Một số máy bay Super Hornet trên tàu sân bay không gắn vũ khí để chiến đấu mà chỉ làm nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho đồng đội.

Trong dàn máy bay được trưng bày trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson đang neo tại Đà Nẵng có một số tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet đeo tới 5 thùng dầu phụ cỡ lớn bên dưới cánh và thân. Đây là những chiếc Super Hornet đóng vai trò máy bay tiếp dầu, chỉ hoạt động gần tàu sân bay và luôn đứng ngoài vòng chiến, theo Boeing.
Tiêm kích F/A-18 Super Hornet trên tàu sân bay Mỹ mang được 6-6,5 tấn nhiên liệu, bán kính chiến đấu 722 km, còn tiêm kích F/A-18 Hornet chỉ mang được tối đa gần 5 tấn nhiên liệu, bán kính chiến đấu khoảng 741 km. Để tăng bán kính chiến đấu, các tiêm kích này thường phải được tiếp dầu trên không.
Vì các máy bay tiếp dầu cỡ lớn chuyên dụng không thể hoạt động trên tàu sân bay, nhiệm vụ tiếp dầu trên không của không đoàn tàu sân bay Mỹ trước kia được giao cho cường kích S-3 Viking.
Sau khi hải quân Mỹ loại biên dòng Viking, các tiêm kích F/A-18E/F trở thành nền tảng tiếp dầu trên không chủ lực trong hoạt động tác chiến xa bờ của tàu sân bay Mỹ.
Những chiếc Super Hornet được trang bị hệ thống tiếp dầu trên không (ARS), vốn không xuất hiện trên phiên bản F/A-18C/D Hornet. ARS trên thực tế là một thùng dầu phụ được lắp hệ thống ống dẫn, thiết bị chỉ thị tiếp cận ở phía sau và máy phát điện chạy bằng sức gió lắp ở mũi trước.
Hidden Content
Thùng dầu ARS gắn máy phát điện chạy bằng sức gió (khoanh đỏ) trên tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet của tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Nguyễn Đông.
ARS phải dùng máy phát điện riêng do nguồn năng lượng trên tiêm kích Super Hornet không đủ cho nhiệm vụ này. Cánh quạt ở mũi thùng dầu phụ sẽ quay nhờ luồng khí trong quá trình bay, tạo ra điện để bơm nhiên liệu từ chiếc F/A-18E/F sang những máy bay khác.
Phía đuôi ARS là cụm ống dẫn và giỏ tiếp dầu, thiết bị giúp kết nối với cần tiếp dầu trên các phi cơ hải quân. Quá trình này bắt đầu bằng việc phi công trên máy bay tiếp dầu thả ống dẫn, sau đó phi cơ cần tiếp dầu sẽ tiếp cận từ phía sau và liên tục rút ngắn khoảng cách. Chênh lệch tốc độ sẽ giúp cần tiếp dầu kết nối chặt với giỏ phía trước.
Hidden Content
Quá trình tiếp dầu trên không của phi đội Super Hornet. Ảnh: US Navy.
Trong thời gian chuyển nhiên liệu, hai máy bay phải giữ đội hình chặt chẽ. Mọi sai lệch sẽ khiến cần tiếp dầu tách rời khỏi giỏ để bảo đảm an toàn. Phi đội Super Hornet tiếp dầu thường chỉ xuất kích khi các máy bay đồng đội thiếu nhiên liệu để trở về tàu sân bay hoặc gặp khó khăn trong lúc hạ cánh, buộc phải hủy hạ cánh nhiều lần liên tiếp.
Những chiếc Super Hornet làm nhiệm vụ này thường lắp 4 thùng dầu phụ dung tích 1.817 lít ở hai bên cánh, còn ARS gắn dưới thân chính có thể chứa 1.250 lít dầu, chưa kể tới lượng dầu dự trữ trong thân máy bay. Một máy bay F/A-18E/F làm nhiệm vụ tiếp dầu có thể mang tối đa 13,2 tấn nhiên liệu để tiếp tế cho các tiêm kích khác trong không đoàn tàu sân bay.
Hidden Content
Hai thùng dầu phụ gắn ở một bên cánh của tiêm kích Super Hornet trên tàu Carl Vinson. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hải quân Mỹ đánh giá khả năng tiếp dầu của Super Hornet là yếu tố rất quý giá, nhất là khi lực lượng này phải loại biên những dòng phi cơ có tính năng tương tự như S-3 và KA-6D. Dù không trực tiếp tham chiến, các máy bay F/A-18E/F tiếp dầu vẫn là một phần quan trọng, bảo đảm sự sống còn trong chiến đấu của mọi không đoàn tàu sân bay Mỹ.
Tử Quỳnh
Theo vnexpress