Thi sĩ Du Tử Lê: Ðã qua những mùa sợ Tết



TP - Nếu tính cả Tết Mậu Tuất (2018), tác giả “Khúc Thụy Du” đã trải qua 41 cái Tết nơi quê người. Những năm đầu tị nạn, người Việt ở hải ngoại không có Tết, họ che giấu nỗi niềm nhớ quê hương bằng những giọt nước mắt lặng thầm… Nay mùa xuân đã trở lại ấm áp với người Việt ở Mỹ nói chung, với Du Tử Lê nói riêng.


Gian hàng Tết của người Việt ở hải ngoại.



Nếu nhạc sỹ Y Vân gom cuộc đời trong 60 năm ngắn ngủi thì 41 cái Tết xa xứ của “tập thể người Việt tỵ nạn” (chữ dùng của Du Tử Lê) đã là phần lớn đời người. Trong đó những cái Tết đầu tiên thật buồn thương và u ám: “Gần như người Việt chẳng những không có Tết mà họ còn sợ Tết! Vì Tết làm họ thêm nhớ quê hương, đất nước. Họ tìm nhau, gọi cho nhau, không phải để chúc Tết mà, để thổ lộ lòng nhớ cháy bỏng ấy. Trong niềm nhớ thương đó, không ít người đã khóc thầm, khóc vụng hoặc khóc với người thân, kẻ sơ của họ tạm trú ở những nơi xa, lạ…”. Nhớ lại những mùa xuân đầu tiên của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Du Tử Lê tổng kết: “Là những khoảng thời gian buồn bã, điếng lặng đến đáng sợ nữa”.

Nhưng rồi người Việt tỵ nạn cũng tìm cách bước qua nỗi buồn, sự hoang mang để thắp lên niềm vui, sự ấm áp trên xứ người bằng cách dần dần, họ tìm đến bên nhau, sống tập trung ở một số địa điểm: “Nhiều nhất là Cali vì tiểu bang này có khí hậu tương đối dễ chịu hơn những tiểu bang khác. Sự tìm về ngày một nhiều, đủ để thành hình một cộng đồng thì những tập quán thuộc về mấy ngày Tết của người Việt cũng được lần hồi, sống lại”, thi sĩ Du Tử Lê giải thích.

Hiện nay, theo quan sát của tác giả “Khúc Thụy Du”, Tết truyền thống của người Việt Nam đã sống lại trên đất Mỹ, ở những nơi có nhiều người Việt qui tụ. Người Việt ở hải ngoại không còn phải nhắm mắt tưởng nhớ hoa đào trong tiềm thức ở những mùa xuân xứ sở xa xăm. Ở đây đào, quất, mai… không thiếu trong những chợ hoa phục vụ Tết: “Riêng tại miền nam Cali, trước Tết Nguyên đán nhiều ngày, các chợ hoa lớn, nhỏ đã sớm nhóm họp.


Họ bày bán đủ các loại cây không thể thiếu trong mấy ngày Tết của một gia đình người Việt, như: Mai, đào, cúc, nguyệt quế… Các loại cây trái như: Quất, quýt, cam, bưởi, thậm chí bonsai v.v...”. Ở Việt Nam từ lâu ngày Tết đã vắng tiếng đì đùng của pháo nhưng tại thành phố Westminster, theo nhà thơ Du Tử Lê, mấy năm qua, người Việt còn được phép đốt pháo nhưng phải đảm bảo an toàn. Tình yêu, nỗi nhớ quê hương, tinh thần tự hào dân tộc, đã khiến người Việt ở hải ngoại nỗ lực đưa cái Tết truyền thống tái sinh trong sự đủ đầy của màu sắc, âm thanh và biểu tượng: “Mấy năm qua, tại miền nam Cali đã có tới hai chợ Tết khác nhau, với nỗ lực phục hồi mọi khía cạnh đặc thù của truyền thống Tết Việt Nam, như: Dựng cổng chào, cây nêu, Văn Miếu, chùa Một Cột, tái hiện những giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Lại có cả nhiều gian hàng bầu cua cá cọp (tên gọi khác: Lắc bầu cua hay bầu cua tôm cá, là một trò chơi của người Việt vào các dịp lễ tết, đặc biệt Tết Nguyên đán - PV), thả thơ, thi Hoa hậu áo dài, thi trẻ em đẹp. Dĩ nhiên, không thể thiếu những gian hàng bán đồ ăn Việt Nam và những trò chơi có giải thưởng… Song song là chương trình thi Xe hoa và rất nhiều tổ chức văn nghệ lớn, bé…” (Du Tử Lê).


Chân dung tự họa của Du Tử Lê


Hơn 20 năm nay, sau khi hai nước Hoa Kỳ - Việt Nam tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, rất nhiều người Việt ở hải ngoại có cơ hội trở về quê hương ăn Tết. Theo ghi nhận của thi sĩ Du Tử Lê, “số người Việt hải ngoại chọn về quê ăn Tết đã gia tăng đều đặn mỗi năm. Một số hãng máy bay phải tăng số chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu ăn Tết tại quê nhà của người Việt”. Người Việt xa xứ có dịp trở về quê ăn Tết thường có đặc điểm, nấn ná, lai rai, rồi mới chịu trở về Mỹ. Tác giả Khúc Thụy Du băn khoăn: “Tôi không biết rồi đây, có khi nào thời gian ăn Tết ở Việt Nam của một số người, sẽ kéo dài cả… nửa năm không? Bởi vì đa phần, trong số họ, là những người lớn tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội (bất chấp luật lệ giới hạn), hoặc đã về hưu…”.

Thi sĩ Du Tử Lê ít có dịp trở về thăm quê hương. Chuyến trở về công khai của ông được báo chí biết đến, nhân dịp ra mắt tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn”, vào giữa năm 2014. Năm 2017 là một năm không suôn sẻ về mặt sức khỏe với tác giả của hơn 300 bài thơ được phổ nhạc. Trong năm 2017, thi sĩ cũng nhận tin buồn về sự ra đi của người anh ruột tại Rạch Giá, Kiên Giang. Tuy nhiên, năm vừa qua lại là một năm đáng nhớ của thi sĩ, khi trường khúc “Mẹ về biển Ðông” của ông được ấn hành lần thứ 3, bởi NXB Hội Nhà văn Việt Nam (hai lần trước, sách được in tại Hoa Kỳ). Những “đứa con tinh thần” của Du Tử Lê sau những thăng trầm, dần dần cũng đã được trở về quê hương đàng hoàng. Thi sĩ tâm sự: “Ở tuổi 75 như tôi hiện nay, tôi nghĩ, không ai có thể dám chắc điều gì về tương lai!! Tôi chỉ hy vọng năm 2018 này, tôi có thể hoàn tất bản thảo tập sách “Sơ lược 40 năm VHNT Việt 1975-2015”, tập thứ 3, để giao cho cơ sở Amazon ấn hành, mà thôi… Mong vậy thay”. Dù tuổi cao, bệnh tật hỏi thăm nhưng trái tim thi sĩ chưa bao giờ hết rộn ràng. Nhà thơ tặng riêng bạn đọc TPCN một bài thơ tâm đắc, vừa viết. Tất nhiên, đó là một bài thơ tình, với một yêu cầu từ phía Du Tử Lê: “Giữ nguyên cho tôi chấm, phết. Tôi cố tình chứ không phải vô ý”.




Du tử lê, đôi môi em: Vú mẹ thuở thanh xuân.

khi khoảng cách không thể đo bằng thước,

thì tình tôi e phủ mọi chân trời.

em kiếp trước, đời sau không thể hiểu:

sao có người ký ức mãi xanh, tươi!!!

...

đôi môi em: vú mẹ thuở thanh xuân.

cười: mụ dạy thời nằm nôi ngậm sữa.

không ai chỉ lối vào sâu cõi nhớ!

sao tôi buồn như thể sớm hư không!?!

...

con đường cụt đi hoài mà chẳng hết!

một khuya thôi đủ ấm biết bao đời.

nhưng tiếng hát đã lìa, xa cửa ngực;

sao vọng âm vẫn gọi ánh sao rơi?

...

đôi môi mẹ thả tôi vào cõi khác,

như em còn chín, nẫu nỗi băn khoăn.

đời không thật! duy nỗi buồn có thật!!!

một tên người: lát cắt mấy trăm năm.

Du Tử Lê



TPO