người Việt duy nhất có mặt tại ngày vĩnh biệt, ông Nguyễn Hữu Huấn chia sẻ:

    Gia đình từ vợ đến con cháu chỉ muốn mai táng ông một cách âm thầm thì vợ chồng tôi may mắn được tham dự. Tôi chưa thấy tang lễ nào đơn sơ như vậy bởi vì bà làm theo ý nguyện của ông là không hoa, không nến, không kèn không trống và chính những người con người thân khiêng quan tài của ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hiện tại ngày hôm nay trước mộ của ông chỉ vỏn vẹn có cây Thánh giá và vái ba cây cỏ dại và chính ông bà muốn như vậy.

    Trái với vẻ bình lặng đơn sơ của tang lễ ở Troisdorf, lễ tưởng niệm tiến sĩ Rupert Neudeck, cha đẻ những con tàu tình thương Cap Anamur, hàng ngàn người Việt đã đổ về thành phố Koln để chào kính vị ân nhân, vị anh hùng không cùng máu mủ ruột thịt với mình:

    Buổi tưởng niệm ngày 14 tháng Sáu vừa qua là Tòa Tổng Giám Mục ở Giáo phận Koln( Cologne) tổ chức và Đức Hồng Y đúng chủ lễ. Trong ngày đó chỉ có một bức hình thật lớn để trên Cung Thánh và một bó hoa của nhà thờ.
    Bà Neudeck nói bà không mời bất cứ một chính trị gia hay là những người nổi tiếng trên nước Đức mà riêng người Việt Nam thì bà mời đến. Đó là ý nguyện của bà và gia đình.

    Đó là một buổi lễ tưởng niệm long trọng, cảm động, ngập tràn nước mắt của thuyền nhân. Chủ lễ buổi tưởng niệm là Đức Hồng Y Giáo Phân Koln cùng 12 linh mục người Đức gốc Việt:

    Mười hai linh mục Việt Nam là những người được tàu Cao Anamur cứu vớt hồi trước, được phép làm lễ đồng tế chung với Đức Hồng Y trên bàn thờ.

    Trong khi đó thì người Việt Nam kéo đến, theo báo chí là đến khoảng hơn một ngàn rưỡi người đến nỗi không còn chỗ ngồi. Thật tình ngày đó tôi thấy người Việt Nam người ta sụt sùi người ta khóc. Thậm chí trong khi làm lễ và sau khi làm lễ người Việt Nam mình kéo nhau đến tạ ơn ông Neudeck, cứ xếp hàng mà quì lạy trước chân dung ông Neudeck. Người ta cứ hỏi là muốn viếng mộ ông rồi muốn thắp nhang ở đó. Nhiều người theo kiểu Việt Nam mình là muốn đưa phong bì cho tang gia nhưng bà Neudeck không nhận, nói là xin chuyển vô hai hội thiện nguyện đi giúp người của ông Neudeck.

    Điều bất ngờ là không chỉ người Việt mà người bản xứ cũng đến quá đông, ông Nguyễn Hữu Huấn nói:

    Không ngờ người Đức đến quá đông, kể cả những người nổi tiếng, mặc dù bà Neudeck không chính thức mời. Thí dụ cựu thống đốc tiểu bang rồi cựu phó thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội rồi một số chủ tịch những đảng chính trị cũng đến nữa. Chúng tôi là người tổ chức chung với gia đình cho nên cái khó khăn là không biết làm sao mà sắp xếp chỗ ngồi cho họ cho đàng hoàng thì cũng chỉ biết cách xin những người Việt Nam nhường chỗ cho họ mà thôi.

    Rồi lại còn thêm hầu hết những người đã từng ở trên tàu để đi vớt người thời thập niên 80, những người thiện nguyện của Ủy Ban Cap Anamur hồi trước là bác sĩ, là y tá đều đến hết.

    Cũng nên nhắc lại hồi tháng Tám 2014, đại hội 35 năm tàu Cap Anamur, thay vì vẫn diễn ra tại quê nhà Troisdorf của tiến sĩ Rupert Neudeck, nơi một chiếc ghe của người vượt biển được kéo về trưng bày tại đó, thì lần tổ chức 35 năm Cap Anamur này được dời qua cảng Hamburg với cả ngàn người Việt khắp nơi trên nước Đức về tham dự:

    Có hai lý do giải thích sự thay đổi này, thứ nhất là tại cảng Hamburg cách đây 5 năm một tấm bia biểu tượng người tị nạn đã được dựng lên nhằm đánh dấu nơi xuất phát mà cũng là nơi trở về của các con tàu định mệnh Cap Anamur.



    Thứ hai chính là yêu cầu của tiến sĩ Rupert Neudeck, người sang lập Ủy Ban Cap Anamur, nói rằng sức khỏe của ông ngày một kém vì thế đây có thể là lần cuối cùng và ông mong muốn tổ chức ngày kỷ niệm 35 Cap Anamur tại Hamburg.

    Không ai ngờ đến lần kỷ niệm 37 năm Cap Anamur thì tiến sĩ Rupert Neudeck đã lặng lẽ và thanh thản bay vào đại dương mênh mông trong sự nuối tiếc nghẹn ngào của những thuyền nhân vì ông mà được sống.

    Một nén hương lòng thắp muộn cho vị đại ân nhân của người vượt biển Việt Nam.

    Nguồn: RFA / Thanh Trúc


    Phóng Sự về Đại Hội 35 Năm Cap Anamur tại Hamburg, Đức quốc



  4. Thanks Hoàng Na, huudangdo, N/A, tu kien, pleiku88, tcdinh, ld6bdq thanked for this post
  5. #3
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,940
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default


    Chuyện của nhà văn Trần Trung Đạo


    Nhà văn Trần Trung Đạo tại Boston (1982)


    http://k003.kiwi6.com/hotlink/klh3j20qtv/SBS_MaiHoa_TranTrungDao_KyUcThangTu.mp3

    _http://k003.kiwi6.com/hotlink/klh3j20qtv/SBS_MaiHoa_TranTrungDao_KyUcThangTu.mp3


    Chuyện kể từ nhà văn Trần Trung Đạo về những tháng ngày hoang mang khi vừa mới đặt chân lên xứ sở mới, với tương lai thì mờ mịt mà quá khứ thì qúa bộn bề, đau nhói cho từng thân phận đồng bào bỏ xứ ra đi...
    Chuyện kể từ nhà văn Trần Trung Đạo về những ngày mới đặt chân tới Hoa kỳ tại thành phố Boston.


    Vào những năm cuối thập niên 1970, những người Việt tị nạn ở Mỹ biểu tình vì đồng bào bị bức hại trong nước .

    Tất cả những ký ức và cảm xúc của anh đã quyện vào trong những trang viết.

    "Tôi muốn ghi lại một cách trung thực những gì mình đã biết, mình đã nghe, mình đã thấy. Có thể những điều mình biết mình nghe nó không hoàn toàn chính xác, nhưng tôi ghi lại tối đa những gì mà tôi tin tưởng. Đó là niềm tin lớn trong lòng là viết lên sự thật, những gì sẽ để lại cho ngày sau. Có thể trong thời gian sau 5 năm 10 năm hay 100 năm sau, những cái chân thật của thế hệ mà chúng ta đang đi hôm nay sẽ được dò lại và bước lại bởi những thế hệ sau này. Những câu chuyện mà tôi vừa kể quý vị sẽ thấy đó là vết thương của một dân tộc trong một gia đoạn khắc nghiệt của lịch sử mình."

    Câu chuyện một em bé Việt Nam sống sót sau sáu tuần trôi dạt trên biển. Cả gia đình em đã chết cùng những người trên tàu. Chỉ còn một dúm người sống sót và không ai hiểu vì sao em có thể sống được.

    Câu chuyện của em và nhiều câu chuyện tương tự như vậy của người Việt vượt biên vượt biển đã ám ảnh tâm hồn chàng thanh niên tên Đạo, nhiều đến mức ký ức về họ trở thành ký ức của anh.



    Bên bờ biển Palawan

    Có một em bé gái
    Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
    Đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
    Và nói chuyện một mình
    Như nói với xa xăm
    – Em đến từ Việt Nam
    Câu trả lời thường xuyên và duy nhất
    Hai tiếng rất đơn sơ mà nhiều người quên mất
    Chỉ hai tiếng này thôi
    Em nhớ kỹ trong lòng
    Em chỉ ra ngoài Đông Hải mênh mông
    Cho tất cả những câu hỏi khác

    Mẹ em đâu?
    – Ngủ ngoài biển cả
    Em của em đâu?
    – Sóng cuốn đi rồi
    Chị của em đâu?
    – Nghe chị thét trên mui
    Ba em đâu?
    Em lắc đầu không nói
    – Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa
    Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
    Trên ghe sót lại chỉ dăm người

    Lạ lùng thay một em bé mồ côi
    Đã sống sót sau sáu tuần trên biển
    Họ kể lại em từ đâu không biết
    Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
    Chị của em hải tặc bắt đi đâu
    Sóng cuốn mất người em trai một tuổi
    Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nổi
    Đã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
    Ôi những giọt máu Việt Nam
    Linh diệu vô cùng
    Nuôi sống em
    Một người con gái Việt

    Mai em lớn dù phương nào cách biệt
    Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
    Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
    Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại

    – Viên kẹo tròn này để dành cho Mẹ
    Viên kẹo vuông này để lại cho Ba
    Viên kẹo nhỏ này để qua cho chị
    Viên kẹo lớn này để lại cho em
    Còn viên kẹo thật to này… là phần Bé đấy

    Suốt tuần nay em vẫn ngồi
    Một mình lẩm bẩm
    Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi
    Như thuở chờ Mẹ đi chợ về
    – Thật trễ làm sao
    Em tiếp tục thì thầm
    Những câu nói vẩn vơ
    Mẹ ngày xưa vẫn thường hay trách móc
    Em cúi đầu nhưng không ai vuốt tóc
    Biển ngậm ngùi mang thương nhớ ra đi

    Mai này ai hỏi Bé yêu chi
    Em sẽ nói là em yêu biển
    Nơi cha chết không trống kèn đưa tiễn
    Nơi tiếng chị rên
    Nghe buốt cả thịt da
    Nơi Mẹ chẳng về dù đêm tối đi qua
    Nơi em trai ở lại
    Với muôn trùng sóng vỗ

    Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
    Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu


    Đau buồn là vậy nhưng với Trần Trung Đạo, nếu có kiếp sau anh vẫn muốn làm người Việt Nam. Với anh, "không có dân tộc nào khác hơn về sự chịu đựng, và vươn lên như dân tộc Việt Nam."

    Nguồn: SBS / Phạm Mai Hoa (phát thanh 29/4/2018)

  6. Thanks tu kien, pleiku88, tcdinh, ld6bdq thanked for this post
  7. #4
    mèo bé tí mít's Avatar
    Tham gia ngày
    Sep 7th 2013
    Bài gởi
    3,940
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    136

    Default



    Chuyện của Hà Công Hồng



    Quang Tri South Vietnam: people flee on foot, bike and truck April 72 (Courtesy images)

    http://k003.kiwi6.com/hotlink/v2bpgj3lp1/SBS_MaiHoa_HaCongHong_KyUcThangTu.mp3

    _http://k003.kiwi6.com/hotlink/v2bpgj3lp1/SBS_MaiHoa_HaCongHong_KyUcThangTu.mp3



    Lịch sử từ những câu chuyện kể từ ký ức không xóa nhòa của những người Việt - nạn nhân thời cuộc.

    Họ kề lại những chuyện đã xảy ra đối họ trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam, và không những vậy.

    Vết thương kéo dài từ lúc người Việt mất nước ngay trên đất nước, đến chuyện nhìn người thân bị hải tặc bắt đi trên chuyến tàu vượt biển, những ngày bơ vơ nơi xứ người, chuyện tù cải tạo... hằn sâu trong lòng mỗi người.

    Mỗi chuyện kể lại nhắc cho chúng ta nhớ về lịch sử đất nước, về sự thật đau thương của người Việt như một cách để tự vấn, để chống chọi lại một lịch sử dối trá đang muốn xóa nhòa dân tộc Việt, để đời sau không bị dối lừa.

    Chuyện kể của anh Hà Công Hồng. Đó là khoảng ký ức nối dài từ tháng Tư năm 72 trên Đại Lộ Kinh Hoàng trên Quốc Lộ 1 từ Quảng Trị vào Huế, đến tháng Tư năm 75 - đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền miền Nam. Những câu chuyện kèm theo bài hát gắn liền ký ức của mỗi người



    Cầu bắc qua Sông Thạch Hãn


    Cầu Ga bắc ngang sông Thạch Hãn nơi chứng kiến "Người chết ba lần thịt da nát tan" về người sĩ quan QĐ VNCH Nguyễn Ngọc Bích trong trận La Vang.

    Chạy giặc từ tháng Tư năm 72 đến tháng Tư năm 75 ký ức của anh Hà Công Hồng, một Nha Sĩ tại Sydney, về những ngày cuối cùng của Tháng Tư Đen là một sự 'Tán Loạn".

    Ngày 29/3 trên Quốc Lộ 1 từ Huế vào Non Nước, lẫn trong dân chúng đang tao tác chạy là những người lính giải giáp và buông bỏ vũ khí và trong lòng cậu thiếu niên 16 tuổi Hà Công Hồng biết rằng đất nước mình đã mất.

    Nếu so với những hình ảnh chết chóc trên Đại Lộ Kinh Hoàng của năm 72 thì ký ức 75 buồn thảm hơn bao giờ hết dù máu không đổ và xác người không ngã rạp xuống nhưng hồn và khí phách người thì đã chết lịm.

    Nếu ký ức của anh về những ngày cuối cùng của năm 75 là sự tán loạn và mất mát thì kỳ lạ thay ký ức tuổi thơ của anh ngay mảnh đất không đêm nào không nghe tiếng súng ở ngay bờ bên này của sông Bến Hải thì đó là sự bình yên.

    Đối với anh Hồng, những ngày tháng ở quê nhà ngay bên bờ bên này bờ Bến Hải sát ngay Thành Cổ là thời gian thần tiên trong đời.

    Tuổi thơ của anh, là ngày hè bắt dế ngày đông đi lội nước bắt cá bắt cua và kỳ lạ thay trong bom rơi đạn nổ nhưng chưa người dân nào tại nơi địa đầu chiến thuật Quảng Trị quê anh nghĩ đến chuyển bỏ xứ mà đi.

    Chỉ đến khi Cộng Sản chiếm miền Nam, đất nước dù không còn tiếng súng nhưng dân chúng thì tứ tán bốn phương.

    Theo anh Hồng, đó là "Tội ác" của nhà cầm quyền khi khiến người dân phải bứng gốc rễ mình bỏ xứ tha phương.


    'Những ngày xưa thân ái' của cậu nhóc Hà Công Hồng (thứ nhì từ trái) dù sống ngay trên địa đầu Quảng Trị

    Hà Công Hồng và các anh chị em mình - hình ảnh có thể thấy rât quen thuộc về các con em của gia đình VNCH, những đứa trẻ dù sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nhưng thần thái thật đĩnh đạc, tự tin và hiền hòa.


    Nguồn: SBS / Mai Hoa (phát thanh ngày 17/4/2018)

  8. Thanks Lien 53, ld6bdq thanked for this post

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 04-13-2017, 17:50

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •